Hơn 500 doanh nghiệp tham dự Đối thoại Thuế, Hải quan 2024
- 13/12/2024
Sáng ngày 13/12/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan khu vực phía Nam, nhằm nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, thủ tục thuế, hải quan của doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp và kịp thời. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Theo kế hoạch, có khoảng 450 doanh nghiệp dự chương trình. Tuy nhiên, doanh nghiệp tới dự mỗi lúc một đông, chật kín hội trường tại Trung tâm hội nghị 272 Võ Thị Sáu. Nhiều người phải đứng nghe ở lối đi, cuối hội trường, thậm chí ngồi ngoài hành lang gần cửa để lắng nghe.
Nhiều chính sách hỗ trợ với tổng giá trị gần 200.000 tỷ đồng, giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp
Đó là một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đã triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực tài chính và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, được Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành nêu tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, năm 2024 là một năm ghi dấu sự phục hồi mạnh mẽ và phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP ước đạt 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Xuất siêu đạt 24,3 tỷ USD (tính đến tháng 11/2024), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 715,5 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước cũng đạt mức kỷ lục, vượt 1,8 triệu tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
“Những thành tựu này có được nhờ sự nỗ lực to lớn của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của Bộ Tài chính là vô cùng quan trọng khi đã triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa hiệu quả, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cũng cho rằng, năm 2024 cũng là năm đặt ra nhiều thách thức lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, từ những biến động khó lường của thị trường quốc tế đến tác động từ thiên tai, lũ lụt, cùng những hạn chế nội tại kéo dài. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm đổi mới, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp cải cách mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như:
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại Hội nghị
Thứ nhất, về cải cách thuế và hải quan hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí. Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ với tổng giá trị gần 200.000 tỷ đồng, giúp giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về hiện đại hóa quy trình thuế và hải quan: Hơn 99% doanh nghiệp đã thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử. Quy trình thông quan hàng hóa được cải tiến, ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp rút ngắn thời gian xử lý và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.
Về cải cách thủ tục hành chính: Bộ Tài chính liên tục rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật, loại bỏ các thủ tục phức tạp, chồng chéo, giúp giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp.
Thứ hai, chuyển đổi số và hiện đại hóa quản lý nhà nước. Bộ Tài chính là một trong những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính. Các nền tảng công nghệ số được triển khai không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và công bằng hơn cho doanh nghiệp. Nhiều năm liền, Bộ Tài chính nằm trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính và chuyển đổi số, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Thứ ba, đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp. Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, từ Hội nghị đối thoại năm 2023 đến nay, VCCI đã phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết hơn 450 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trên cả nước. Các vấn đề liên quan đến hoàn thuế, ưu đãi thuế, thủ tục hải quan hay sự không thống nhất trong áp dụng chính sách tại các địa phương đều được tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời. Điều này thể hiện rõ tinh thần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Tài chính, tạo niềm tin và động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
“Hội nghị hôm nay là cơ hội để các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, đồng thời đề xuất các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Tôi mong rằng, các đại diện doanh nghiệp sẽ phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm, tập trung vào những đề xuất thiết thực, nhằm đóng góp vào sự phát triển chung”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ.
Đồng thời, ông cũng khẳng định, VCCI cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tổng hợp các ý kiến và chuyển đến Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tinh gọn bộ máy, không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân và doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2024, nhưng nhờ sự nỗ lực vừa khó của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân và sự triển khai kịp thời có hiệu quả các giải pháp, hỗ trợ của các cơ quan, của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã giúp cho nền kinh tế ổn định, GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,82% và ước cả năm chúng ta đang phấn đấu từ 6,8% đến 7%, cao hơn mục tiêu của Quốc hội giao. Nhờ đó, thu ngân sách tính đến ngày 12/12 đã đạt được 1.863.000 tỷ đồng và so với dự toán là đạt 109,56%.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Ông cho rằng, những kết quả tích cực đã đạt được trên là nhờ sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đã nỗ lực cùng quyết tâm cao để hưởng ứng, thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Bên cạnh với các giải pháp thực hiện kinh tế, xã hội, theo Nghị quyết 01 từ đầu năm của Chính phủ, các giải pháp về tài chính ngân sách như tiếp tục miễn giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, năm 2024, quy mô hỗ trợ của các giải pháp này khoảng là gần 200.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 95.000 tỷ đồng. Số tiền thuế và phí, lệ phí được giảm gần 100.000 tỷ đồng.
“Trên tinh thần đó, năm 2024, Bộ Tài chính đã tiếp tục phối hợp với VCCI tổ chức các các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về chính sách, thủ tục hành chính Thuế và Hải quan, qua đó, giúp Bộ Tài chính nắm bắt những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, thủ tục về Thuế, Hải quan của doanh nghiệp. Từ đó, có phương án xử lý kịp thời”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, trong tháng 10 vừa qua, Tổng cục Thuế cũng đã mời các doanh nghiệp của 5 địa phương, tại phía Nam là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, để trực tiếp đối thoại rất thẳng thắn, đặc biệt là về chuyên đề thuế. Chúng tôi được biết đến thời điểm này, các hồ sơ về thuế, đặc biệt là của TPHCM và các tỉnh phía Nam đã cơ bản được xử lý kịp thời, tháo gỡ được phần nào những khó khăn của các doanh nghiệp.
