Hàn Quốc – Việt Nam tăng cường hợp tác phát triển ngành điện lực và năng lượng tái tạo
- 05/02/2018
Sáng ngày 2/2, Diễn đàn “Ngành điện lực và năng lượng tái tạo Hàn Quốc – Việt Nam” dưới sự phối hợp giữa Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, với mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai Quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo và điện lưới thông minh.
Là một nước đang phát triển với dân số gần 100 triệu dân, nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam tăng nhanh hằng năm. Vì thế, nhu cầu đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong nước là rất lớn. Quy hoạch phát triển nguồn điện Việt Nam, đến năm 2020 và 2030 là đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo và giảm tỷ trọng thủy điện. Về quy hoạch phát triển lưới điện, ngành điện Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cấp lưới điện truyền tải và phân phối, khắc phục tình trạng quá tải, chất lượng điện áp thấp. Đặc biệt ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh.
Trong khi đó, Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới trong việc phát triển điện lưới thông minh (Smart Grid), tương tác tốt giữa hộ sử dụng điện với lưới điện, quản lý sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm, an toàn… góp phần tiết kiệm chi phí và thời gian đầu tư, giảm tổn thất điện năng; Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển năng lượng tái tạo cũng như chuyển giao công nghệ để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Tham dự diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thương mại – Công nghiệp – Năng lượng Hàn Quốc, Ông Paik Un Gyu nhấn mạnh ngành năng lượng được xem là nền tảng của các ngành công nghiệp khác. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế, bất kỳ quốc gia nào cũng phải đầu tư, phát triển năng lượng. Trong xu hướng chung hiện nay Hàn Quốc và Việt Nam đều đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thông qua giảm phát thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Với vai trò là đối tác chiến lược của nhau, Hàn Quốc sẽ tích cực đầu tư vào các dự án sản xuất điện và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Song song đó, Hàn Quốc cũng hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ kỹ thuật để phát triển nội lực ngành điện và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết năm 2015, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; năm 2016, đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 với quan điểm phát triển năng lượng tái tạo là khâu đột phá, giúp bảo đảm an ninh năng lược quốc gia, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Đây có thể xem là nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển.
Đại diện Tập đoàn Điện lực quốc gia Hàn Quốc (KEPCO) chia sẻ một trong những thế mạnh của ngành năng lượng Hàn Quốc là triển khai hệ thống điện lưới thông minh (Smart Grid). Đây là hệ thống điện có nhiều ưu điểm vượt trội như cho phép tương tác giữa các hộ sử dụng điện với lưới điện, khả năng tự động hóa và điều khiển từ xa giúp quản lý sử dụng và tiết kiệm điện hiệu quả. Ngoài ra, điện lưới thông minh cũng đảm bảo không mất điện diện rộng khi xảy ra sự cố, có thể tích hợp nguồn điện từ pin mặt trời, turbin gió hay máy phát điện giúp nâng cao tính ổn định nguồn cung và giảm hao tổn điện năng một cách tối đa. Với những lợi thế công nghệ và kỹ thuật, phía Hàn Quốc mong muốn tìm hiểu về chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện cũng như năng lượng tái tạo của Việt Nam nhằm thiết lập các quan hệ hợp tác, đầu tư hiệu quả trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, cơ hội cho các nhà đầu tư Hàn Quốc được chia làm 2 trường hợp, một là dự án có trong quy hoạch mà nhiều nhà đầu tư quan tâm thì phải lựa chọn nhà đầu tư để phát triển dự án. Trường hợp thứ hai chưa có trong quy hoạch thì, đa số các dự án năng lượng tái tạo chưa có trong quy hoạch, các nhà đầu tư cần chủ động thuê tư vấn làm việc với các địa phương nghiên cứu đề xuất các dự án, đề nghị các cấp có thẩm quyền đưa vào trong quy hoạch. Với mục tiêu nâng tỷ trọng điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo lên 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050, Việt Nam hiện có khoảng 50 dự án điện gió, hơn 100 dự án điện mặt trời và nhiều dự án phát triển năng lượng sinh khối khác đang được nghiên cứu để phát triển. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào các dự án dài hạn, góp phần tích cực vào sự thịnh vượng của cả hai quốc gia.
Thông qua diễn đàn, doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam đã có thêm cơ hội tìm hiểu, trao đổi trực tiếp, xem xét khả năng hợp tác dưới nhiều hình thức như: liên doanh đầu tư phát triển các dự án điện, hợp tác cung cấp công nghệ, thiết bị và vật tư chuyên ngành điện năng và năng lượng tái tạo.
Các doanh nghiệp Hoàn Quốc và Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực điện lực, năng lượng tái tạo.
Dịp này, một số doanh nghiệp hai quốc gia đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác trong ngành điện lực và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo Vietnamplus.vn và VOH Online