Thị trường chatbot nhiều triển vọng trong năm 2020
- 20/11/2019
Chatbot sẽ ngày càng phổ biến và dự kiến năm 2020 sẽ có 80% doanh nghiệp sử dụng công nghệ này, theo nghiên cứu của Oracle.
Chatbot là một nền tảng công nghệ có thể giao tiếp, tương tác với con người thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) đã được lập trình sẵn. Đây là một trong những công cụ hiệu quả giúp chăm sóc khách hàng tự động 24/7 và là một trong những yếu tố quan trọng nhất của các doanh nghiệp hiện đại 4.0, từ việc xử lý các truy vấn của khách hàng đến giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Chatbot ngày càng gần gũi với người dùng hơn bởi công nghệ AI đang tái cấu trúc các doanh nghiệp, giúp họ có thể giao tiếp với khách hàng và tự động hóa quy trình kinh doanh. Đây cũng là sân chơi tiềm năng cho các startup công nghệ trong năm 2020.
Báo cáo của Grand View Research dự báo thị trường chatbot trên toàn thế giới dự đoán sẽ đạt 1,23 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 24,3%. Một nghiên cứu khác của Credence đã chỉ ra rằng, 85% tương tác của khách hàng sẽ được quản lý mà không cần con người vào năm 2020.
Triển vọng phát triển
Các ngành công nghiệp hàng đầu thu lợi nhuận từ chatbot là bất động sản, du lịch, giáo dục, y tế và tài chính. Với sự cạnh tranh ngày càng tăng, sự hài lòng của khách hàng đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp để có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Các công ty đã sử dụng chatbot trong bộ phận dịch vụ khách hàng để cung cấp dịch vụ tự động 24/7 và xử lý số lượng lớn yêu cầu cùng lúc, giảm chi phí dịch vụ. Trong một báo cáo của IBM, mỗi năm tập đoàn ghi nhận 265 tỷ yêu cầu của khách hàng và công ty phải chi 1.300 tỷ USD để giải quyết. Nhưng việc sử dụng chatbot đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm đến 30% chi phí này.
Theo Ubisend, một trong 5 người tiêu dùng sẽ cân nhắc mua hàng hóa và dịch vụ từ một chatbot với các ngành hàng như thực phẩm, đồ điện tử hoặc may mặc để nhanh chóng xử lý các đơn đặt hàng trực tuyến. Xu hướng người tiêu dùng thay đổi nên các doanh nghiệp ngày nay cần vận dụng tốt công nghệ để giữ khách hàng. Đơn cử như các chuỗi nhà hàng nổi tiếng Burger King và Dominos cũng đang dần ứng dụng chatbot vào nền tảng để tăng trải nghiệm mua sắm dễ dàng và thuận lợi cho các khách hàng thông qua các Bot đặt hàng thực phẩm.
Tại thị trường Việt Nam, hiện chỉ có một vài chatbot được ứng dụng trong các lĩnh vực như Nami Assistant hỗ trợ đầu tư, Hana.ai hỗ trợ kinh doanh online, PruBot – Prudential Việt Nam trong tư vấn bảo hiểm hay Timo Chatbot trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng các ngành hàng cần chatbot để tương tác với khách hàng tốt hơn như thực phẩm, thương mại điện tử, vận chuyển… vẫn chưa có chatbot chính thức nào. Đây sẽ là một trong những cơ hội lớn cho các startup công nghệ tham gia vào thị trường để lấp đầy những khoảng trống đầy tiềm năng này.
Bện cạnh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các ngành hàng cần ứng dụng chatbot vào dịch vụ tương tác khách hàng như thực phẩm, thương mại điện tử, may mặc, dịch vụ lưu trú, ăn uống… có mức tăng trưởng 11,5% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái (theo báo cáo của Tổng cục thống kê) là một lợi thế rõ rệt cho các nhà khởi nghiệp khi muốn tham gia vào thị trường.
Xu hướng Chatbot trong năm 2020
Theo tạp chí Chatbot, các các startup cần nghiên cứu và phát triển hơn nữa các bot phù hợp với hành vi của con người trong tương lai. Sau đây là 4 xu hướng chatbot điển hình trong năm 2020 các nhà khởi nghiệp có thể tập trung và xây dựng dự án để thành công.
Bot đàm thoại và nói chuyện
Chatbot văn bản đơn giản đôi khi sẽ tạo sự đơn điệu người tiêu dùng, nhưng với hệ thống công nghệ bot được tích hợp giọng nói giao tiếp tự động, thông minh như người thật sẽ giúp thu hút khách hàng hơn hẳn.
Giao diện người dùng đàm thoại (CUI) dựa trên công nghệ nhận dạng giọng nói (ASR) cho phép các nhà khởi nghiệp xây dựng những bot hội thoại tinh tế hơn, mang đến trải nghiệm người dùng hấp dẫn. Thông qua việc xây dựng bot đàm thoại và nói chuyện, các startup có thể cung cấp sản phẩm đến lĩnh vực khác nhau như giáo dục, bảo hiểm, du lịch và dịch vụ tài chính, những nhóm ngành dự kiến sẽ mở rộng quy mô trong tương lai.
Bot đa ngôn ngữ
Chatbot đa ngôn ngữ sẽ phát triển hơn trong thời gian đến khi xu hướng toàn cầu hóa ngày càng được mở rộng. Các bot công nghệ này sẽ tiếp cận được nhiều nhóm khách hàng trên khắp thế giới, đem đến sự hài lòng và trải nghiệm tốt cho người mua thông qua ngôn ngữ yêu thích của họ. Đây cũng là một trong số xu hướng chatbot dự kiến sẽ nhận được sự đầu tư của các doanh nghiệp trong năm 2020.
Bot tự động hóa thanh toán
Tương lai, các doanh nghiệp sẽ tự động thanh toán đơn giản, cho phép người dùng thanh toán trực tiếp qua chat trực tiếp hoặc các ứng dụng dựa trên công nghệ chatbot. Điều này giúp khách hàng thuận tiện hơn trong quá trình mua sắm, khi có thể thanh toán trực tiếp mà không cần chuyển qua một trang tính tiền riêng biệt.
Bot để sử dụng nội bộ cho doanh nghiệp
Trong năm 2020, các doanh nghiệp không chỉ có xu hướng sử dụng chatbot cho công việc kinh doanh mà còn ứng dụng vào quy trình công việc nội bộ. Cụ thể, bot có thể giúp bộ phận nhân sự trả lời các câu hỏi truy vấn cơ bản liên quan đến chế độ, chính sách, hoạt động công ty…
Với những xu hướng chatbot nổi bật trong năm 2020, các doanh nghiệp, đặc biệt là các startup công nghệ có thể khởi động dự án của mình để đáp ứng nhu cầu thị trường, dẫn đầu xu hướng nếu nắm bắt được cơ hội.
Theo vnexpress.net