VCCI và nỗ lực đảm bảo quyền tự do kinh doanh
- 30/04/2022
Để có được hệ thống pháp luật kinh doanh cơ bản hoàn thiện như hiện nay, dấu ấn của doanh nghiệp – thông qua đại diện là VCCI trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không hề nhỏ.
“Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” là những quy định quan trọng trong Hiến pháp 2013 thể hiện quan điểm của Nhà nước trong các chính sách phát triển kinh tế.
Pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn
Quan điểm này đã được hiện thực hóa một cách mạnh mẽ trong các đạo luật quan trọng, là nền tảng của hệ thống pháp luật về kinh doanh như: Luật Doanh nghiệp (2014, 2020), Luật Đầu tư (2014, 2020), Bộ luật dân sự 2015, Luật Đất đai 2013… Từ Hiến pháp 2013 đến nay, hệ thống pháp luật về kinh doanh có những bước chuyển rất dài để hiện thực và thúc đẩy “quyền tự do kinh doanh” cũng như có nhiều chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh.
Quy trình xây dựng pháp luật thời gian qua được đổi mới theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, dân chủ và cởi mở. Người dân và doanh nghiệp được tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách. Tiếng nói từ doanh nghiệp – động lực của nền kinh tế, đối tượng chịu sự tác động, chủ thể thực thi pháp luật – ngày càng được coi trọng và là nhân tố quan trọng để định hình chính sách.
Là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhưng trước đây VCCI chưa có vai trò quan trọng và ít được tham gia sâu vào quá trình xây dựng pháp luật. Nhưng hiện nay đã khác, Luật Ban hành VBQPPL và nghị định hướng dẫn đã chính thức ghi nhận vị trí, vai trò và trách nhiệm của VCCI trong đại diện và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật kinh doanh.
VCCI đã nỗ lực chuyển tải đầy đủ mong muốn, tiếng nói của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là các dự án luật trình lên Quốc hội. Với mỗi đạo luật, thông qua VCCI, cộng đồng doanh nghiệp có thể tham gia ý kiến từ giai đoạn đầu đề nghị xây dựng luật cho đến quá trình thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến dự thảo, cho đến lúc Quốc hội thảo luận tại hội trường và bỏ phiếu thông qua. Ngoài việc tích cực tổ chức các hội thảo, toạ đàm tham vấn, VCCI còn chuyển tải ý kiến của doanh nghiệp qua các ban soạn thảo, tổ biên tập, hội đồng thẩm định, thẩm tra, Tổ công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật mà VCCI tham gia làm thành viên. Hàng năm, VCCI tham gia góp ý khoảng 150 đề nghị xây dựng, dự thảo VBQPPL ở các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Thể hiện tiếng nói từ doanh nghiệp
Nhiều chính sách cải cách, nhiều thay đổi quan trọng tại các đạo luật về kinh doanh luôn có sự tham gia và đóng góp quan trọng của VCCI, có thể kể đến như: (i) Đơn giản hoá thủ tục đăng ký kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp; xây dựng quy trình, thủ tục đầu tư thuận lợi trong Luật Đầu tư; (ii) Chuyển đổi tư duy quản lý các ngành nghề kinh doanh từ “chọn cho” sang “chọn bỏ”, bãi bỏ các ngành nghề kinh doanh cụ thể trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Luật Doanh nghiệp; (iii) Cắt giảm, đơn giản hóa các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư…
VCCI thể hiện tiếng nói chất lượng của doanh nghiệp về những vướng mắc, bất cập trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động rà soát, gỡ vướng từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2020, VCCI là trưởng của một nhóm rà soát của Tổ công tác rà soát VBQPPL, xây dựng Báo cáo rà soát về những quy định bất cập, vướng mắc, chồng chéo, cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp về gia nhập thị trường, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hàng năm, VCCI xây dựng Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh, thể hiện tiếng nói, đánh giá của doanh nghiệp đối với hoạt động xây dựng chính sách trong năm của các cơ quan soạn thảo chính sách; đồng thời xây dựng các chuyên đề pháp luật chuyên sâu về những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh của nước ta. Đây là những thông tin rất hữu ích, đồng thời cũng là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tới các cơ quan hoạch định chính sách để có những cải thiện hơn nữa, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Những hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đều có sự tham gia tích cực của VCCI. Năm 2016: VCCI cùng các Bộ rà soát hơn 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh; năm 2018, VCCI tham gia đóng góp ý kiến phần lớn các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các Bộ. Từ 2020 đến nay, VCCI tiếp tục tham gia góp ý các Phương án cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, tham gia đánh giá các VBQPPL theo Nghị quyết 68/2020 của Chính phủ.