Một số nét chính tình hình kinh tế- xã hội quý IV và năm 2024

Tình hình kinh tế – xã hội năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp hơn mức mục tiêu, các cân đối lớn được đảm bảo, an sinh xã hội được duy trì, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu đề ra, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Một số nét chính về kinh tế – xã hội quý IV và cả năm 2024 của nước ta như sau:

1. Điểm sáng và tích cực

(1) Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng kinh tế năm 2024 của nước ta tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%; quý II tăng 7,25%; quý III tăng 7,43%; quý IV tăng 7,55%), vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Tính chung cả năm 2024, GDP tăng 7,09% so với năm trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%. Tăng trưởng của một số ngành dịch vụ thị trường đạt mức khá: Bán buôn, bán lẻ tăng 7,96%; vận tải kho bãi tăng 10,82%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,76%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,11% …

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, thể hiện qua chỉ tiêu GDP bình quân đầu người và năng suất lao động. GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện hơn (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023).

(2) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 phát triển ổn định. Kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi ổn định, nuôi trồng thủy sản tăng khá do ứng dụng mô hình công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Năng suất lúa vụ đông xuân tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng đạt 20,33 triệu tấn, tăng 145 nghìn tấn; năng suất vụ hè thu tăng 0,8 tạ/ha và sản lượng tăng 139,1 nghìn tấn. Sản lượng thu hoạch của một số cây lâu năm đạt khá do thị trường tiêu thụ ổn định, lợi nhuận tăng cao như: Sầu riêng tăng 25,7%; chanh tăng 4,8%; cam tăng 3,6%; chuối tăng 3,4%; xoài tăng 3,1%; cà phê tăng 3%; cao su tăng 2,1%.

Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi năm 2024 tăng so với năm trước, trong đó: Thịt bò ước tăng 1,7%; thịt lợn tăng 6,6%; thịt gia cầm tăng 5,4%; sản lượng trứng gia cầm tăng 5%; sản lượng sữa tươi tăng 6%.

Sản lượng gỗ tăng cao do xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tốt, nhu cầu gỗ phục vụ các nhà máy chế biến gỗ tăng; giá gỗ nguyên liệu ở mức cao đã khuyến khích người dân đẩy mạnh khai thác diện tích đến tuổi thu hoạch. Trong quý IV/2024, sản lượng gỗ khai thác đạt 7.242,5 nghìn m3, tăng 9,6%; tính chung cả năm 2024 đạt 23.334,1 nghìn m3, tăng 7,9%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý IV/2024 ước đạt 1.669,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá tra tăng 5,3%; tôm thẻ chân trắng tăng 7,2%; tôm sú tăng 5,3%. Tính chung cả năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 5.721,6 nghìn tấn, tăng 4% so với năm trước, trong đó cá tra tăng 4,8%; tôm thẻ chân trắng tăng 6,3%; tôm sú tăng 3,6%.

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm sản và thủy sản tăng cao như: Thủy sản tăng 11,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 20,9%; gạo tăng 21,2%; chè tăng 23,2%; rau, quả tăng 27,6%; cà phê tăng 32,5%; hạt tiêu tăng 44,4%;…

 (3) Ngành công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tính tăng 8,4% so với năm trước, cao nhất kể từ năm 2020 đến nay[1] và vượt mục tiêu phấn đấu đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục phát triển và có tốc độ tăng cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng toàn ngành công nghiệp: Dệt tăng 12,1%; sản xuất trang phục tăng 11,7%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 13,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 9,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,3%…

Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2024 so với quý trước là 17,8%, trong đó có 38,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn; 20,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Các chỉ số này đều tốt hơn so với quý III/2024[2].

(4) Hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và duy trì tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong 4 quý của năm 2024; vận chuyển hành khách tăng 9,2% và luân chuyển tăng 10,7%; vận chuyển hàng hóa tăng 12,8% và luân chuyển tăng 13,4%. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước; vận chuyển hành khách tăng 8,3% và luân chuyển tăng 11,6%; vận chuyển hàng hóa tăng 14% và luân chuyển tăng 11,8%.

(5) Du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024 của đất nước, tác động lan tỏa tích cực đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Trong tháng 12/2024, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,75 triệu lượt người, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt người, tăng 39,5% so với năm trước.

(6) Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả năm 2024 tăng 7,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 25,35 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong quý IV/2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,8%; quý II tăng 7,4%; quý III tăng 7,0%). Tính chung cả năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 3.692,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm trước.

Tính đến ngày 31/12/2024, cả nước có 1.539 lượt dự án được điều chỉnh tăng vốn với số vốn đạt 13,96 tỷ USD, tăng 11,2% về số lượt dự án và tăng 50,4% về số vốn so với năm 2023 (năm 2023 có 1.384 lượt dự án với số vốn tăng thêm đạt 9,28 tỷ USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 25,35 tỷ USD, là số vốn thực hiện cao nhất từ trước đến nay.

