[vccitranslate]

VCCI: 93% doanh nghiệp được khảo sát chưa biết rõ về Thỏa thuận xanh EU

Hội thảo “Thoả thuận Xanh EU tác động tới xuất khẩu của Việt Nam: Những điều doanh nghiệp cần biết” sáng 16/11 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức với sự hỗ trợ của Viện FNF (CHLB Đức), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tìm hiểu, tuân thủ và thích ứng với các tiêu chuẩn xanh trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU.

“Chuyển đổi xanh” đang là xu hướng tất yếu toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong nỗ lực theo đuổi xu thế này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU (European Green Deal) từ đầu năm 2020.

Thỏa thuận Xanh là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.

Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh trên hoặc với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này.

“Là thị trường có sức mua lớn nhất nhì toàn cầu, EU luôn nằm trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Do đó, việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thoả thuận Xanh EU là yêu cầu cấp bách đối với doanh sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì và phát triển bền vững ở thị trường EU nói riêng và những thị trường cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự,” ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc hội thảo.

vcci-93-doanh-nghiep-duoc-ks-ve-thoa-thuan-xanh-eu

Ông Nguyễn Quang Vinh- Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tuy nhiên, có tới 88 – 93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác nhau chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về Thoả thuận Xanh hoặc các chính sách, quy định cụ thể mà EU đã thực hiện đến thời điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, theo một khảo sát nhanh do VCCI thực hiện tháng 8/2023.

Trong khi đó, không ít các chính sách xanh của EU có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã được ban hành, hoặc đang dự thảo và sẽ được thông qua trong thời gian tới. Kế hoạch hành động về Kinh tế tuần hoàn mới của EU với 35 nhóm hành động đang được triển khai cấp tập. Đó là chưa kể tới các chính sách đơn lẻ khác ảnh hưởng trực tiếp tới một số loại sản phẩm cụ thể nhập khẩu vào EU.

GS.TS. Andreas Stoffers – Giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, theo rà soát của VCCI, đến hiện tại EU đã ban hành gần 60 hành động để thực thi Thỏa thuận Xanh.

vcci-93-doanh-nghiep-duoc-ks-ve-thoa-thuan-xanh-eu

TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO, VCCI.

Theo bà Trang, những quy định của EU sẽ có tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên ba góc độ chính:

  1. Làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU.
  2. Làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất khi nhập khẩu vào EU.
  3. Làm tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.

Do các quy định này của EU rất đa dạng, không có một lộ trình chung, vì vậy, bà Thu Trang cho rằng điều quan trọng hiện nay là doanh nghiệp cần phải tìm hiểu và nắm rõ những quy định, chính sách đang và sẽ tác động tới ngành hàng, sản phẩm mà doanh nghiệp mình sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU để có sự chuẩn bị, chuyển đổi phù hợp.

Việc thực hiện những tiêu chuẩn xanh của EU không chỉ là câu chuyện của riêng một thị trường mà còn là việc chuyển đổi xanh để đáp ứng xu hướng thị trường chung trong tương lai.

Do đó, việc chủ động chuyển đổi xanh không phải chỉ để thực hiện những tiêu chuẩn bắt buộc mà là để đón đầu thị trường, đáp ứng nhu cầu của tệp khách hàng xanh qua đó, mở ra cơ hội lâu dài cho sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU và cả những thị trường phát triển khác.

Nhìn nhận rằng đây là những quy định mới, phức tạp, bà Thu Trang cũng kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài có thể thông tin kịp thời và cập nhật cho các doanh nghiệp về những diễn biến, chính sách xanh cụ thể có ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.

Đồng thời, mong các cơ quan quản lý Nhà nước có thể tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai tiêu chuẩn xanh của EU. Đặc biệt, đối với những tiêu chuẩn xanh lần đầu tiên được ban hành đặt ra những yêu cầu, thách thức lớn đối với doanh nghiệp, VCCI hy vọng các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ làm việc, trao đổi và tham vấn các cơ quan có thẩm quyền của phía EU để tìm được những giải pháp thuận lợi và hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với những yêu cầu của EU, bà Trang kiến nghị.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tiến Đạt nhìn nhận, những quy định này nhằm hướng đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và xuất khẩu đối với môi trường. Thay vì là tiêu chuẩn tự nguyện như trước đây thì hiện nay EU đã luật hóa và khiến những tiêu chuẩn này trở thành bắt buộc, ông Tuyên nói.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới xuất khẩu, thách thức lớn nhất là về chi phí. Doanh nghiệp sẽ cần đầu tư nhiều chi phí cho công nghệ, nguyên liệu, sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh.

Lấy ví dụ từ chính công ty mình, ông Tuyên cho biết, để đáp ứng được yêu cầu về cấm chặt phá rừng của EU, là doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu gỗ, công ty của ông đã phải làm việc với các đối tác nhập khẩu và cần chi trả lượng chi phí cao hơn để nhập khẩu những sản phẩm nguyên liệu gỗ có chứng chỉ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Tuyên hi vọng, trong quá trình chuyển đổi có thể nhận được hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin sớm và kịp thời về các chính sách mới tới doanh nghiệp.

 

Nguồn: Tạp chí Mekong ASEAN

  • Sự kiện
  • Đào tạo