[vccitranslate]

Triển vọng thúc đẩy Giao thương giữa Việt Nam và Hồng Kông trong giai đoạn bình thường mới

Ngày 22/4 vừa qua, tại trụ sở Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đã tiếp và làm việc với các đại diện cấp cao của Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông tại Singapore (HKETOSIN) là Giám đốc Wong Chun To và Phó Giám đốc Alfred Tang. Buổi làm việc bao gồm các nội dung về: (1) Vị thế của Hồng Kông trong thúc đẩy kinh tế khu vực; (2) Quan hệ thương mại và đầu tư song phương Việt Nam – Hồng Kông; (3) Triển vọng hợp tác giữa hai bên.

Là “thành phố thế giới” (World City), cởi mở và có điều kiện kinh doanh thông thoáng nhất trong Vùng Vịnh Lớn (Greater Bay Area)[1], có vị trí địa lý gần gũi với các địa bàn kinh doanh năng động của khu vực chỉ cách vài giờ bay như Seul, Thượng Hải, Quảng Đông, Thẩm Quyến… Vì thế các tập đoàn kinh doanh quốc tế hàng đầu đã chọn nơi này để đặt văn phòng đại diện nhằm khai thác vai trò thị trường nền tảng (platform market) của Hồng Kông. Nơi đây còn được biết đến với vị thế là trung tâm tài chính, trục kết nối giao thông, logistics, thương mại và hàng không quốc tế cũng như các dịch vụ chuyên nghiệp tài chính, ngân hàng nổi tiếng của khu vực và toàn Châu Á, đồng thời được hưởng lợi thế kép từ chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” mà Trung Quốc trao cho.

Theo số liệu sơ bộ từ Hải quan Việt Nam, trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hồng Kông đạt 13,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông đạt 12 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông chiếm 3,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Xuất siêu của Việt Nam sang Hồng Kông đạt 10,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Về hợp tác đầu tư, tính đến ngày 20/12/2021, Hồng Kông là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Việt Nam sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) với 2.041 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 27,83 tỷ USD. Trong năm 2021, đã có 126 dự án của Hồng Kông được cấp mới tại Việt Nam với vốn đăng ký đạt gần 1,7 tỷ USD. Các ngành nghề chính Hồng Kông đầu tư tại Việt Nam là công nghệ chế biến, chế tạo, may mặc, dịch vụ, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà hàng khách sạn… Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong hơn 2 năm qua nhưng trao đổi thương mại Việt Nam – Hồng Kông vẫn duy trì tăng trưởng ổn định và Việt Nam vẫn giữ vị thế xuất siêu trong quan hệ thương mại với thị trường này.

Nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong năm 2021, kinh tế Hồng Kông đã phục hồi. Đây là tiền đề quan trọng giúp Hồng Kông tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm kinh tế, thương mại, đầu tư của khu vực và thế giới. Trong khi đó, những năm qua, Việt Nam đã nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, là nước gia công hàng hóa xuất khẩu lớn của khu vực, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI quốc tế, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI của Hồng Kông. Trong nhiều năm liền Việt Nam luôn nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hồng Kông. Năm 2021, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hồng Kông trong các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong những năm qua, thương mại song phương duy trì đà tăng trưởng trên 10% mỗi năm. Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hồng Kông chính thức có hiệu lực từ năm 2019 cũng góp phần thúc đẩy thương mại song phương.

Gần đây, Hồng Kông cũng đã nộp đơn xin gia nhập vào Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này có tác động tích cực đến quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Hồng Kông. RCEP (gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) được đánh là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới chiếm khoảng 30% dân số thế giới cũng như 30% GDP toàn cầu. Theo đó, RCEP cũng sẽ thúc đẩy đầu tư từ Hồng Kông vào Việt Nam nhằm khai thác lợi thế về thuế, phi thuế, lợi thế về cơ sở hạ tầng sản xuất của Việt Nam.

Nói về tiềm năng đầu tư, Giám đốc Wong Chun To cho biết, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty Hồng Kông. Bên cạnh đó, cũng có không ít các công ty từ Trung Quốc đại lục đang dùng Hồng Kông làm bàn đạp để đầu tư vào Việt Nam. Ông hy vọng rằng, khi Chính phủ Hồng Kông nới lỏng hơn các quy định về kiểm soát an toàn trong dịch bệnh, các hoạt động giao thương giữa hai bên sẽ được thúc đẩy trở lại, cụ thể là kế hoạch đưa các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường từ Việt Nam sang Hong Kong, và ngược lại.

Về phía VCCI, ông Võ Tân Thành chia sẻ rằng thời gian gần đây, các tỉnh phía Nam Trung Quốc đang có xu hướng chuyển đổi từ nhập khẩu tiểu ngạch sang nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Vì vậy, ông cho rằng Hồng Kông sẽ trở thành một cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, đóng vai trò thúc đẩy giao thương thuận lợi giữa hai nước.

Đại diện VCCI và HKETOSIN chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc buổi làm việc ngày 22/4

Qua buổi làm việc, các đại diện của VCCI và HKETOSIN đều mong muốn phát huy hơn nữa vai trò đầu mối xúc tiến thương mại – đầu tư của nhau, đồng thời cam kết thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa hai bên, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương giữa Hồng Kông và Việt Nam trong thời gian tới.

Theo VCCI-HCM.

[1] Vùng Vịnh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Macao (Greater Bay Area) là một cụm thành phố sôi động bao gồm các Đặc khu hành chính Hồng Kông và Macao, và chín thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Đông, bao gồm Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Hoản, Trung Sơn, Giang Môn và Triệu Khánh. Sự phát triển của Vùng Vịnh Lớn là một sáng kiến ​​dài hạn lớn do chính phủ Trung Quốc thực hiện và được thiết kế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực có phối hợp bằng cách tận dụng đầy đủ các lợi thế riêng của các khu vực và thành phố liên quan.

  • Sự kiện
  • Đào tạo