Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại ĐBSCL
- 02/08/2023
Ngày 31/07/2023 vừa qua, tại khách sạn Mường Thanh – Thành phố Cà Mau, đã diễn ra Hội thảo Tổng kết Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á” (GRAISEA 2) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP. HCM (VCCI-HCM) phối hợp với Tổ chức Oxfam, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của:
- Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM
- Ông Lê Văn Sử, PCT UBND tỉnh Cà Mau
- Ông Từ Hoàng Ân, PGĐ Sở LĐTBXH Cà Mau
- Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN&PTNT Cà Mau
- Ông Nguyễn Trung Hiếu, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu
- Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản
- Ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn
- Và đại diện các cơ quan ban ngành tỉnh Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; đại diện các Hợp Tác Xã; đại diện các Doanh Nghiệp chuỗi tôm và lúa; đại diện Liên Minh tôm sạch và bền vững Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Quản lý Dự án GRAISEA 2 tại Việt Nam
Dự án GRAISEA 2 có mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân, sản xuất nhỏ và công nhân trong các chuỗi giá trị nông nghiệp, được triển khai trong 05 năm (từ năm 2018 đến năm 2023), trên địa bàn 05 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm: An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Bên cạnh việc cải thiện thu nhập và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Dự án còn chú trọng tăng cường vai trò của phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, đảm bảo phúc lợi cho nông dân, công nhân lao động trong chuỗi giá trị.
Thảo luận bàn tròn với các đại diện htx, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn về hướng phát triển các tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi giá trị nông nghiệp
Sau 5 năm triển khai, Dự án GRAISEA đã hỗ trợ gần 4.500 nông dân (hơn 55% là nữ) và 58 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, nâng cao thu nhập; hơn 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
15 doanh nghiệp đầu ngành, trong đó có CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Tôm Miền Nam, cải thiện chính sách, mô hình kinh doanh có trách nhiệm; từ đó, giúp hơn 10.000 công nhân hưởng lợi từ chính sách tiền lương và phúc lợi xã hội. 9 sáng kiến đa bên thúc đẩy chuỗi giá trị tôm, lúa bền vững và toàn diện được hỗ trợ thành lập và vận hành, trong đó có Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia dự án nhận bằng ghi nhận cho những đóng góp vào sự thành công của dự án
Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, VCCI-HCM đã có những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tập đoàn đầu ngành trong chuỗi giá trị tôm và lúa, thông qua các công tác tư vấn về kỹ thuật cải tiến nhà máy, tư vấn hệ thống nhà máy, tư vấn pháp luật lao động, đào tạo kỹ năng.
Toàn thể đại biểu
Các chương trình trên nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, vận hành cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, liên tục cải tiến môi trường làm việc và tăng cường sự tham gia của nữ giới. Từ đó, đẩy mạnh mô hình kinh doanh bao trùm và đầu tư có trách nhiệm, chú trọng quyền lợi của người lao động và phúc lợi xã hội cho lao động nữ, đồng thời thúc đẩy chuỗi giá trị tôm, lúa bền vững và toàn diện tại năm tỉnh khu vực ĐBSCL: An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Biên tập: Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI-HCM