[vccitranslate]

Vì đâu loạt tượng đài công nghệ Nhật “ngã ngựa”?

Theo CNN, hàng loạt doanh nghiệp được xem là “tượng đài công nghệ” một thời của Nhật hiện đứng ngoài xu hướng công nghệ toàn cầu, phát triển trì trệ, thậm chí bị khai tử do những quyết định đầu tư sai lầm, sự bảo thủ và bê bối tài chính.

Toshiba – Trên bờ vực phá sản

Từng đi tiên phong trong mảng laptop, TV và đồ điện tử gia dụng, Toshiba đang trên bờ vực phá sản và lay lắt tồn tại nhờ hỗ trợ tài chính từ ngân hàng.

“Toshiba là một trong nhiều công ty xác sống của Nhật”, Jesper Koll, CEO của Quỹ đầu tư WisdomTree Investments Nhật Bản, nhận định.

Sau khi để mất thị phần vào tay các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc trong các mảng kinh doanh chủ chốt, đế chế này quay sang bám víu các mảng còn lại. Toshiba mạnh tay đầu tư vào ngành năng lượng hạt nhân thông qua thương vụ mua lại công ty Westinghouse Electric của Mỹ.

Tuy nhiên, năm 2015, loạt bê bối kế toán bị phát giác khiến hãng này bận rộn giải quyết, mảng hạt nhân cũng thất bại nặng nề.

Tháng 2/2017, Toshiba cho biết những khó khăn và chi phí khổng lồ tại Westinghouse Electric có thể khiến hãng này tiêu tốn 6,3 tỷ USD. Sau đó, Westinghouse đệ đơn xin phá sản tại Mỹ, còn Toshiba cũng hoài nghi khả năng tồn tại của mình tại Nhật.

Chỉ trong vài tháng, giá cổ phiếu Toshiba sụt hơn một nửa. Hãng này cũng phải bán đi mảng kinh doanh chíp nhớ và một số tài sản khác để cố cầm cự.

Sharp – Bán mình cho Foxconn

Vào những năm 1980, Sharp nổi tiếng với các loại máy tính bỏ túi, đầu băng và máy cassette bỏ túi cao cấp. Tiếp đó, hãng này đầu tư mạnh tay vào TV LCD, màn hình tấm lớn, và cũng thu được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, sau đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu và đồng Yên mạnh lên khiến nhu cầu sụt giảm mạnh, Sharp rơi vào tình cảnh thảm hại.

Trong nhiều năm, hãng này đứng bên bờ vực phá sản và tiếp tục cầm cự nhờ hai lần cứu trợ của ngân hàng.

Năm 2015, Sharp công bố lỗ nặng và sa thải 5.000 nhân viên trên toàn cầu. Đây là điều khó chấp nhận tại Nhật Bản, nơi một công ty luôn cố gắng để không sa thải nhân viên, Keith Henry, nhà sáng lập của Asia Strategy tại Tokyo cho biết.

Năm 2016, Sharp bán mình cho hãng điện tử Foxconn của Đài Loan.

Olympus – Bê bối kế toán

Olympus khởi đầu là nhà sản xuất kính hiển vi và dần trở thành hãng sản xuất máy ảnh và cung cấp thiết bị y tế hàng đầu Nhật Bản. Tuy nhiên, hành vi gian lận kế toán đã nhấn chìm biểu tượng công nghệ một thời này.

Năm 2011, Michael Woodford trở thành giám đốc điều hành nước ngoài đầu tiên của Olympus và nhanh chóng phát hiện hành vi giả mạo báo cáo tài chính của công ty này.

Theo đó, Olympus đã che giấu những khoản lỗ kéo dài trong nhiều năm, từ những năm 1990. Khi Woodford đặt nghi vấn, ông đột ngột bị sa thải. Nhưng lúc này không gì có thể cứu vãn tình hình.

Woodford tố giác hành vi che dấu khoản lỗ 1,7 tỷ USD trong 13 năm của hãng máy ảnh danh tiếng.

Theo CNN, đây có thể coi là “nỗi đau” của Olympus khi bị chính người nội bộ tố cáo.

Sau này, Woodford cho biết văn hoá kính lão cực đoan của người Nhật (luôn coi trọng những người có thâm niên hoặc địa vị cao hơn) là căn nguyên của vấn đề Olympus gặp phải. Sự tôn trọng đối với cấp trên đã tạo nên môi trường mà ở đó những quyết định quản lý thiếu sáng suốt không bị cản trở trong thời gian dài.

Sau đó, ban lãnh đạo mới đã giúp vực dậy công ty. Cổ phiếu tăng gần 10 lần kể từ mức đáy năm 2011 nhờ doanh số mảng thiết bị y tế tăng trưởng mạnh. Tuy vậy, sức ảnh hưởng của Olympus trên sân chơi điện tử, đặc biệt là máy ảnh, đã không còn như xưa.

Sanyo – Rơi vào tay Panasonic

Sanyo từng là hãng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng lớn thứ ba của Nhật, chuyên bán pin điện thoại di động và đồ gia dụng. Từ năm 1978, công ty này đã đặt biển quảng cáo neon khổng lồ tại ngay ở Piccadilly Circus, điểm du lịch hút khách hàng đầu tại London.

Vào những năm 2000, Sanyo đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các công ty điện tử của Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đồng Yên mạnh lên cũng khiến hàng xuất khẩu của Nhật trở nên đắt đỏ, khiến hàng loạt nhà sản xuất phải sáp nhập để tồn tại.

Năm 2009, Sanyo bị Panasonic thâu tóm. Tấm biển quảng cáo khổng lồ tại Piccadilly Circus, cũng như bản thân Sanyo, trở thành nạn nhân của cuộc cách mạng công nghệ.

Khi được tư vấn thay tấm biển trên bằng màn hình LED hiện đại, công ty này cho biết “cảm thấy không cần phải thay nó vì chi phí lớn”.

Năm 2011, Sanyo chính thức bị khai tử khi Panasonic tuyên bố ngừng sử dụng thương hiệu Sanyo mà thống nhất mọi sản phẩm của hãng dưới tên gọi Panasonic.

Theo Vneconomy.vn

  • Sự kiện
  • Đào tạo