 (7) Xuất, nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật và là động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 nhờ nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà phục hồi. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%).

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2024 xuất siêu 24,77 tỷ USD (năm trước xuất siêu 28,4 tỷ USD). Đây là năm thứ 9 cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu liên tiếp, nhờ đó góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối của nền kinh tế.

(8) Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 so với năm trước tăng 3,63%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%-4,5%.

(9) Lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 tăng so với năm trước; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời; hoạt động cứu trợ nhân dân vùng khó khăn, vùng thiên tai, bão được các bộ, ngành, địa phương được thực hiện rộng khắp, thiết thực và hiệu quả.

Lao động có việc làm quý IV/2024 ước tính là 52,1 triệu người, tăng 414,9 nghìn người so với quý trước và tăng 639,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2024 ước đạt 51,9 triệu người, tăng 585,1  nghìn người so với năm 2023.

Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2024 là 8,2 triệu đồng/tháng, tăng 550 nghìn đồng so với quý III/2024 và tăng 890 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả năm 2024 đạt 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 610 nghìn đồng so với năm 2023.

Công tác an sinh xã hội được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực. Tính đến ngày 30/12/2024, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ người dân gần 22,4 nghìn tấn gạo; hỗ trợ người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là gần 33,9 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 27,3 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội là hơn 4,9 nghìn tỷ đồng…

2. Hạn chế, tồn tại

(1) Mặc dù cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng tích cực, chi tiêu của người dân đã hồi phục so với năm 2023 nhưng chưa đạt được kỳ vọng so với thời kỳ trước dịch Covid-19. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 chỉ cao hơn các năm 2020 và 2021 (năm có dịch Covid-19) trong giai đoạn 2014-2024[3]. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống; doanh thu du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ khác như vui chơi, giải trí… năm 2024 chiếm tỷ trọng 23,0% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, giảm 1,5 điểm phần trăm so với năm 2019 (24,5%).

(2) Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp, cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn hiện hữu. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 là 197,9 nghìn doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn với 100,1 nghìn doanh nghiệp, chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, sức mua và nhu cầu trong nước phục hồi chậm cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn cho đầu ra của sản phẩm.

(3) Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt thấp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2024. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 661,3 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6% kế hoạch năm và tăng 3,3% so với năm trước, thấp hơn nhiều các năm kể từ năm 2016 đến nay[4] (riêng năm 2021 giảm 7,1% do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, nhà thầu đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án/công trình, nhưng việc thực hiện vốn đầu tư công năm 2024 chưa đạt kỳ vọng.

(4) Chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2024 tăng so với năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,56%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 5,86%, trong đó chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 13,16%.

(5) Khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm 2024. Mặc dù nhiều chính sách quảng bá, thu hút khách du lịch được thực hiện tích cực nhưng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt gần 17,6 triệu lượt người, chưa đạt mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách. Do đó trong năm tới, ngành Du lịch cần phải có giải pháp đột phá để thu hút thêm nhiều thị trường khách du lịch mới và chất lượng hơn.

(6) Thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong năm 2024, thiên tai làm 570 người chết và mất tích; 2.204 người bị thương; 302,4 nghìn ha lúa và 111,4 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; 5,4 triệu con gia súc và gia cầm bị chết; 296,8 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2024 ước tính gần 89.253,6 tỷ đồng, gấp 17,5 lần năm 2023.

3. Kiến nghị

Tăng trưởng cả năm ước đạt 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, đây là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; dịch bệnh, thiên tai khó dự báo trước, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Tổng cục Thống kê đề xuất thực hiện một số kiến nghị, giải pháp sau đây:

Một là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Hai là, Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành tạo động lực mới cho phát triển kinh tế năm 2025. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.

Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để tăng cường tiêu thụ hàng Việt Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế. Nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch nội địa; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.

Bốn là, tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Ca-na-đa, Nhật Bản…

Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)…; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Sáu là, tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống./.

[1] Chỉ số sản xuất công nghiệp so với năm trước các năm 2020-2024 lần lượt tăng là: 3,3%; 4,7%; 7,4%; 1,3%; 8,4%.

[2] Chỉ số tương ứng của quý III/2024 là 12%; trong đó có 34,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt hơn; 22,7% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

[3]  Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các năm 2014-2024 lần lượt là: 11,5%; 10,5%; 10%; 11,6%; 11,0%; 12,5%; -1,9%; -9,1%; 21,7%; 9,4%; 9,0%.

[4] Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước các năm 2016-2024 lần lượt là: 16,1%; 6,6%; 12,2%; 7,1%; 33,6%; -7,1%; 19,9%; 24%; 3,3%.

  • Events
  • Training

Bà Bùi Thị Ninh

Phó Giám đốc VCCI-HCM

093 815 0708

buithininh@vcci-hcm.org.vn