VCCI công bố Sáu Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam
- 19/05/2022
VCCI đã công bố và phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ ba, khóa VII, Chủ tịch VCCI nhận định, thực tế hiện nay, đại đa số doanh nhân Việt Nam làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo đang nỗ lực vươn mình vượt khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển để góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI chỉ ra, vẫn còn những mặt yếu kém, hạn chế làm ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Do đó, để phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp bền vững, vấn đề phẩm chất đạo đức cần được nhấn mạnh.
“Để xây dựng văn minh kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, cốt lõi đầu tiên cần chú trọng là vấn đề con người”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. Trong thời gian qua, VCCI đã tiến hành giao đề tài cấp Bộ cho Viện Phát triển Doanh nghiệp nghiên cứu về vấn đề văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân.
Cùng với đội ngũ chuyên gia tư vấn kinh tế cao cấp cùng tham gia thảo luận cùng Ban lãnh đạo VCCI, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam được hoàn thiện và đề xuất với 6 điều cụ thể, được nghiên cứu dựa trên các quy tắc đạo đức kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới và các nguồn thông tin trong nước như Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh do Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam xây dựng.
Cụ thể, Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam bao gồm:
1. Tạo giá trị kinh tế cho xã hội;
2. Tuân thủ pháp luật;
3. Minh bạch, công bằng, liêm chính;
4. Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển;
5. Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường;
6. Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Trong đó, hai quy tắc đầu là những nguyên tắc đạo đức và cũng là nghĩa vụ cơ bản của doanh nhân để đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp. Doanh nhân phải góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào trong ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, với nguyên tắc thứ hai là tuân thủ pháp luật, theo Chủ tịch VCCI, đây là phẩm chất cơ bản cần có trong ý thức và hành động. “Tuân thủ pháp luật để đảm bảo sự ổn định và phát triển vững chắc của doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Hai quy tắc tiếp theo là những chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh, trong điều hành doanh nghiệp và tương tác với các đối tác trong nước cũng như quốc tế. Và hai quy tắc cuối cùng là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiện nhiên, môi trường, với Tổ quốc, xã hội và gia đình.
Với 3 mục đích lớn mà VCCI hướng tới trong công bố và phát động thực hành Sáu quy tắc đạo đức gồm nâng cao nhận thức của các doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; góp phần thực hiện chủ trương mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao.
Bên cạnh đó, góp phần củng cố niềm tin, tăng sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, VCCI sẽ xây dựng bộ tiêu chí để cụ thể hóa nội dung từng quy tắc đạo đức, từ đó Bộ tiêu chí có thể sử dụng như công cụ để các doanh nhân tổ chức thực hiện; cũng như xem xét, đánh giá việc thực hành đạo đức doanh nhân.
Là một chuyên gia trực tiếp tham gia xây dựng Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI đánh giá: “Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, việc VCCI công bố Sáu quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và khuyến nghị, kêu gọi thực hành trong hội viên và cộng đồng doanh nhân cả nước là rất quan trọng, kịp thời và cần thiết”.
VCCI sẽ lấy việc thực hành Sáu quy tắc đạo đức doanh nhân là yêu cầu tiên quyết trong xem xét, bình chọn, trao tặng Giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu năm nay sẽ được trao vào tháng 10/2022, nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp