Chính sách mới về Hải quan được ban hành từ tháng 11 năm 2022 đến tháng 11 năm 2023
- 20/12/2023
Hậu quả của đại dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đứng trước những khó khăn đó, với tinh thần trách nhiệm cao, các doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chủ động xây dựng và vận hành phương án sản xuất kinh doanh để thích nghi và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu, chấp hành tốt pháp luật hải quan.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, ngành Hải quan tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tổng cục Hải quan đã tham mưu, có ý kiến tham gia trình Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền ban hành các Luật, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính để hoàn thiện thể chế về hải quan. Dưới đây là một số chính sách mới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ tháng 11 năm 2022 đến nay:
1.Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg ngày 31/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu.
Để thực hiện các cam kết quốc tế về thực hiện Danh mục Biểu thuế hải hòa ASEAN (Danh mục AHTN) 2022, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản hài Anh Anh và thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định Số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 để thay thế 05 Nghị định: Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và 04 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này (Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 và Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022). Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg ngày 31/5/2023 quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hoá nhập khẩu.
Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ và Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg ngày 31/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung 03 nhóm nội dung chính bao gồm:
(1) Chuyển đổi Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi; Danh mục hàng hóa và mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan để đảm bảo phù hợp với Danh mục AHTN 2022;
(2) Rà soát, hợp nhất các quy định liên quan đến Biểu thuế thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung từ năm 2016 đến nay để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan hải quan trong tổ chức thực hiện;
(3) Điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu MFN của một số mặt hàng để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện và xử lý kiến nghị của các Bộ, ngành, Hiệp hội, tổ chức quốc tế cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 3173/TCHQ-TXNK ngày 21/6/2023 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ và Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg ngày 31/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
2.Về các Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt
Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 03 Hiệp định thương mại song phương (PTA) với mức bao phủ hơn 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam gồm có: ASEAN; ASEAN – Trung Quốc; ASEAN – Hàn Quốc; ASEAN – Nhật Bản; ASEAN – Ấn Độ; ASEAN – Úc – Niu-Di-lân, ASEAN – Hồng Kông Trung Quốc; Việt Nam – Nhật Bản; Việt Nam – Hàn Quốc; Việt Nam – Chi Lê; Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu; Việt Nam – Liên minh Châu Âu; Việt Nam – Anh; CPTPP; RCEP; Việt Nam – Lào; Việt Nam – Cuba.
Chính phủ đã ký ban hành 17 Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 30/12/2022, để thực hiện các FTA/PTA giai đoạn 2022-2027 để thay thế các Nghị định cho giai đoạn 2018-2022, theo đó đảm bảo thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan, phù hợp với cam kết quốc tế.
Ngày 07/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2023/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương giai đoạn 2022-2027, có hiệu lực thực hiện từ ngày 07/9/2023. Theo đó, Nghị định số 68/2023/NĐ-CP đã bổ sung Ma-lay-xi-a, Cộng hòa Chi Lê, Bru-nây Đa-rút-xa-lam để áp dụng thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định CPTPP giai đoạn 2022-2027.
Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 315/TCHQ-TXNK ngày 18/01/2023 hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, doanh nghiệp thực hiện các Nghị định biểu thuế và Công văn số 5021/TCHQ-TXNK ngày 27/09/2023 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2023/NĐ-CP ngày 07/09/2023.
3.Thông tư số 33/2023/TT-BTC ngày 31/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Ngày 31/5/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Theo đó:
1.Về áp dụng bảo lãnh thuế đối với các trường hợp chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và xác minh xuất xứ hàng hóa.
Thực tế hiện nay, đối với các trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì doanh nghiệp phải tính thuế theo mức thuế suất MFN (đối với trường hợp áp dụng ưu đãi thuế quan) hoặc mức thuế suất phòng vệ thương mại cao nhất (đối với hàng hóa thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng) để được thông quan hàng hoá và phải khai sửa đổi, bổ sung sau khi có chứng từ chứng nhận xuất xứ và thực hiện các thủ tục hoàn thuế. Điều này cũng làm chậm quay vòng vốn của doanh nghiệp, lãng phí nguồn nhân lực của cả cơ quan quản lý (hải quan, thuế) và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục khai bổ sung, hoàn thuế.
Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ hoàn thuế, tại Điều 12 Thông tư đã bổ sung hướng dẫn về việc cho phép áp dụng bảo lãnh thuế trong các trường hợp, cụ thể:
(i) Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xử tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt:
“b.1) Hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (sau đây gọi tắt là thuế suất MFN) hoặc thuế suất thông thường và được thông quan theo quy định. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế chênh lệch thì được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt và thông quan theo quy định.”
(ii) Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại:
“b.1) Hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng mức thuế theo các biện pháp phòng vệ thương mại do Bộ Công Thương quy định. Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp thì được áp dụng mức thuế suất theo khai bảo của người khai hải quan và hàng hoá được thông quan theo quy định.
b.2) Người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại…”
(iii) Trường hợp phải tiến hành xác minh tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc biện pháp phòng vệ thương mại:
“7. Trong thời gian chờ kết quả xác minh, người khai hải quan xử lý, tính thuế theo quy định tại điểm b.1 khoản 1 và điểm b.1 khoản 3 Điều 12 Thông tư này.”
2.Bỏ điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung và hàng hoá phải được xác định chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến trong một số trường hợp đặc biệt
Do thời gian quy định việc kiểm tra sau thông quan là 05 năm nên đa số các trường hợp phát sinh thay đổi về thuế nhập khẩu được phát hiện trong khâu sau thông quan thì chứng từ chứng nhận xuất xứ đều đã hết hiệu lực (12 tháng kể từ ngày cấp). Theo đó, việc ràng buộc điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung dẫn đến các doanh nghiệp không thể đáp ứng quy định mặc dù hàng hóa nhập khẩu đều thỏa mãn quy định về xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu, đủ điều kiện được áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt.
Ngoài ra, qua theo dõi thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhiều trường hợp nguyên liệu sau khi sản xuất, cấu thành lên sản phẩm nhưng do không tìm được thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải chuyển tiêu thụ trong nước nếu căn cứ theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi do nguyên liệu đã đưa vào sản xuất và không còn nguyên trạng so với ban đầu.
Do vậy, để tạo thuận lợi thương mại và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tại Điều 13 Thông tư không quy định điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung và điều kiện hàng hóa phải được xác định chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến (đảm bảo tính nguyên trạng về xuất xứ) trong một số trường hợp đặc biệt.
3.Quy định về khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu
Về cơ bản, Thông tư giữ nguyên các nội dung quy định kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu như quy định tại Chương III Thông tư số 38/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính (các Điều từ 8-12). Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi cho các bên liên quan khi nghiên cứu thực hiện, trên cơ sở các nội dung hướng dẫn tại Phụ lục mẫu tờ khai hải quan ban hành kèm Thông tư số 39/2018/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC), Thông tư đã bổ sung 01 Điều hướng dẫn cụ thể về khai, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá xuất khẩu (Điều 5). Quy định này đã giải quyết được các vướng mắc về nhãn hàng hóa.
Đồng thời, để phù hợp với quy trình kiểm tra sau thông quan, hướng dẫn rõ cách thức kiểm tra, xử lý khi phát hiện sai phạm, từ Điều 6 đến Điều 9 Thông tư đã quy định cụ thể về thủ tục kiểm tra xác minh hàng xuất khẩu.
