[vccitranslate]

PwC: Cơ hội lớn cho ngành BPO

Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển ngành thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) nhờ có đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) dồi dào, chi phí lao động thấp. Đây là một trong năm lĩnh vực được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, theo báo cáo “Spotlight on Vietnam” (Tiêu điểm Việt Nam) do Công ty PwC Việt Nam thực hiện.

Tại buổi họp báo giới thiệu về báo cáo này diễn ra hôm nay, 18-10, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam chia sẻ, ngành thuê ngoài quy trình kinh doanh được hiểu là việc sử dụng CNTT, internet để cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Trong đó, gia công phần mềm là một trong những ví dụ dễ thấy. Ngoài ra còn có hàng loạt những dịch vụ khác như khảo sát, kế toán, nghe và trả lời điện thoại, tiền công tiền lương…

Đây là các dịch vụ mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới có nhu cầu cao và họ thường đưa ra ngoài quốc gia để tận dụng các yếu tố về nhân công, chi phí, giờ làm. Và Việt Nam, với lực lượng cử nhân CNTT dồi dào, trẻ (40.000 tân cử nhân CNTT gia nhập thị trường lao động hàng năm), có kiến thức và chi phí thấp được xem là nguồn cung lý tưởng cho các ngành dịch vụ này.

Cũng theo bà Vân, ngành BPO của Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt trong những năm qua nhưng vẫn còn khá non trẻ. Tuy nhiên, đây sẽ là một ngành có tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Các chuyên gia trao đổi tại buổi báo cáo “Tiêu điểm Việt Nam” ngày 18/10 vừa qua.

Báo cáo “Tiêu điểm Việt Nam” của PwC Việt Nam cũng chỉ ra, bên cạnh BPO, còn có bốn lĩnh vực khác có nhiều cơ hội tăng trưởng và hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió do nhu cầu năng lượng mới.

Thứ hai là khách sạn cao cấp khi số lượng khách nước ngoài đến du lịch ngày càng tăng và sự tăng trưởng về chi tiêu của tầng lớp trung lưu.

Thứ ba là ngành nông nghiệp và thực phẩm với nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Cuối cùng là ngân hàng bán lẻ khi công nghệ tài chính (fintech) phát triển, tiêu dùng ở Việt Nam dần chuyển đổi từ tiền mặt sang sử dụng công nghệ thanh toán.

Báo cáo của PwC Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị, với việc có thêm các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn gia nhập thị trường thì các doanh nghiệp nội địa cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể nắm bắt các cơ hội.

Ông Grant Dennis, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn hoạt động của PwC Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải ở tâm thế sẵn sàng thay đổi để nắm bắt cơ hội phát triển. Quan trọng là có được một chiến lược kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.

Bình luận về mức độ ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ông Johnathan Ooi, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn các thương vụ PwC Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy áp lực cạnh tranh từ các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp cũng đã mời công ty tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ trong 5 năm tới nhằm vươn lên dẫn đầu trong nước cũng như gia nhập thị trường toàn cầu. Đây là xu thế tự nhiên và cần làm để tăng hiệu quả kinh doanh.

Bà Vân thì chia sẻ thêm, cho đến hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam, từ nhà nước đến tư nhân, nhỏ đến lớn đều nhận thức về các thách thức, áp lực của bối cảnh kinh doanh mới với sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề của các doanh nghiệp là khác nhau, kéo theo mức độ thay đổi, chiến lược đầu tư khác nhau.

Báo cáo “Tiêu điểm Việt Nam” được thực hiện nhân dịp Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhân của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại Đà Nẵng.

Ngoài báo cáo này, PwC cũng đã tiến hành khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp APEC thường niên và sẽ công bố vào ngày 8-11 tới tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.

Theo Thesaigontimes.vn

  • Sự kiện
  • Đào tạo

Bà Bùi Thị Ninh

Phó Giám đốc VCCI-HCM

093 815 0708

buithininh@vcci-hcm.org.vn