[vccitranslate]

Luật Quản lý thuế phải giảm tối đa khó khăn cho doanh nghiệp

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng đề cập tới việc mở rộng phạm vi hoạt động của đại lý thuế theo hướng cung cấp dịch vụ kế toán cho các đối tượng này. Người nộp thuế cũng sẽ không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế…

Đại diện Bộ Tài chính lấy ý kiến các rộng rãi các hiệp hội, chuyên gia. 

Doanh nghiệp dễ “làm đúng” hơn

Về những điểm mới trong dự thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết: một trong những thay đổi là sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế Thu nhập cá nhân. Ví dụ, quy định hiện tại, cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn.

Để hỗ trợ người nộp thuế tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, giảm thiểu rủi ro, dự thảo Luật quản lý thuế đã sửa đổi thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 01 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp).

Đồng tình với việc sửa đổi, bà Nguyễn Thái Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán cho rằng việc nộp báo cáo trong vòng 90 ngày như hiện tại tạo nên áp lực lớn lên người nộp thuế.
Một điểm mới khác theo lãnh đạo Tổng cục Thuế là tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế. Theo quy định hiện hành, phạm vi của dịch vụ đại lý thuế chỉ làm thủ tục về thuế mà không được thực hiện các dịch vụ khác như: Dịch vụ kế toán. Điều nảy nảy sinh bất cập là doanh nghiệp muốn thuê ngoài dịch vụ kế toán, kê khai thuế thì buộc phải phải thuê hai đơn vị. Trong đó, có một đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế và một đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì các đối tượng sử dụng dịch vụ này chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Do đó, tham gia góp ý cho Luật Quản lý thuế (sửa đổi) bà Nguyễn Thị Thuận, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa-Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá cao nội dung sửa đổi.

Theo bà Nguyễn Thị Thuận, một trong những lực cản khiến hộ kinh doanh không hề muốn trở thành doanh chính là vấn đề phức tạp và chi phí cho hoạt động kế toán, làm thuế.

“Chưa mở doanh nghiệp đã phải nghĩ thuê bao nhiêu người, người làm chuyên môn, làm thuế, làm kế toán. Tuyển làm kế toán, nếu mới ra trường chưa chắc làm được trong khi lương cũng phải 5-7 triệu đồng, nếu làm hộ kinh doanh thì cứ làm bình thường, vài tháng sẽ có cán bộ thuế đến hướng dẫn tính toán nộp bao nhiêu là xong“, bà Nguyễn Thị Thuận thẳng thắn chia sẻ.

Do đó, bà Nguyễn Thị Thuận đặc biệt tâm đắc việc mở rộng phạm vi hoạt động của đại lý thuế theo hướng bổ sung thêm cung cấp dịch vụ tư vấn thu và dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Qua đó, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể thuê một dịch vụ trọn gói cả thực hiện sổ sách và khai thuế.

Quản lý thuế trong thương mại điện tử chặt hơn

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết, dự thảo Luật Quản lý Thuế mới cũng sẽ có quy định cụ thể hơn về thuế trong kinh doanh thương mại điện tử, một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hoạt động này có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh. Thương mại điện tử góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu được nhiều lợi ích nhất. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ở Việt Nam thời gian gần đây đã phát triển mạnh loại hình kinh doanh này, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo… thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài. Mô hình kinh doanh này ngày một phát triển do sự thuận lợi từ những đặc điểm của loại hình kinh doanh qua mạng. Luật quản lý thuế hiện hành đã tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và thương mại điện tử thông qua các quan điểm trọng yếu như cơ chế tự khai – tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử).

Theo ông Cao Anh Tuấn, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng ở khía cạnh vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống được các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử, mở rộng cơ sở thu thuế thì cần phải có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này. Dự thảo Luật Quản lý thuế đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế như: Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại; Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an…

Ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng đánh giá cao tinh thần sửa đổi của Luật Quản lý thuế mới theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Danh cũng lưu ý là việc sửa đổi phải lưu ý đến việc xung đột với một số quy định của các Luật khác hiện hành, ví dụ như Luật Kế toán, Luật liên quan đến kiểm toán.

Các chuyên gia cho rằng, các quy định cần làm rõ thì sớm đưa vào trong luật, hạn chế phải làm nhiều các văn bản hướng dẫn ở dưới có thể gây sai lệch tinh thần của Luật. Đồng thời, việc xây dựng luật cần tính toán kỹ càng, bảo đảm luật ra đời có tuổi thọ cao hơn. Bởi các quy định về thuế rất cụ thể và có tính kỹ thuật phức tạp, nếu thay đổi thường xuyên thì doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc cập nhật tuân thủ đầy đủ các quy định.

Sau khi nhận được nhiều góp ý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp nhận, nghiên cứu xem xét tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp để tiếp tục sửa đổi bổ sung.

Riêng trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam có khá nhiều luật riêng rẽ, do đó, đôi khi tính thống nhất chưa đạt yêu cầu. Tinh thần Luật sửa đổi sẽ quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn, “dễ làm, dễ thực hiện”, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc chấp hành thuế.

Theo baodientu.chinhphu.vn.

  • Sự kiện
  • Đào tạo