Trung Quốc, ASEAN và Việt Nam: Định hình khuynh hướng địa chiến lược mới
- 04/01/2018
Nhìn lại một năm qua, tôi nhận ra rằng Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã mở ra một chiều hướng hoàn toàn khác biệt trong việc định dạng không chỉ địa-kinh tế, địa-chính trị của khu vực ASEAN mà còn vươn ra toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Và điều này đến lượt mình lại tái định hình các nghiên cứu của học giả trong và ngoài khu vực.
Đối với khu vực ASEAN, khi Trung Quốc tái khẳng định vai trò quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại của nước này, điều đó đã cùng lúc tạo ra nhiều ảnh hưởng đến địa – kinh tế và địa – chiến lược:
(i) Lực hút kinh tế mạnh mẽ từ Trung Quốc tạo ra một mạng lưới kinh doanh dịch chuyển theo hướng lấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc làm trung tâm.
(ii) Những gắn kết mạnh mẽ về kinh tế, đầu tư, đi kèm với truyền bá văn hóa khiến các nước có nhiều khó khăn hơn trong việc cân bằng ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực.
(iii) Sức hút của Trung Quốc tạo ra lực ly tâm với các nước ASEAN, tạo nhiều khó khăn trong việc duy trì sự thống nhất của khối.
(iv) Các sáng kiến của Trung Quốc có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa chiến lược quốc gia và chiến lược kết nối khu vực của các nước ASEAN.
(v) Trung Quốc thách thức vai trò trung tâm của ASEAN trong các diễn đàn đa phương.
(vi) Trung Quốc thách thức sự ảnh hưởng hiện tại của các cường quốc tại khu vực.
Châu Á đang giữ vai trò trung tâm trong việc hoạch định đường lối đối ngoại của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc cần nỗ lực để các nước láng giềng “ngày càng thân thiện hơn về chính trị, có mối quan hệ gần gũi hơn về kinh tế với Trung Quốc, hợp tác sâu sắc hơn về an ninh và mối quan hệ ở cấp độ nhân dân cũng gắn bó hơn”. Tuy nhiên, cùng lúc, ông Tập Cận Bình cũng cho rằng chính sách láng giềng tốt của Trung Quốc không có nghĩa bao hàm cả những vấn đề về tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền và quyền chủ quyền. Điều này tạo ra một tình thế nước đôi về chính sách láng giềng của Trung Quốc: trong khi củ cải kinh tế được chìa ra ngày càng nhiều, cây gậy răn đe cũng xuất hiện nhiều hơn. Đó là nguyên nhân mà nhiều học giả lý giải vì sao trong khi châu Á tăng cường gắn kết kinh tế với Trung Quốc, các nước (có xung đột, tranh chấp, căng thẳng) cũng thiếu niềm tin chiến lược với quốc gia này.
Tháng 11-2017, hai chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến láng giềng ASEAN (Việt Nam và Lào) sau khi Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc cho thấy những tín hiệu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc đã hiện thực hóa các chính sách ngoại giao vừa mềm vừa rắn với các nước ASEAN bằng cả bốn kênh kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quân sự.
Về kinh tế, đến cuối năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc – ASEAN đã đạt 452,2 tỉ đô la Mỹ, đưa Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của ASEAN. Bên cạnh đó, tính đến tháng 5-2017, Trung Quốc đã hoàn thành mức đầu tư 204 tỉ đô la Mỹ vào hệ thống cơ sở hạ tầng các nước ASEAN.
Về văn hóa, các Học viện Khổng tử (Confucius Institute – CI) và các Lớp học Khổng tử (Confucius Class – CC) được Trung Quốc thành lập tại hàng chục quốc gia như một nỗ lực cho việc tăng cường truyền bá tiếng Trung và văn hóa Trung Quốc ra bên ngoài. Số liệu năm 2015 cho thấy, chỉ riêng khu vực ASEAN đã chiếm tới một phần ba số Học viện Khổng Tử và một phần năm số Lớp học Khổng Tử của Trung Quốc tại châu Á. Số Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử tại các nước ASEAN lần lượt là: Campuchia (4), Lào (1), Myanmar (3), Thái Lan (25), Việt Nam (1), Indonesia (6), Philippines (4), Malaysia (2), Singapore (3).
Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng ở ASEAN là cơ hội thuận lợi cho Việt Nam về kinh tế nhưng cũng tạo ra những thử thách mới về an ninh, chính trị và ngoại giao. Để cân bằng ảnh hưởng gia tăng từ phía Trung Quốc lên khu vực, Việt Nam đã có các hoạt động ngoại giao con thoi thúc đẩy ba mối quan hệ quan trọng:
(i) Quan hệ láng giềng nước lớn với Trung Quốc;
(ii) Quan hệ với các nước láng giềng có ý nghĩa chiến lược như Lào, Campuchia;
(iii) Quan hệ với các nước lớn khác như Mỹ, Nga, khối EU.
Trong quan hệ với Trung Quốc, hai nước vẫn duy trì ở mức thận trọng về chính trị trong khi tiếp tục thắt chặt quan hệ kinh tế. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam xét theo tổng mức xuất nhập khẩu. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 22 tỉ đô la Mỹ (chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 49,8 tỉ đô la Mỹ (chiếm 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu). Quan điểm của Việt Nam về Trung Quốc đã có những chuyển biến mạnh mẽ kể từ sau năm 2015. Đặc điểm chính là hai bên nhấn mạnh “hợp tác”, hạn chế nhắc đến “căng thẳng/xung đột”. Việt Nam cũng đã thay đổi cách tiếp cận, từ bị động sang chủ động đề xuất các hoạt động hợp tác với Trung Quốc. Chẳng hạn như lồng ghép thực thi ý tưởng Hai hành lang, một vành đai vào sáng kiến Vành đai, con đường.
Trong quan hệ với Lào và Campuchia, Việt Nam thực hiện chính sách ngoại giao khá thực tế. Một mặt Tổng bí thư và Thủ tướng đã có những chuyến thăm quan trọng đến hai nước này trong năm 2016 và 2017 nhằm khẳng định quan hệ láng giềng đặc biệt giữa hai bên. Mặt khác Việt Nam cũng đề xuất các kết nối kinh tế và đầu tư với hai nước, chẳng hạn như cao tốc Hà Nội – Vientian hay quy hoạch đường sắt nối Vientian (Lào) với cảng Vũng Áng (Việt Nam).
Trong quan hệ với các nước lớn, Việt Nam đã củng cố hợp tác an ninh với Nhật Bản, thắt chặt quan hệ kinh tế với EU (thông qua ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA), cải thiện sâu rộng và nhanh chóng quan hệ toàn diện với Mỹ.
Theo TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
(Thesaigontimes.vn)