Những ưu đãi đầu tư đặc thù của TP. Hồ Chí Minh từ Nghị quyết 98/2023/QH15
- 05/12/2023
Trước đây, Nghị quyết 54/2017/QH14 (“Nghị quyết 54”) được ban hành đã thể hiện sự chú trọng của Việt Nam đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, với sự hoành hành của đại dịch Covid -19 cũng như những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, tốc độ phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang có phần chững lại so với tốc độ tăng trưởng của một số tỉnh, thành khác. Chính vì thế, ngày 24/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 (“Nghị quyết 98”) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành Phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/8/2023 và hứa hẹn sẽ tạo nên động lực cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua bài viết này, chúng tôi muốn điểm lại một số chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù sẽ áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98.
1. Ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư chiến lược
Nghị quyết 98 quy định danh mục các ngành, nghề mà Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, đồng thời, xác định các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng, bao gồm:
- Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư chiến lược phải có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên khi thực hiện các dự án đầu tư này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
- Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư chiến lược phải có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện các dự án đầu tư này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.
- Đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên. Nhà đầu tư chiến lược phải có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.
Có thể thấy, các ngành nghề mà Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược nêu trên đều là các ngành nghề phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay tại Thành phố. Với quỹ đất đang dần cạn kiệt, việc ưu tiên cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và các ngành nghề công nghệ cao, sử dụng ít quỹ đất là điều cần thiết. Không những thế, với vị trí là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các ngành nghề mà Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút đầu tư không chỉ thúc đẩy sự phát triển của Thành phố mà còn tạo động lực cho sự phát triển chung của toàn vùng.
Khi nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư nêu trên, nhà đầu tư chiến lược có thể được hưởng nhiều ưu đãi đặc thù, cụ thể bao gồm:
- Được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại Thành phố khi đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan và thuế, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
Các ưu đãi này xuất phát từ việc các quy định và chính sách về ưu đãi đầu tư hiện tại chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các ngành nghề mà Thành phố ưu tiên thu hút đầu tư.
Đơn cử như các quy định về việc hỗ trợ đầu tư tại Điều 18 Luật Đầu tư 2020 có liệt kê hình thức hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư. Việc hỗ trợ này nếu thực hiện từ nguồn ngân sách Trung ương hoặc của Thành phố thì phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư công 2019 thì hình thức hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Các hình thức hỗ trợ khác hoặc cũng chưa có cơ sở để thực hiện, hoặc cũng không phù hợp với tình hình thực tế.
Trong khi đó, đối với hình thức ưu đãi đặc biệt được quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư. Hiện nay, theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 06/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, có hai hình thức ưu đãi đặc biệt là ưu đãi về mức thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước. Tuy nhiên, vào ngày 29/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024. Như vậy, hình thức ưu đãi về mức thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xem như không còn tác dụng đối với các nhà đầu tư chiến lược, khi mà rất có thể các dự án này sẽ chịu sự điều chỉnh của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Với những lý do trên, những ưu đãi đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 98 đối với các ngành nghề thuộc diện ưu tiên thu hút đầu tư là giải pháp phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, cần phải nói thêm rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã rất mạnh dạn trong việc thí điểm các chính sách ưu đãi đầu tư mới. Cụ thể, trong Dự thảo Nghị quyết được trình Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh còn đưa ra phương án hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố. Tiêu chí, điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, hình thức hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định. Tuy nhiên, nội dung này đã không được chấp thuận. Theo chúng tôi, hình thức này không được chấp thuận có thể xuất phát từ một quy định rất đặc thù trong chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu. Cụ thể, theo quy định tại Điều 10.1 Quy tắc Mẫu GloBe[1], QDMTT (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax) là thuế tối thiểu được quy định trong pháp luật nội địa của một quốc gia, phải được thực thi và quản lý tuân theo các quy tắc và diễn giải của GloBe, với điều kiện quốc gia đó không cung cấp bất kỳ một lợi ích nào liên quan đến QDMTT[2]. Có thể thấy, theo quy tắc này, việc Thành phố dự định hỗ trợ một phần chi phí đầu tư dự án có thể bị xem là hành động cung cấp lợi ích liên quan đến QDMTT[3].
