Tác động của chiến tranh Ukraine đối với nền kinh tế châu Á làm chia rẽ triển vọng của các chủ nợ toàn cầu
- 18/04/2022
Ngân hàng Thế giới tỏ ra bi quan về triển vọng của khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng tăng trưởng trong khu vực sẽ tiếp tục mạnh mẽ.
Ngân hàng Thế giới tỏ ra bi quan về tác động của cuộc chiến Ukraine đối với nền kinh tế châu Á, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng tăng trưởng trong khu vực sẽ “tiếp tục phát triển mạnh mẽ.” (Nguồn ảnh của Getty Images/AP)
TOKYO – Hai ngân hàng phát triển toàn cầu chủ chốt đang bị chia rẽ về tác động của cuộc chiến Ukraine đối với các nền kinh tế châu Á: Ngân hàng Thế giới tỏ ra bi quan, trong khi Ngân hàng Phát triển Châu Á tin tưởng rằng tăng trưởng trong khu vực sẽ “tiếp tục phát triển mạnh mẽ.”
Trong báo cáo triển vọng kinh tế 2022 công bố hôm thứ Ba, Ngân hàng Thế Giới dự báo khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5%, giảm so với mức 5,4% dự kiến trước đây vào tháng 10. Ngân hàng Thế Giới cảnh báo rằng cuộc chiến Ukraine đe dọa đến sự phục hồi không đồng đều từ đại dịch trong khu vực.
Tuy nhiên Ngân hàng Phát triển Châu Á, với báo cáo triển vọng mới nhất hôm thứ Tư, lại dự báo tăng trưởng ở Châu Á ở mức 5,2% vào năm 2022, bất chấp những lực cản như sự gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa do chiến tranh Ukraine gây ra.
Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, phát biểu với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Chắc chắn rằng cuộc chiến Ukraine sẽ làm trì hoãn sự phục hồi kinh tế.
Mattoo nói rằng khu vực này phải đối mặt với một loạt cú sốc sẽ cản trở đà tăng trưởng. Đầu tiên là cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến đang làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu và đã khiến giá cả tăng đột biến. Ông nói thêm: “Cuộc chiến này sẽ làm gia tăng sự biến động tài chính, làm giảm niềm tin và tổn hại đến tăng trưởng toàn cầu.
Các cú sốc khác bao gồm sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ việc phong tỏa để dập tắt sự lây lan đột biến của dịch COVID và việc Mỹ phản ứng với tình trạng lạm phát gia tăng nhanh chóng thông qua động thái thắt chặt tiền tệ”, Mattoo nói.
Mặt khác, Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á, nói với Nikkei Asia rằng dự báo về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ “phản ánh sự lạc quan của chúng tôi về tiềm năng tăng trưởng của Châu Á.”
Ông Park nói rằng lạm phát ở châu Á thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới, với giá các loại thực phẩm thiết yếu như gạo và thịt lợn đã giảm so với năm ngoái. Ông Park nói: “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng lạm phát sẽ không trở thành một vấn đề lớn ở châu Á như với phần còn lại của thế giới.
Cả hai chủ nợ đều cảnh báo rằng một số quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước những cú sốc của cuộc chiến Ukraine. Mông Cổ và các quốc gia Trung Á khác dễ bị ảnh hưởng trực tiếp vì họ có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga. “Dự báo tăng trưởng của chúng tôi … ở Trung Á giảm một chút so với mức tăng trưởng của năm trước, chủ yếu phản ánh khả năng dễ bị tổn thương trực tiếp này”, Park nói.
Mattoo tại Ngân hàng Thế giới lập luận rằng giá nhiên liệu tăng vọt sẽ ảnh hưởng xấu đến các nhà nhập khẩu nhiên liệu ròng bao gồm Campuchia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, trong khi các nhà xuất khẩu năng lượng ròng như Indonesia và Malaysia ít bị tổn thương hơn.
Nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng khả năng dễ bị tổn thương về tài chính là mối đe dọa đối với sự phục hồi, nói rằng việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có nghĩa là các quốc gia châu Á phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài hoặc có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như Lào hoặc Campuchia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Mattoo nói: “Các chính phủ được trang bị ít hơn để đối phó với việc này vì nó xảy ngay sau đại dịch kéo dài. “Không gian tài khóa bị thu hẹp vì nợ tăng lên, và không gian tiền tệ bị thu hẹp vì lạm phát ngày càng tăng.”
