[vccitranslate]

Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020: Cần tạo thuận lợi cho phát triển

Để Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 được kịp thời, Chính phủ cho phép ban hành theo hướng rút gọn, với việc tham vấn giữa các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ giảm được những rủi ro cho cơ quan soạn thảo, tạo được thuận lợi cho sự phát triển.

                           Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Nam

Đây là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, do VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/11, tại Hà Nội.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Luật Đầu tư 2020 đang giải quyết những vấn đề “nóng” hiện nay. Cụ thể, luật đã tháo gỡ được những chồng chéo, xung đột giữa các luật liên quan. Theo thống kê, có 10 điểm chồng chéo, vướng mắc đang được Luật Đầu tư giải quyết; đơn giản được một số những thủ tục hành chính, phân quyền nhiều hơn cho cấp tỉnh, bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự thảo quy định về việc áp dụng, kiểm soát, công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; các biện pháp bảo đảm đầu tư kinh doanh; các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư và quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh…

“Vì nghị định sẽ tác động đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, kinh doanh trong nước, nên nghị định cần đảm bảo sự đồng bộ, quy định rõ ràng các điều khoản, tránh chồng chéo nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới” – luật sư Trần Văn Hà nhấn mạnh.

Từ thực tiễn của các doanh nghiệp trong ngành, bà Trần Hồng Mai – Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam góp ý, bố cục nội dung của nghị định cần phù hợp với bố cục của luật và phải hướng dẫn đầy đủ các nội dung quy định thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Cũng theo bà Hồng Mai, trong dự thảo nghị định trình bày không nhất quán với bố cục tổng thể nội dung của Luật Đầu tư 2020 cũng như trong từng chương, do đó cần rà soát lại và sắp xếp bố cục nội dung nghị định theo trình tự trong Luật Đầu tư 2020 để đối tượng áp dụng dễ tra cứu và thuận tiện trong triển khai thực hiện trên thực tế.

Liên quan tới nội dung “thời hạn hoạt động của dự án đầu tư” có quy định: Dự án sản xuất công nghiệp có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên và thời hạn thu hồi vốn đầu tư/khấu hao tài sản trên 10 năm”, theo bà Mai, điều đó là không có cơ sở vì quy định thời hạn khấu hao tài sản cố định cần tuân thủ chế độ khấu hao của Nhà nước, trong khi chưa rõ loại, tính chất tài sản cố định ở giai đoạn làm thủ tục đăng ký đầu tư thì chưa thể xác định được thời hạn khấu hao để quy định thời hạn hoạt động của dự án trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư 2020.

Đồng thời, dự thảo nghị định chưa nêu được nội dung chi tiết về việc lựa chọn nhà đầu tư; nhất là các quy định liên quan giữa Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư trong những công trình, dự án triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) để tránh trùng lặp và mâu thuẫn.

Theo Văn Nam (Thời báo tài chính)

  • Sự kiện
  • Đào tạo