4.Về hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu
Tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi, bổ sung có quy định về hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá, nhưng chủ yếu quy định để áp dụng đối với các trường hợp hàng hoá nhập khẩu theo các Hiệp định Thương mại tự do để hưởng ưu đãi thuế quan, như: tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2015/TT-BTC gồm: a. 1) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (sau đây gọi là C/O): 01 bản chính mang dòng chữ “ORIGINAL”, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác, hoặc: a.2) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ: 01 bản chính, hoặc nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ như quy định tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC và Thông tư số 07/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Đối với các trường hợp khác tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT- BTC (hàng hóa thuộc diện quản lý về xuất xứ, không liên quan đến chính sách thuế) chỉ quy định nộp 01 bản chính C/O (không quy định C/O ưu đãi hay không ưu đãi) và không quy định được nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ.
Do vậy, để phù hợp với thực tiễn thương mại và các cam kết quốc tế trong các FTA mới, khoản 4 Điều 10 Thông tư 33/2023/TT-BTC có quy định: đối với các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ như Hiệp định CPTPP, EVFTA, ATIGA thì ngoài C/O, người khai hải quan có thể nộp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa thuộc diện quản lý xuất xứ.
5.Về khai chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu
Việc khai số tham chiếu, ngày cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu hiện đang được hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Điều 5 Thông tư số 38/2018/TT-BTC. Tuy nhiên, để phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới về thông tin doanh nghiệp có thể khai báo và thống nhất, thuận tiện cho các bên liên quan nghiên cứu thực hiện, Điều 11 Thông tư số 33/2023/TT-BTC có quy định các tiêu chí trên tờ khai hải quan mà người khai hải quan cần phải khai rõ thông tin, cụ thể:
– Khai số tham chiếu và ngày cấp của C/O hoặc mã nhà xuất khẩu đủ điều kiện cấp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã REX theo Hiệp định EVFTA, mã EORI theo Hiệp định UKVFTA, mã CE theo Hiệp định ATIGA hoặc RCEP);
– Trường hợp Hiệp định không quy định số tham chiếu và/hoặc không có mã nhà xuất khẩu đủ điều kiện cấp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, người khai hải quan khai tên chứng từ, số chứng từ, ngày cấp và tên tổ chức hoặc tên nhà xuất khẩu cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa kèm tên Hiệp định thương mại tự do áp dụng.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi thương mại, Thông tư đã bỏ quy định về việc khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan trong trường hợp người khai hải quan chưa có chứng từ này để nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Theo đó, khi có chứng từ chứng nhận xuất xứ để nộp bổ sung, người khai hải quan sẽ khai báo trên tờ khai bổ sung sau thông quan để được xem xét xử lý số thuế thừa mà không cần khai báo chậm nộp trên tờ khai ban đầu.
6.Về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
(i) Về thời hạn chậm nộp:
Thông tư số 38/2018/TT-BTC và các Thông tư sửa đổi, bổ sung có quy định thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ mẫu EAV nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan; mẫu VK (KV) nộp trong thời hạn 01 năm, mẫu EVFTA, UKVFTA, thời hạn nộp bổ sung là trong 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai …, các trường hợp khác (không áp dụng thuế suất ưu đãi thuế quan) thì phải nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan và không được chậm nộp. Điều này không phù hợp với trường hợp mặt hàng nhập khẩu của doanh nghiệp đang ở thời điểm áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của Bộ Công Thương nhưng doanh nghiệp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ và chấp nhận nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất để được thông quan hàng hoá.
Do vậy, để giải quyết vướng mắc nêu trên, trên cơ sở quá trình triển khai Thông tư số 47/2020/TT-BTC hướng dẫn cho phép nộp trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ (01 năm kể từ ngày cấp) để tạo thuận lợi trong giai đoạn Covid-19 vì những biện pháp giãn cách, phong tỏa xã hội, Điều 12 Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định thời điểm được phép chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cụ thể như sau:
– Đối với hàng hoá áp dụng ưu đãi thuế quan: thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ là trong thời gian hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ (01 năm kể từ ngày cấp) và trường hợp Hiệp định Thương mại tự do cam kết dài hơn thì thực hiện theo cam kết quốc tế (Hiệp định EVFTA, UKVFTA).
