[vccitranslate]

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ – Trọng điểm phát triển quốc gia

Luật sư Nguyễn Văn Phúc
Luật sư Nguyễn Nhật Dương
Công ty Luật TNHH HM&P

Ngày 15/12/2023 vừa qua, Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (“Quy hoạch vùng”) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì đã tổ chức phiên họp thẩm định đối với Quy hoạch vùng. Tại phiên họp này, Hội đồng thẩm định đã biểu quyết thông qua hồ sơ Quy hoạch vùng với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến đề xuất phù hợp cho sự phát triển của khu vực.

Quy hoạch này hứa hẹn sẽ mang đến một bước đột phá cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cho cả nước nói chung.

1. Sự phù hợp về bối cảnh

Quy hoạch vùng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, xây dựng từ năm 2021, đây cũng là thời điểm Nghị quyết số 98/2023/QH15 (“Nghị quyết 98”) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình xây dựng. Sau đó, vào ngày 01/8/2023, Nghị quyết 98 chính thức có hiệu lực, tạo cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các phương án thí điểm cho thành phố, đồng thời cũng tạo động lực cho sự phát triển chung của toàn vùng Đông Nam Bộ. Đến thời điểm này, khi Quy hoạch vùng sắp sửa được ban hành, các nội dung của Nghị quyết 98 cũng sẽ trở thành một phần quan trọng trong Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, nơi mà Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang giữ vai trò đầu tàu.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ - Trọng điểm phát triển quốc gia

2. Một số nội dung cốt lõi của Quy hoạch vùng

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 gồm một số nội dung cốt lõi sau đây:

(a) Quan điểm là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển với mục tiêu tăng trưởng cao, dựa vào 3 trụ cột chính: con người – thiên nhiên – truyền thống văn hóa, lịch sử; lấy con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa lịch sử là động lực cho phát triển.

(b) Phát triển vùng thành một trung tâm, đầu tàu, mô hình mẫu về phát triển kinh tế – xã hội và là trung tâm lớn nhất về kinh tế – xã hội của đất nước.

(c) Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, công nghệ cao; phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

(d) Về cấu trúc phát triển gồm 03 tiểu vùng; 06 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ; 02 hành lang xanh – sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng; Phân bố lại không gian công nghiệp – đô thị gắn với chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình hiện đại, sinh thái, tuần hoàn.

(e) Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

(f) Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng kết nối như: đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nội vùng, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Cái Mép – Thị Vải; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, kết nối với khu vực. Tập trung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Một số nội dung cụ thể đáng chú ý

Quy hoạch vùng đặt ra rất nhiều mục tiêu cụ thể để phát triển vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 – 2030, có thể kể đến các chỉ tiêu về kinh tế, kết cấu hạ tầng như sau: (i) Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 8 – 8,5%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; (ii) Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 10,7%; (iii) Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 – 35%; (iv) Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 – 75%; (v) Hoàn thành đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Xa hơn, đến năm 2050, Đông Nam Bộ đặt mục tiêu trở thành vùng phát triển hiện đại, có thu nhập cao ngang bằng với các nước phát triển; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.

Có thể thấy, các mục tiêu đặt ra cho vùng Đông Nam Bộ trong Quy hoạch vùng mang tính tham vọng rất lớn. Khi xem xét mục tiêu này trong mối quan hệ tổng thể giữa phương hướng phát triển vùng Đông Nam Bộ và các chính sách thí điểm áp dụng đối với Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 98, phương hướng phát triển cho toàn vùng hiện nay đang khá thống nhất.

Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu trên, Quy hoạch vùng cũng hướng đến một số giải pháp phát triển trọng tâm, đáng lưu ý.

3.1. Phát triển theo các tiểu vùng

Với cơ cấu GRDP đặt ra ở trên, Quy hoạch vùng hướng đến phát triển vùng Đông Nam Bộ theo phương án tiểu vùng. Cụ thể, Quy hoạch vùng chia vùng Đông Nam Bộ thành ba tiểu vùng là tiểu vùng trung tâm, tiểu vùng ven biển và tiểu vùng phía Bắc.