2. Các hình thức hỗ trợ đối với hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Cũng giống như việc ưu tiên thu hút đầu tư đối với các ngành nghề công nghệ cao, Thành phố Hồ Chí Minh hiện ưu tiên hỗ trợ để khuyến khích các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố, cụ thể bao gồm:
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 05 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn Thành phố;
- Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố;
- Trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 05 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công;
- Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo;
- Hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; tiền công lao động trực tiếp; dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
Tính đến hết năm 2022, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh lên đến gần 2.000 doanh nghiệp, con số này chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của cả nước[4]. Có thể thấy, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo vẫn là một trong những hoạt động đầy tiềm năng tại Thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực về công nghệ thông tin.
Việc Thành phố mạnh dạn đưa ra các hình thức hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp như trên có thể xuất phát từ một số lý do sau:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, hiện nay, các cơ sở ươm tạo Nhà nước hầu hết tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ cao, công nghệ sinh học, cơ khí tự động hóa. Đây là các lĩnh vực cần thời gian ươm tạo dài, vốn đầu tư lớn, nhưng đây lại là các lĩnh vực tạo ra các công nghệ lõi cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là yếu tố quan trọng để hệ sinh thái khởi nghiệp của Thành phố phát triển bền vững và có lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, các cơ sở ươm tạo tư nhân phần lớn ươm tạo và tăng tốc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại điện tử và công nghệ tài chính,…với chi phí đầu tư không lớn, thời gian ươm tạo ngắn và thoái vốn nhanh, đây là nhóm đối tượng quan trọng trong việc ươm mầm và phát triển các sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo cho Thành phố. Ngoài ra, đồng hành với các cơ sở ươm tạo là các tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung và các tổ chức khác liên quan đến hoạt động đổi mới sang tạo. Đây là các tổ chức thúc đẩy việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày càng hiệu quả và chất lượng hơn. Ngoài ra, Nghị quyết 98 ngoài việc hỗ trợ cho các cá nhân người lao động, chuyên gia hoạt động đổi mới sáng tạo, đây là các đối tượng trực tiếp thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, với đặc thù là các hoạt động sáng tạo, chưa từng được nghiên cứu, kiểm chứng trên thực tế, do đó, tỷ lệ thất bại khi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lên đến 95%[5]. Không những thế, với sự đầu tư mạnh mẽ ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo gần như không có doanh thu trong khoảng thời gian đầu, đồng thời, nhiều trường hợp nguồn vốn cho hoạt động đầu tư được các tổ chức cấp cho cá nhân những người thực hiện dự án, làm phát sinh các khoản thuế thu nhập cá nhân cho các sáng lập viên. Do đó, việc Nghị quyết 98 quy định các hình thức hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân là điều rất cần thiết.
Tóm lại, Nghị quyết 98 có thể nói là một chính sách quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện để Thành phố áp dụng các chương trình, quy định mang tính thí điểm, đột phá, nhằm hướng đến việc hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, các chính sách thí điểm này cũng sẽ góp phần thu hút hoạt động đầu tư công nghệ cao vào Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy sự tăng trưởng chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là động lực cho sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để các chính sách này sớm được triển khai trên thực tiễn, Chính phủ và Hội đồng nhân dân Thành phố cần sớm có các văn bản hướng dẫn chi tiết để các nhà đầu tư cũng như các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở để thực hiện.
[1] Các Quy tắc Chống Xói mòn Cơ sở Thuế Toàn cầu, viết tắt của Global Anti-Base Erosion Model Rules.
[2] https://www.oecd-ilibrary.org/docserver/782bac33-en.pdf?expires=1692236569&id=id&accname=guest&checksum=D16931980E359BB10B24097D43910A1A, trang 64, truy cập ngày 04/12/2023.
[3] Về QDMTT, có thể tham khảo thêm tại: https://hmplaw.vn/vi/ung-pho-cua-viet-nam-doi-voi-thue-toi-thieu-toan-cau-goc-nhin-tu-quy-dinh-cua-luat-dau-tu
[4] https://plo.vn/tphcm-du-kien-chi-17-ti-dong-ho-tro-khoi-nghiep-sang-tao-post750053.html, truy cập ngày 04/12/2023.
[5] https://tuoitre.vn/can-don-bay-cho-khoi-nghiep-sang-tao-20230528100800663.htm, truy cập ngày 04/12/2023.
Bài viết được thực hiện với sự hợp tác giữa VCCI-HCM và Công Ty Luật TNHH HM&P