Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
- 17/10/2017
Quá trình hội nhập kinh tế thế giới cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong việc cạnh tranh và phát triển thị trường. Làm thế nào để hỗ trợ các DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chính là chủ đề của diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Facebook tổ chức ngày 17/10 tại TP. Hồ Chí Minh. Tại diễn đàn, các doanh nghiệp (DN) được tiếp cận phương pháp và công cụ kinh doanh trực tuyến để nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh kết nối giữa các DN trong nước với nhà đầu tư nước ngoài và thị trường quốc tế.
Hiện nay, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do vậy, các DN Việt Nam cần tận dụng các ứng dụng công nghệ số để phát triển, đồng thời giảm thiểu chi phí logistics và giao dịch, trong đó mạng xã hội là một công cụ hữu hiệu.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 21% DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này khiến DNNVV ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của DN đầu tư nước ngoài (FDI) qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất. Ngoài ra, rào cản lớn đối với các DNNVV là chi phí về công nghệ có nơi còn cao. Sự hiểu biết về thương mại điện tử của các DN của Việt Nam còn thấp.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – VCCI cho biết, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp là tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Hiện nay, có 62 % doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp có khách hàng chính là cá nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong khi đó, số doanh nghiệp có khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm từ 7 – 10%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ còn gặp nhiều khó khăn khác như thiếu vốn, thiếu nhân lực có năng lực…
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ thì càng khó tiếp cận các nguồn lực phục vụ phát triển và thu hút khách hàng. Bởi doanh nghiệp nhỏ phần lớn chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể, chưa xác định được khách hàng mục tiêu và chưa có tài sản thế chấp để thuyết phục khách hàng cũng như nhà đầu tư.
Để có thể tận dụng được lợi thế từ hội nhập và những bước tiến về mặt công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bà Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.
Các doanh nghiệp cũng cần xác định và khẳng định được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, của sản phẩm mà mình cung cấp cho khách hàng. Hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về giá mà phải cạnh tranh về mặt tiêu chuẩn chất lượng và các giá trị gia tăng.
Các chuyên gia tham dự diễn đàn ngày 17/10 tại TP. HCM.
Để vượt qua thách thức này, Chính phủ đã đẩy mạnh việc cải cách các thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo khâu đột phá trong phát triển DN và phát triển kinh tế. Các DN cần chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.
Song song với việc hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp, đã đến lúc các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết cả theo chiều ngang và chiều dọc. Cụ thể, các doanh nghiệp cùng ngành hàng phải liên kết với nhau để phát huy lợi thế từng doanh nghiệp và năng cao khả năng cung ứng, triển khai các hợp đồng có giá trị lớn, từng bước chiếm lĩnh được thị trường. Về chiều dọc, doanh nghiệp phải chủ động liên kết với ngân hàng, các quỹ đầu tư và cơ sở đào tạo để huy động vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cấp công nghệ.
Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ vào phát triển thị trường, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ không nên nhìn nhận công nghệ dưới góc nhìn của người yếu thế, bởi sự phát triển của công nghệ chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp bứt phá, thậm chí tạo ra xu hướng kinh doanh mới.
Theo phân tích của ông Phí Anh Tuấn, nếu như trước đây, muốn khảo sát và phân tích nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải mua lại thông tin dữ liệu của các công ty chuyên nghiên cứu thị trường với chi phí khá cao, độ chính xác tương đối. Hiện nay nhờ các công cụ, tiện ích của mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể thực hiện khảo sát thị trường với chi phí thấp và độ chính xác cao cho từng sản phẩm cụ thể. Quan trọng là doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh và lựa chọn công nghệ phù hợp.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, mở rộng thị trường, chị Nguyễn Khanh, người sáng lập thương hiệu thời trang Viviane cho biết, nếu biết tận dụng các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử có thể giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng lên từ 30 -70% so với phương thức kinh doanh truyền thống.
Theo chị Nguyễn Khanh, các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội hiện nay không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về mặt bằng, chi phí quảng cáo mà còn giúp doanh nghiệp lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng đến nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả các công cụ này, doanh nghiệp phải đầu tư hợp lý và không ngừng đổi mới sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh và truyền tải thông điệp đến khách hàng.
Theo đánh giá của Facebook, hiện có 53 triệu người Việt Nam sử dụng facebook tích cực hàng tháng, trong đó 96% người dùng vào facebook bằng smartphone, 68% người Việt Nam có liên kết với 1 trang về DN, buôn bán hàng trên facebook. Những con số trên cho thấy, Facebook là kênh truyền thông mà bất cứ DN nào cũng không thể bỏ qua.
Các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội hiện nay không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí về mặt bằng, chi phí quảng cáo mà còn giúp DN lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng đến nhiều đối tượng khách hàng với chi phí thấp và độ chính xác cao cho từng sản phẩm cụ thể. Vì thế điều quan trọng nhất là DN phải thay đổi tư duy kinh doanh và lựa chọn công nghệ phù hợp.
Theo Báo Công thương và TTXVN.