Đồng tình với quan điểm này, ông Park nói: “Khi đại dịch bắt đầu, các chính phủ trong khu vực tỏ ra khá quyết liệt trong việc cố gắng đáp ứng và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. “Sau đó họ nhanh chóng nhận ra là họ thực sự không đủ khả năng để tiếp tục làm năm này qua năm khác vì mức thâm hụt bắt đầu cao hơn mức cho phép.”
Cả hai nhà kinh tế đều cho rằng cần theo dõi chặt chẽ các đồng tiền châu Á đang suy yếu.
Ông Park nói: “Tình trạng mất giá tiền tệ có thể còn tiếp diễn. “Các quốc gia sẽ phải quyết định, ở một mức độ nào đó, làm thế nào để quản lý việc này.”
Mattoo chỉ ra rằng tiền tệ suy yếu sẽ gây ra gánh nặng lớn hơn cho các quốc gia có khoản nợ bằng ngoại tệ lớn và gây ra lạm phát thêm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ông nói: “Rủi ro về tháo chạy vốn có thể gây thêm áp lực thắt chặt tiền tệ, việc làm mà có thể còn hơi gấp gáp, trong bối cảnh… sự phục hồi thậm chí còn chưa hoàn tất ở nhiều quốc gia”.
Khi giá năng lượng tăng đột biến, Park và Mattoo đã kêu gọi các chính phủ nhắm đến mục tiêu hỗ trợ cho những người thực sự cần, để họ có thể tạo không gian tài chính cho đầu tư công nhằm tăng trưởng trong tương lai.
Đại dịch tiếp tục là một yếu tố rủi ro, với việc Park chỉ ra những vụ phong tỏa gần đây ở Trung Quốc.
Ông Park nói: “Trung Quốc thực sự là một yếu tố rủi ro lớn. Phản ứng của họ là rất quyết liệt trong việc phong tỏa, vì vậy nếu họ đóng cửa một nửa các thành phố ở Trung Quốc, điều đó sẽ có tác động kinh tế toàn cầu rất lớn và đặc biệt là trong khu vực.”
Mattoo tại Ngân hàng Thế giới lập luận rằng các chính phủ và tổ chức tài chính trên khắp châu Á nên suy nghĩ về cách mà họ có thể tạo ra các điều kiện để tăng trưởng bền vững khi đối mặt với những cú sốc mới.
Mattoo nói: “Bài học chính ở đây là các quốc gia có nền tảng cơ bản mạnh mẽ và chính sách tốt có thể vượt qua được những cú sốc đang ngày càng trở nên quan trọng trong một thế giới toàn cầu hóa.
“Một khu vực, vốn phụ thuộc rất nhiều vào thương mại, đầu tư và dòng vốn để tăng trưởng, phải nhận ra rằng khu vực đó sẽ dễ bị tổn thương bởi các cú sốc.”
Theo nguồn tin: Nikkei
Biên dịch: Trung tâm Thông tin Thương mại, VCCI-HCM
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm
Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo các thông tin trong tài liệu này được lấy từ những nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, VCCI không chịu trách nhiệm đối với mọi sai sót hay bỏ sót hoặc hệ quả nào từ việc sử dụng những thông tin này. Mọi thông tin đăng tải trong tài liệu này được giữ “nguyên trạng”; chúng tôi không đảm bảo về tính đầy đủ, chính xác và tính cập nhật hoặc hệ quả từ việc sử dụng thông tin này, và không đảm bảo dưới bất kỳ hình thức nào, dù được nêu rõ hay ngụ ý, bao gồm nhưng không giới hạn các bảo đảm về việc áp dụng, tính thương mại và tính phù hợp cho một mục đích cụ thể.
Trách nhiệm về các quan điểm trình bày trong bài báo, nghiên cứu, và các đóng góp khác hoàn toàn thuộc về các tác giả, và tài liệu này không cấu thành sự ủng hộ của chúng tôi với các quan điểm trình bày trong đó. Trong mọi trường hợp, VCCI cùng các đơn vị hợp danh hoặc pháp nhân hoặc nhân viên của VCCI sẽ không chịu trách nhiệm đối với quý vị hoặc bất kỳ cá nhân nào từ bất kỳ quyết định hoặc hành động nào được thực hiện dựa vào những thông tin trên tài liệu này.