Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Nhật Bản
- 12/10/2018
Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam và mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Giao lưu thương mại Việt Nam – Nhật Bản.
Đây là nhận định của các đại biểu tại chương trình giao lưu thương mại Việt Nam – Nhật Bản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI–HCM) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tokyo (Tokyo SME Suport Center) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 11/10.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc chương trình.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay, đứng đầu về tài trợ ODA, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, thị trường thu hút du lịch lớn thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Cụ thể, năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản đạt 33,3 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 27,8 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và Nhật Bản mang tính bổ sung; trong đó, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng như thủy sản, dệt may, da giày, thực phẩm chế biến và Việt Nam nhập khẩu các nguyên liệu, thiết bị và máy móc phục vụ sản xuất.
Về đầu tư, năm 2017, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với con số kỷ lục 9,11 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 7 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Lũy kế đến hết tháng 9/2018, Nhật Bản có 3.899 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đạt 55,77 tỷ USD.
Doanh nghiệp hai nước tham dự chương trình Giao lưu thương mại Việt Nam – Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Thế Hưng, những con số trên cho thấy Việt Nam đã và đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản. Tiềm năng thị trường lớn, tăng trưởng kinh tế cao, tình hình chính trị xã hội ổn định và chi phí nhân công hợp lý là những yếu tố thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đánh giá các doanh nghiệp Nhật Bản là những đối tác hợp tác lý tưởng trên nhiều lĩnh vực.
Ông Yoshiyuki Fukuda, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tokyo SME Suport Center nhận định, Việt Nam là một trong những nước đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất trong khối ASEAN, là khối đang tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Không chỉ vậy, dân số của Việt Nam vẫn đang tăng lên, chất lượng nhân lực cũng được cải thiện tích cực. Do đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có ý định phát triển sản phẩm bằng việc hợp tác với các công ty Việt Nam trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Ông Yoshiyuki Fukuda (bên phải), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tokyo phát biểu tại buổi giao lưu thương mại.
Theo ông Yoshiyuki Fukuda, các doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh về công nghệ và các sản phẩm đạt chất lượng cao. Mục đích đến Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ là giới thiệu sản phẩm và bán hàng mà còn mong muốn đầu tư sản xuất ở những lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng hy vọng có thể tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng hợp tác lâu dài, tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, chế tạo.
Ông Masaki Himeno, Chủ tịch Công ty TNHH Keiden Việt Nam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư và hợp tác kinh doanh tại Việt Nam vì đây là thị trường có nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là ngành chế tạo ô tô, xe máy, điện tử. Năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang được cải thiện đáng kể, tiệm cận với các yêu cầu, tiêu chuẩn của các thương hiệu chế tạo lớn và đây là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, liên kết cùng phát triển.
Nguồn: TTXVN