Tuyển chuyên gia thực hiện các hoạt động đào tạo cho các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề về các quy định pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động,… và nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ hội viên của Hiệp hội
- 25/10/2024
Giới thiệu chung:
Trong nhiều năm qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới. Hàng năm ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp tôm đứng thứ hai trên thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tống giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Đối với ngành lúa gạo, ngành lúa gạo luôn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hằng năm, lượng lúa gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng lúa gạo xuất khẩu trên thế giới. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 8 triệu tấn lúa gạo, đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu lúa gạo, mang về 4,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị ngành tôm và lúa vẫn tồn tại những rủi ro về các chính sách nhân sự, chính sách quản trị, và môi trường. Trong đó đặc biệt là các chính sách về lao động dành cho người lao động tại doanh nghiệp chế biến. Các quy định về chính sách pháp luật chưa được hiểu đúng và thực hiện đầy đủ tại các doanh nghiệp. Nghiên cứu về tuân thủ pháp luật lao động do VCCI-HCM thực hiện cũng đã cho thấy điểm yếu và thực trạng chung của 02 ngành tôm và lúa.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các yêu cầu ngày một tăng cao của các khách hàng quốc tế trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, các Doanh nghiệp cần xây dựng được các chính sách nhân sự và lao động tuân thủ theo các quy định của pháp luật lao động trong nước cũng như đáp ứng được các yêu cầu của các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế. Đồng thời xây dựng được các kế hoạch nhằm cải thiện các chính sách nhân sự, môi trường lao động nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và kinh doanh bao trùm.
Trong khuôn khổ dự án “Cải thiện khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của Doanh nghiệp tôm và lúa thông qua nâng cao kỹ năng làm việc và an toàn vệ sinh lao động tại Doanh nghiệp” ở 6 tỉnh TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau do VCCI-HCM thực hiện trong giai đoạn 2024 – 2026 với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, VCCI-HCM đã tiến hành các hoạt động đánh giá ban đầu, đào tạo và tư vấn cho Doanh nghiệp trong 02 chuỗi tôm và lúa cải thiện môi trường làm việc, điều kiện làm việc và các chính sách đang được áp dụng tại Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để mở rộng tác động và giúp nhiều Doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ của dự án, VCCI-HCM mong muốn phối hợp cùng các Hiệp hội Doanh nghiệp và Ngành nghề để triển khai các hoạt động hỗ trợ Doanh nghiệp. Tuy nhiên, có 01 thực tế là hoạt động của các Hiệp hội trong 02 chuỗi tôm và lúa còn nhiều hạn chế về kiến thức, năng lực hỗ trợ hội viên.
Chính vì vậy, VCCI-HCM mong muốn tìm kiếm các chuyên gia phù hợp để phối hợp cùng VCCI-HCM triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các Hiệp hội về các quy định pháp luật liên quan: lao động, an toàn, môi trường,… và nâng cao năng lực cho các Hiệp hội trong việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ hội viên.
Mục tiêu:
- Thông qua Hiệp hội mở rộng các tác động của chương trình đến nhiều hơn các Doanh nghiệp trong 02 chuỗi tôm và lúa.
- Nâng cao năng lực và kiến thức cho các Hiệp hội về các chủ đề liên quan trực tiếp tới Doanh nghiệp như các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn xuất khẩu, các yêu cầu của khách hàng quốc tế,… để các Hiệp hội có đủ năng lực phổ biến, hướng dẫn và chia sẻ lại cho các Doanh nghiệp hội viên.
- Nâng cao vai trò và vị thế hỗ trợ Doanh nghiệp của các Hiệp hội Doanh nghiệp và Ngành nghề.
Phạm vi và nội dung công việc:
- Phạm vi:
- Các hoạt động sẽ được triển khai để hỗ trợ các Hiệp hội Doanh nghiệp & Hiệp hội ngành nghề trong 02 chuỗi tôm và lúa tại 06 tỉnh dự án: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
- Nội dung công việc: Chuyên gia sẽ thực hiện các công việc như sau:
- Phối hợp cùng VCCI-HCM trong việc lên kế hoạch đào tạo: chủ đề, nội dung chương trình, thời lượng,…
- Trực tiếp thực hiện 01 khoá đào tạo và tập huấn nâng cao năng lực cho các Hiệp hội.
- Tư vấn hỗ trợ các Hiệp hội trong quá trình xây dựng kế hoạch đào tạo và tư vấn cho hội viên.
Kết quả mong đợi:
- 01 bộ báo cáo kết quả đào tạo/tập huấn nâng cao năng lực cho Hiệp hội bao gồm : tài liệu đào tạo, danh sách tham dự, đánh giá sau khoá đào tạo.
- Kế hoạch đào tạo/tư vấn hỗ trợ Hội viên được các Hiệp hội xây dựng và chia sẻ cho VCCI-HCM để hỗ trợ hội viên trong giai đoạn năm 2025-2026.
Kế hoạch triển khai:
- Dự kiến từ ngày 20/11/2024 đến 31/12/2024.
- Địa điểm: TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu
Yêu cầu đối với chuyên gia:
Chuyên gia triển khai các hoạt động hỗ trợ Hiệp hội theo yêu cầu trong TOR cần có các yêu cầu sau:
- Có từ 10 năm kinh nghiệm trong hoạt động về đào tạo, tư vấn các vấn đề liên quan chính sách pháp luật lao động/an toàn vệ sinh lao động/các tiêu chuẩn bền vững/trách nhiệm xã hội/ESG tại doanh nghiệp.
- Có kinh nghiệm trong việc đào tạo và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức Hiệp hội.
- Có kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ Doanh nghiệp bao gồm đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực,…
- Có kinh nghiệm phối hợp cùng VCCI-HCM trong các hoạt động
- Sử dụng thành thạo các phần mềm Office .
Nộp đề xuất:
- Các chuyên gia có quan tâm đến việc thực hiện các hoạt động trong TOR này cần gửi đề xuất qua email đến địa chỉ: thanh.nguyen@vcci-hcm.org.vn trước ngày 15/11/2024.
- Hồ sơ bao gồm:
+ Lý lịch trích ngang (CV) của chuyên gia
+ Đề xuất kỹ thuật (bao gồm phương pháp, kế hoạch thực hiện, thời gian dự kiến, vai trò, trách nhiệm,…)
+ Đề xuất chi phí chuyên gia (bao gồm kế hoạch số ngày làm việc, kế hoạch thực hiện chi tiết, thời gian,…)
LƯU Ý: Chúng tôi chỉ thông báo đến những chuyên gia được lựa chọn.