Hội thảo Lấy ý kiến Doanh nghiệp Dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi)
- 07/12/2017
Luật Chăn nuôi (sửa đổi) sẽ bám sát vào thực tiễn của ngành chăn nuôi, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Để hoàn thiện dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi), ngày 7/12, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án luật này.
Hội thảo Lấy ý kiến Doanh nghiệp Dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi) ngày 07/12/2017 tại TP. HCM.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay ngành chăn nuôi trong nước đang đứng trước nhiều thách thức cạnh tranh, để vừa phát triển sản xuất, giữ ổn định giá cả, vừa giữ thị phần trên sân nhà và hướng đến xuất khẩu.
Do đó, Luật Chăn nuôi (sửa đổi) sẽ bám sát vào thực tiễn của ngành chăn nuôi, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Các doanh nghiệp cho rằng, Luật Chăn nuôi (sửa đổi) cần phải quy định rõ ràng về điều kiện xuất khẩu, phù hợp với các thông lệ quốc tế, để doanh nghiệp thực hiện và phù hợp với kinh tế thị trường hiện nay.
Ở lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có tư duy hội nhập mạnh mẽ hơn, hướng đến sản xuất những sản phẩm trên dây chuyền công nghệ hiện đại thì mới đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng theo các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, cũng như tiêu dùng trong nước.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, Luật Chăn nuôi (sửa đổi) cần bổ sung thêm quy định khoảng cách xây dựng giữa các trang trại chăn nuôi, để đảm bảo yếu tố an toàn dịch bệnh.
“Cách đây vài tháng, chúng tôi dẫn một đối tác Nhật Bản đến khảo sát trang trại chăn nuôi gia cầm ở Đồng Nai đã đạt chuẩn Global Gap để hướng tới ký kết xuất khẩu sản phẩm thịt gà. Thế nhưng, khi đến trang trại này phát hiện có một hộ chăn nuôi vịt vừa được bố trí xây dựng cách đó không xa thì đối tác này đã hủy bỏ ký kết, vì cho rằng việc xây dựng các trang trại chăn nuôi gần nhau như vậy sẽ khó khống chế dịch bệnh lây lan”, ông Ngọc chia sẻ.
Đại diện hiệp hội này cho rằng, việc các trang trại chăn nuôi được bố trí gần nhau là một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Do vậy, những trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi làm công nghệ cao, hướng tới xuất khẩu thì không thể bị ép buộc nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung; hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình dịch bệnh ở các trang trại trong vùng chăn nuôi tập trung.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, tình trạng giá thấp vẫn đang kéo dài, khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 70%) ngày càng thua lỗ. Tuy nhiên, đây vẫn là lực lượng chăn nuôi chính cần phải được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, thông qua việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết đầu ra cho người dân. Ngoài ra, cũng cần phải quản lý chặt chẽ thức ăn chăn nuôi, để ổn định chi phí đầu vào cho người dân, tránh leo thang giá cả.
Dự kiến, Dự án Luật Chăn nuôi (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp sắp tới. Luật này được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh mới như yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng như hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Theo đó, dự thảo cũng quy định không cho phép nhập khẩu nội tạng, phủ tạng các loại động vật từ nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, không cho phép nhập gia súc, gia cầm sống già, thải loại vào Việt Nam với mục đích giết mổ lấy thịt.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu. Điển hình là dư thừa sữa, thịt heo… Có những thời điểm giá thịt heo hơi rớt xuống dưới 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm chăn nuôi cũng đang gây không ít lo ngại khi vẫn tồn tại cách thức “rau 2 luống, lợn hai chuồng” vẫn còn tồn tại.
Cùng với đó là tình trạng ngộ độc từ sản phẩm chăn nuôi cũng đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ông Liêm thông tin, trong 9 tháng năm 2017, cả nước đã xảy ra 102 vụ ngộ độc thực phẩm, với gần 3.200 người bị ngộ độc. Nguy hiểm hơn là vấn đề ung thư, mỗi năm Việt Nam có tới 100.000 người tử vong do ung thư. Việt Nam cũng nằm trong số những nước có tỷ lệ người mắc ung thu cao trên thế giới. Nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ nguồn thức ăn và môi trường. Trong đó nguồn thức ăn là tác nhân quan trọng.
Những thực tế như trên cùng với sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, việc tham gia ký kết các FTA đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ ngành chăn nuôi trong nước trong tình hình mới, đồng thời phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Theo đó, điểm mới đáng chú ý trong dự thảo là quy định về việc kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn nhập khẩu. Theo Nghị định số 08/2010/NĐ-CP và Nghị định số 39/2017/NĐ-CP có quy định phải kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu khi nhập khẩu với hai nhóm kiểm tra chính là các chỉ tiêu chất lượng và các chỉ tiêu an toàn.
Trong dự thảo luật mới này quy định chỉ có các chỉ tiêu có khả năng gây mất an toàn như kim loại nặng, vi sinh, độc tố mới bắt buộc phải kiểm tra, còn các chỉ tiêu chất lượng là do thỏa thuận thương mại giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tự kiểm tra thông qua các hợp đồng kinh tế, Nhà nước không can thiệp để giảm, tránh phiền hà, tốn kém thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp.
Tổng hợp từ Báo Mới, Báo Công Thương và Hải quan Online