Theo đó, tiểu vùng trung tâm gồm Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai. Đây sẽ là trung tâm phát triển của toàn vùng với thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu và dịch vụ chất lượng cao. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là phương án phù hợp để làm hạt nhân cho sự phát triển của toàn vùng. Với thế mạnh sẵn có về nguồn lực hiện hữu, tiểu vùng trung tâm có thể tập trung vào các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khu vực và rộng hơn là toàn thế giới. Hơn nữa, với quỹ đất hạn hẹp cả trong và ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, việc phát triển tiểu vùng trung tâm theo phương án trên là hợp lý.

Trong khi đó, để phát triển dịch vụ logistics và các ngành nghề khác như du lịch, cảng biển, hóa dầu,… Quy hoạch vùng hướng đến phát triển tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với lợi thế về vị trí địa lý và nguồn tài nguyên biển, việc tách tiểu vùng ven biển ra khỏi tiểu vùng trung tâm giúp tiểu vùng này được phát triển chuyên biệt hơn.

Cuối cùng là tiểu vùng phía Bắc, bao gồm tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Với nguồn lực đất đai, lao động dồi dào, tiểu vùng này được định hướng sẽ tiếp tục phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của toàn vùng. Đồng thời, hướng đến nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, tiểu vùng này đóng vai trò hết sức quan trọng khi giữ vai trò bảo vệ cảnh quan, nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

3.2. Ưu tiên phát triển Vùng động lực phía Nam

Vùng động lực phía Nam được xác định gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, đây đồng thời cũng được xem là Vùng động lực quốc gia. Một số định hướng phát triển Vùng động lực phía Nam mà nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý khi triển khai hoạt động đầu tư vào khu vực này, bao gồm:

(i) Tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng , xây dựng kinh tế số, xã hội số. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Thu hút các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tập đoàn lớn trên thế giới.

(ii) Phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, logistics. Thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao; sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo. Phát triển các khu công nghiệp công nghệ thông tin, công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Phát triển kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác chế biến dầu khí, du lịch biển.

(iii) Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải, phát triển cảng biển Cái Mép Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế; đầu tư các đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến được bộ cao tốc; xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành và phát triển đô thị sân bay.

(iv) Nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác và phát triển với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

3.3. Các giải pháp để đẩy mạnh huy động vốn đầu tư

Với những phương hướng phát triển và mục tiêu cụ thể nêu trên, rõ ràng Đông Nam Bộ cần một phương án cụ thể để huy động nguồn vốn đầu tư cho toàn vùng. Quy hoạch vùng cũng đề ra một số phương hướng chung để thu hút vốn đầu tư, cụ thể như sau:

(i) Tập trung ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông liên vùng. Ưu tiên nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với vai trò là vốn mồi, đầu tư các dự án không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách. Kết hợp hiệu quả nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, bảo đảm chất lượng và hiệu quả công trình. Khai thác quỹ đất hình thành từ hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tái đầu tư phát triển.

(ii) Đẩy mạnh phân cấp quản lý kinh tế – xã hội phù hợp với năng lực của các địa phương trong vùng. Xây dựng cơ chế thí điểm huy động nguồn lực chung của các địa phương trong vùng cho các chương trình, dự án hợp tác vùng.

(iii) Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư chung của vùng. Thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên và thân thiện với môi trường.

(iv) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh vượt trội, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ,…

(v) Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ tài chính bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, để tăng cường thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng.

Qua Quy hoạch này, có thể thấy, Nhà nước đang nhìn nhận vùng Đông Nam Bộ với vị thế và vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Trên cơ sở Quy hoạch Đông Nam Bộ sẽ được sớm thông qua trong thời gian tới, các địa phương cần sớm có các quy hoạch, kế hoạch cụ thể để phát triển địa phương mình, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch vùng. Hơn nữa, việc xây dựng các phương án, giải pháp để liên kết vùng sâu sắc, thực chất và hiệu quả sau Quy hoạch này là một bài toán cấp thiết và cực kỳ quan trọng đối với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Bài viết được thực hiện với sự hợp tác giữa VCCI-HCMCông Ty Luật TNHH HM&P

  • Events
  • Training