[vccitranslate]

Tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực DN nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tạo cơ hội lớn để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nông sản Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, muốn tận dụng hiệu quả các lợi thế về thuế quan, doanh nghiệp cần năng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại nắm rõ những cơ hội và thách thức của EVFTA, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, tổ chức Hội thảo “Làm thế nào để tận dụng cơ hội của EVFTA và nâng cao năng lực doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.

Hội thảo diễn ra sáng ngày 24/7/2020, với sự tham dự của hơn 150 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã và trang trại trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Hội thảo còn có các khách mời và báo cáo viên từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo các địa phương.

Ông Lê Minh Duy, Chủ tịch Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, EU là một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và đang là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Năm 2019, EU chiếm 11,75% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. EVFTA có hiệu lực sẽ mở cánh cửa lớn cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, nông, lâm, thủy sản có nhiều lợi thế khi được cắt giảm nhanh đối với hầu hết các dòng thuế. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA không đồng nghĩa với việc mọi hàng hóa của Việt Nam đều có thể xuất khẩu vào EU và được hưởng ưu đãi về thuế.

Để tận dụng tốt nhất các cơ hội về thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã cần đáp ứng một loạt những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn bền vững về môi trường. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Trong bài phát biểu chào mừng tại hội nghị, Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI-HCM, cho biết, EU hiện là một trong 2 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về thương mại và đầu tư và là một trong những thị trường chính của nông sản Việt Nam (đặc biệt, hàng thủy sản và cà phê là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam). Khi EVFTA có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn nhiều hơn nữa, vì khi được giảm thuế, hàng hóa của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh. Khoảng 50% số dòng thuế ngành Thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3 đến 7 năm. Cụ thể, sau khi hiệp định này có hiệu lực, nhóm hàng thịt trâu bò tươi, ướp lạnh, đông lạnh, thịt heo tươi, đông lạnh… thuế về cơ bản sẽ giảm xuống còn 0%. Đối với mặt hàng rau quả, 530/556 dòng thuế cũng về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu cũng sẽ được miễn thuế khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi. Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu, Việt Nam cũng có nhiều điều kiện để thu hút đầu tư từ EU vào ngành nông nghiệp. “Muốn xuất khẩu lớn thì phải canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, từ hạt giống, từ canh tác, đến thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, rồi logistics…phải được đầu tư đồng bộ. Muốn thu hút được đầu tư vào ngành nông nghiệp thì cần phải tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm”. Ngoài ra, EVFTA cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy các tiến bộ trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI-HCM

Trong bài trình bày về Tận dụng hiệu quả EVFTA trong lĩnh vực Nông nghiệp, Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết tính đến năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng C/O ưu đãi theo các FTA của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm 37,2 %. Ông Nam nhấn mạnh, để tận dũng hiệu quả EVFTA trong xuất khẩu, doanh nghiệp cần quan tâm 3 vấn đề chính: thuế, quy tắc xuất xứ trong Thông tư 11/2020 do Bộ Công thương ban hành ngày 15/06/2020 và các hàng rào phi thuế quan.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-HCM

Ông Trần Thế Như Hiệp, đại diện công ty TNHH Công nghệ NHONHO thông tin, hiện nay đa phần doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ sản xuất hạn chế nên việc nâng cao giá trị sản phẩm chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, dù EU là thị trường xuất khẩu quen thuộc của nhiều mặt hàng Việt Nam nhưng mức độ khai thác thị trường này chưa đồng đều. Trong số 27 thành viên EU, chỉ riêng 5 quốc gia Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Italy đã chiếm khoảng 68% tổng giá trị thương mại với các nước EU, trong khi kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường còn lại rất thấp. “Để nâng cao thị phần và giá trị xuất khẩu, ngoài việc củng cố quan hệ với các thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn lại của EU vì tiềm năng, dư địa tiêu thụ nông sản tại các nước này còn rất lớn”, ông Trần Thế Như Hiệp nhấn mạnh.

Một số hình ảnh tại hội nghị

 

  • Sự kiện
  • Đào tạo