[vccitranslate]

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp Việt

Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, trong đó giao Bộ Tư pháp “Xây dựng Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại và phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tố tụng theo hướng thống nhất, đồng bộ, đảm bảo hiệu lực thực thi và bảo vệ quyền sở hữu tài sản”. Ngày 06/07/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1527/QĐ-BTP, trong đó có hoạt động khảo sát, đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật về hợp đồng và pháp luật giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoài tòa án.

Để hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức ngoài tòa án, bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp dân sự bằng phương thức hòa giải, trọng tài thương mại.

Quang cảnh Tọa đàm do VCCI-HCM và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức tại TP. HCM ngày 08/11 vừa qua.

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia và sự tham dự đông đảo của các đại diện đến từ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chính Minh và các tỉnh lân cận.

Tại buổi tọa đàm, LS. Trần Thanh Hương có nhiều ý kiến đóng góp liên quan áp dụng pháp luật hợp đồng, cụ thể bà cho rằng: “Trong các hợp đồng quan trọng, doanh nghiệp thường thỏa thuận về bồi thường thiệt hại tính trước (Liquidated Damages). Thỏa thuận này phản ánh lợi ích chung của doanh nghiệp, giảm chi phí và thời gian khi xảy ra trường hợp bồi thường, thường có căn cứ xây dựng khách quan, rõ ràng được các bên cùng thừa nhận. Thỏa thuận này cũng thông dụng trong môi trường kinh doanh quốc tế và ít nhiều được định hướng trong pháp luật chuyên ngành. Nếu các bên tính trước mức/giá trị bồi thường thiệt hại thì sự tính trước này không những vẫn thống nhất và phù hợp với quy định khác của hệ thống pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mà còn không tạo gánh nặng (đôi khi bất khả thi) và mất thời gian cho bên bị vi phạm chứng minh thiệt hại”.

Chỉ vì không quy định (hoặc trong BLDS, hoặc trong LTM) nên doanh nghiệp lúng túng, chưa thực sự yên tâm khi thỏa thuận về bồi thường thiệt hại tính trước, kỳ vọng pháp luật dân sự sẽ “mở đường” cho việc này, công nhận thỏa thuận trong khuôn khổ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (Điều 117 BLDS).

Liên quan đến phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại, LS. Hương cho rằng: bồi thường thiệt hại tồn tại cùng với phạt vi phạm (nếu có thỏa thuận phạt vi phạm) nếu là đương nhiên trong luật thương mại thì lại không là đương nhiên trong luật dân sự. Nên chăng sửa BLDS theo hướng quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm, trừ trường hợp luật/pháp luật liên quan có quy định khác” hoặc phương thức khác cho rõ ý của nhà làm luật để đảm bảo tính thống nhất về hệ thống pháp luật hợp đồng.

Các đại biểu khác cho rằng: Pháp luật về hợp đồng hiện nay về cơ bản được quy định trong Bộ luật dân sự 2015, bên cạnh đó, các văn bản luật khác cũng có quy định về hợp đồng như Luật kinh doanh bất động sản 2014, Luật nhà ở 2014, Luật bảo hiểm năm 2000 sửa đổi năm 2010, một số quy định về hợp đồng BCC, hợp đồng PPP tại Luật đầu tư 2014… Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về hợp đồng là vấn đề phức tạp trong quá trình hội nhập và phát triển.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Theo Báo cáo khảo sát về Trọng tài Quốc tế 2018 của Trường luật Queen Mary – Đại học London nằm trong chuỗi khảo sát thường niên về trọng tài được thực hiện xuyên suốt từ 2010 đến nay thì có đến 95 % doanh nghiệp phản hồi khẳng định trọng tài quốc tế là phương thức giải quyết họ tin dung khi có các tranh chấp xuyên biên giới.

LS. Châu Việt Bắc (VIAC) cho biết, trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm tháng 10/2018, số lượng vụ giải quyết tranh chấp của VIAC có xu hướng tăng bền vững theo từng năm, cụ thể trong giai đoạn năm 2014 đến nay, số lượng vụ việc được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã có sự gia tăng rất rõ rệt, với số lượng trên 100 vụ mỗi năm, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực mua bán hàng hóa (41%), xây dựng (18%), tài chính (11%),… Đồng thời, tỷ lệ tăng của tranh chấp trong nước nhanh hơn so với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, cho thấy rằng VIAC ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp trong nước, trong đó đặc biệt là nhóm doanh nghiệp FDI tin dùng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dù có kiến thức chung về trọng tài tuy nhiên việc chưa hiểu đúng và hiểu đủ cũng sẽ dễ dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp khi tranh chấp phát sinh, chẳng hạn như: Chọn chưa rõ tên tổ chức trọng tài cụ thể ví dụ như “Trung tâm trọng tài TP. HCM”. Theo quy định tại Khoản 5, Điều 43 LTTTM: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”. Trong thực tiễn, tranh chấp thẩm quyền phát sinh khi các bên giải thích “tổ chức trọng tài cụ thể” theo 2 cách khác nhau bao gồm: (i) chỉ rõ tên gọi một tổ chức trọng tài dù tổ chức này có thật sự tồn tại hay không và (ii) chỉ rõ tên một tổ chức trọng tài đang tồn tại trên thực tế. Theo tác giả, thực tiễn đã chứng minh việc hiểu theo cách thứ (ii) sẽ phù hợp hơn, vì nếu hiểu theo cách (i) sẽ dẫn đến nhiều trường hợp các bên có thỏa thuận trọng tài chọn một tổ chức trọng tài bị sai tên và không tồn tại, thì một bên bị xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp sẽ không thể kiện ra bất kỳ tổ chức trọng tài nào khác và Tòa án (vì thỏa thuận trọng tài này không bị xem là vô hiệu, không thực hiện được vì Tòa án phải từ chối thụ lý theo Điều 6 LTTTM).

Theo VCCI-HCM

  • Sự kiện
  • Đào tạo