[vccitranslate]

Hội thảo trực tuyến Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp cùng với việc giãn cách xã hội trong thời gian dài đã có những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra những lưu ý cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần cho người dân. Dưới góc độ kinh tế và lao động, tác động nặng nề của đại dịch lên đời sống tinh thần của người lao động được nhận thấy là một trong những vấn đề đáng lo ngại và có thể để lại nhiều hệ lụy lâu dài không chỉ đối với bản thân người lao động mà còn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động là một trong những nội dung mà doanh nghiệp mong muốn tiếp cận để có thể đồng hành người lao động trong giai đoạn biến động như hiện nay khi phải thực hiện các phương án khác nhau khi làm việc 3 tại chỗ, làm việc tại nhà, hay khi doanh nghiệp phải ngưng sản xuất.

Đáp ứng với nhu cầu đó, tiếp nối chuỗi hội các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, vào ngày 10/09/2021, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM (VCCI-HCM) với sự hỗ trợ từ Chương trình Better Work Việt Nam (BWV) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Hội thảo diễn ra với sự tham gia của hơn 330 đại diện đến từ các doanh nghiệp, tổ chức đối tác. Tại buổi hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần đã cung cấp một số thông tin liên quan đến các nguy cơ về sức khỏe tâm thần của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh thông qua các nghiên cứu trước đó. Đồng thời, các diễn giả đưa ra một số yếu tố bảo vệ, các chiến lược phòng ngừa và quản lý sức khỏe tâm thần; những kỹ thuật ứng phó với căng thẳng và nâng cao năng lượng phục hồi cho người lao động như: bình thường hóa trải nghiệm của bản thân, thay đổi góc nhìn, tiếp cận thông tin tích cực…. Dưới góc độ quản lý lao động, chuyên gia cũng đưa ra các gợi ý cho việc xây dựng chiến lược dài hạn và kế hoạch can thiệp ngắn hạn giúp doanh nghiệp có thể áp dụng vào thực tế để có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần tốt hơn cho người lao động như: tạo sự kết nối nội bộ doanh nghiệp, quan tâm đến người thân của nhân viên, thể hiện cam kết cùng người lao động sau đại dịch… Cũng trong buổi hội thảo, các diễn giải đã có những giải đáp, gợi ý cho những vấn đề liên quan đến tinh thần của người lao động tại doanh nghiệp khi thực hiện các phương án làm việc khác nhau để sức khỏe tinh thần được chăm sóc và đảm bảo, người lao động có thể vượt qua các khó khăn, trở ngại về tinh thần và doanh nghiệp duy trì được lực lượng lao động, giữ năng suất lao động ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.

Nguồn: Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI-HCM

  • Sự kiện
  • Đào tạo