Về cải cách thủ tục hành chính, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, để thực hiện các nghị quyết Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính để hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đặc biệt là lĩnh vực thuế hải quan; Triển khai thực hiện khai nộp thuế hoàn thuế theo phương thức điện tử, đã có gần 100% doanh nghiệp thực hiện khai thuê, nộp thuế, hoàn thuế theo phương thức điện tử;
Tiếp tục triển khai hiệu quả với hệ thống quản lý hải quan tự động tại các cảng, kho bãi góp phần đơn giản hóa thủ tục đưa hàng vàng kho bãi cảng và giảm thời gian đi lại của người dân và khắc phục tình trạng ùn tắt tại các cảng kho bãi, đến nay đã có 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.
“Bước sang năm 2025, Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo và Chính phủ đã đề xuất các cấp có thẩm quyền tiếp tục các giải pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Trình cấp có thẩm quyền, ban hành chính sách tiếp tục giảm 2% thuế VAT. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đang báo cáo Chính phủ, trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 về hóa đơn điện tử…”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, nhằm phát huy sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, ngành Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là đang quyết liệt, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 về kế hoạch tinh gọn bộ máy, đảm bảo trong quá trình chuyển đổi không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân và doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Ông mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan trong quá trình chuyển đổi số, để đáp ứng đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại có thu nhập trung bình cao và đến 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp và trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt để hiệu quả các giải pháp và phí, thuế, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành trong thời gian tới. Đồng thời, triển khai thực hiện Luật Thuế Giá trị gia tăng từ 1/1/2025. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo đúng chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống thuế quốc tế để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, Hội nghị đối thoại chính sách thuế, hải quan cũng đã giúp cơ quan thuế và hải quan nắm bắt những tâm tư, vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách thủ tục thuế, hải quan từ đó có phương án xử lý, hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp. Qua nhiều kỳ đối thoại, có những vấn đề đã xử lý ngay, có những vấn đề không xử lý ngay thì đã tổng hợp để điều chỉnh kịp thời trong các luật.
Ông cũng mong các doanh nghiệp, ngoài những vướng mắc, bức xúc riêng của từng doanh nghiệp, cũng cần tham gia góp ý về những vấn đề chung liên quan đến các chính sách đối với các doanh nghiệp. Bộ tài chính cũng mong nhận được sự phản hồi tích cực và những góp ý thẳng thắn, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch hơn, giúp người nộp thuế thực hiện chính sách thuế được đầy đủ, nhanh chóng, góp phần vào việc khuyến khích đầu tư, xuất khẩu và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhiều ý kiến được nêu liên quan đến hoàn thuế GTGT; kê khai thuế, hạch toán thuế; hoá đơn điện tử; những vướng mắc về thủ tục xuất nhập khẩu,…
Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã nêu các ý kiến tập trung vào những vướng mắc trong lĩnh vực như: hoàn thuế GTGT; kê khai thuế, hạch toán thuế; hoá đơn điện tử; những vướng mắc về thủ tục xuất nhập khẩu,…
Điển hình như, bà Trịnh Thị Thu Phương – Kế toán trưởng Công ty Bambo Air Way, phản ánh những khó khăn về thực hiện hoá đơn điện tử. Cụ thể, Bambo Air Way mỗi ngày xuất ít nhất 300 hoá đơn, thậm chí có ngày lên 600 hoá đơn, nhưng trên hệ thống hoá đơn điện tử việc kiểm tra dữ liệu của hoá đơn thì không hiển thị toàn bộ. Trong khi đó, nếu kiểm tra từng hoá đơn vẫn có, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc đối chiếu dữ liệu giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế. Do đó, doanh nghiệp đề xuất cần có giải pháp cho trường hợp này.
Một số ý kiến khác như: Công ty TNHH Dệt may JURONG đề nghị hướng dẫn công ty được hoàn thuế đầu tư. Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi gặp khó về nhập khẩu nguyên liệu (đường lỏng). Công ty cổ phần Điện gió Trà Vinh 1 nêu một số khó khăn về thủ tục hải quan khi nhập khẩu và đóng thuế GTGT. Đại diện Công ty TNHH Fashion Garmen Mekong nêu khó khăn về việc xác định trị giá hải quan trong việc nhập nguyên liệu về để phát triển mẫu… Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị bổ sung rõ về việc xử lý hồ hoàn thuế xuất nhập khẩu tại chỗ đối với thương nhân nước ngoài hiện diện tại Việt Nam…
Giải đáp những ý kiến, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đại diện lãnh các cơ quan Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã có những trả lời cụ thể đến từng doanh nghiệp. Với một số vấn đề vượt thẩm quyền, đại diện các cơ quan của Bộ Tài chính khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, hải quan, các chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã khẳng định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt về thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy,… đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp, Thời báo Tài chính Việt Nam