Bức tranh toàn cảnh tình hình kinh tế TP. HCM tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023
- 05/05/2023
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, thị trường tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để giải quyết các khó khăn của nền kinh tế, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết liệt chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính, khẩn trương thực hiện các Nghị quyết, chính sách của Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dưới đây là các tổng hợp về tình hình kinh tế thành phố diễn ra trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023.
1. Khởi sắc trong sản xuất công nghiệp
Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 4 năm 2023 có khởi sắc hơn so với tháng trước nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 năm 2023 ước tính tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 7,8% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,0% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 0,1% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 3,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,9%.
- Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm: Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 12,6%; ngành cơ khí tăng 4,3%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 0,6%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 0,8%.
- Đối với ngành công nghiệp truyền thống: Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm 10,7% so với cùng kỳ, trong đó ngành dệt tăng 0,8%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,1%; sản xuất trang phục giảm 18,1%.
2. Tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp từ nước ngoài
Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/04/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố là 979,6 triệu USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ, trong đó:
Cấp mới có 307 dự án với vốn đăng ký đạt 171,3 triệu USD, tăng 69,6% về số dự án cấp mới và giảm 8,0% về vốn so với cùng kỳ.
Điều chỉnh vốn đăng ký có 95 lượt dự án với số vốn đạt 372,6 triệu USD, tăng 115,9% về số dự án và giảm 41,8% về vốn so với cùng kỳ.
Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 691 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 435,7 triệu USD, giảm 4,3% về số lượt góp vốn và giảm 3,8% về vốn góp so với cùng kỳ.
3. Chuyển biến tích cực trong thương mại, dịch vụ
Sang tháng 4, dự ước một số ngành hàng và dịch vụ có sự chuyển biến tích cực như: Bán lẻ hàng lương thực thực phẩm (chiếm tỷ trọng cao nhất trong hoạt động bán lẻ) duy trì mức tăng trên 4%; bán lẻ đồ dùng dụng cụ gia đình tăng cao (+11,4%); dịch vụ văn hóa thể thao vui chơi giải trí từ giảm khá sâu trong tháng 3 (-18%) đã có mức tăng ước đạt 4%; bán lẻ các mặt hàng điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử cũng tăng mạnh (+33,8%) sau khi giảm sâu trong tháng trước, ngoài ra dịch vụ kinh doanh bất động sản có mức tăng khá cao khi các dự án căn hộ chung cư được tiêu thụ…
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tăng 12,2% so tháng trước, tăng 6,2% so tháng 4/2022, cộng dồn 4 tháng đầu năm tăng 5,0% so cùng kỳ (tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng 3 tháng).
4. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xoay đầu
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 năm 2023 quay đầu giảm 0,11 so với tháng trước sau khi tăng 3 tháng liên tục (tháng 3 tăng 0,04%; tháng 02 tăng 0,33%; tháng 01 tăng 0,38%), với 5/11 nhóm hàng tăng giá gồm: Đồ uống và thuốc lá, giao thông, giáo dục, văn hóa giải trí, hàng hóa và dịch vụ khác; 1/11 nhóm hàng không biến động là thuốc và dịch vụ y tế; 5 nhóm còn lại giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, may mặc, nhà ở và vật liệu xây dựng, đồ dùng gia đình và bưu chính viễn thông.
So với tháng 4/2022 chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,43% trong đó trừ giao thông giảm 3,64%, các nhóm còn lại đều tăng với nhóm giáo dục tăng cao nhất ở mức +15,29%, tiếp theo là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,2%.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2023: Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,23%, chỉ trừ nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,22% và nhóm giao thông giảm 1,87%, 9 nhóm còn lại đều tăng, trong đó các nhóm tăng cao gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,55%; đồ uống thuốc lá tăng 4,62%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,3%; văn hóa giải trí tăng 5,69% và giáo dục tăng 15,29%.
5. Đăng ký thành lập doanh nghiệp trong nước tăng 9,6%
Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/4/2023, Thành phố đã cấp phép 14.752 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 144.568,3 tỷ đồng, tăng 9,6% về giấy phép và giảm 24,8% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, 09 ngành dịch vụ chủ yếu có 10.879 doanh nghiệp thành lập, tăng 10,4% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 84.505 tỷ đồng, giảm 41,2%.
Biên tập: Trung tâm thông tin, VCCI-HCM
Theo pso.hochiminhcity.gov.vn