– Đối với hàng hoá nhập khẩu tuân thủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc hàng hoá có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường: Phải nộp ngay tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu.
– Đối với hàng hóa thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại: Được chậm nộp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
(ii) Về phương thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ:
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định chứng từ chứng nhận xuất xứ phải được nộp dưới dạng bản chính mang dòng chữ “ORIGINAL” hoặc bản chính. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, do giãn cách xã hội hoặc nằm trong các khu vực cách ly, phong tỏa, người khai hải quan không có bản chính (bản gốc) hoặc đã nhận được bản chính nhưng không thể đến nộp cho cơ quan hải quan; để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC hướng dẫn thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Theo đó, cho phép người khai hải quan được nộp: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sử dụng chữ ký và con dấu điện tử hoặc Bản chụp/bản scan C/O đối với trường hợp áp dụng ưu đãi thuế, đối với các trường hợp khác, cơ quan hải quan chấp nhận bàn chụp/bản scan C/O để thông quan hàng hóa và người khai hải quan phải nộp lại 01 bản chính C/O trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.
Do vậy, kế thừa những nội dung ưu việt của các quy định nêu trên, để cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tiến tới hải quan phi giấy tờ, Thông tư số 33/2023/TT-BTC không quy định người khai hải quan phải nộp bản giấy cho cơ quan mà chỉ cần scan gửi qua hệ thống cho cơ quan hải quan và đối với văn bản thông báo xác định trước, người khai hải quan không phải nộp bản chính mà công chức hải quan sẽ kiểm tra trên hệ thống.
7.Về từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá
Thông tư số 33/2023/TT-BTC không quy định bắt buộc phải khai nợ/chậm trên tờ khai mà người khai hải quan có thể nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn quy định, cụ thể là trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ (01 năm) và riêng mẫu EVFTA, UKVFTA là 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Do bãi bỏ quy định về việc phải khai báo chậm nộp cho các trường hợp nộp sau thông quan, Thông tư số 33/2023/TT-BTC cũng bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 62/2019/TT-BTC về việc cơ quan từ chối tiếp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ nộp bổ sung trong trường hợp người khai hải quan không khai báo nợ trên tờ khai nhập khẩu.
Nội dung hướng dẫn khác về việc từ chối tiếp nhận nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC được giữ nguyên và bố sung thêm trường hợp từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ nếu hàng hóa nhập khẩu được cơ quan cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ của nước xuất khẩu thông báo về việc hủy chứng từ chứng nhận xuất xứ hoặc không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của nước xuất khẩu.
8.Về kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ
Về cơ bản các nội dung kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ tại Thông tư số 33/2023/TT-BTC đều kế thừa các quy định trước đây và có bổ sung một số nội dung tại Điều 15 như sau:
– Hướng dẫn cụ thể cách thức kiểm tra đối với các loại chứng từ chứng nhận xuất xứ: C/O ưu đãi; chứng từ tự chứng nhận xuất xứ; C/O không ưu đãi; văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ.
– Hướng dẫn xử lý từ chối chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với mẫu CPTPP.
– Bổ sung nội dung kiểm tra văn bản thông báo kết quả xác định trước xuất xứ.
9.Xử lý trong trường hợp có sự khác biệt mã số
Trên cơ sở phản ánh của Cục Hải quan địa phương đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn để có cơ sở thực hiện thống nhất, Điều 16 Thông tư số 33/2023/TT-BTC đã hướng dẫn chi tiết về cách thức xử lý trong từng trường hợp khác biệt mã số theo từng tiêu chí xuất xứ cụ thể.
10.Trừ lùi chứng từ chứng nhận xuất xứ
Điều 23 Thông tư số 38/2018 / TT-BTC quy định về trừ lùi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với trường hợp một lô hàng đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa nhiều lần, trường hợp lô hàng đăng ký tờ khai một lần, nhập khẩu nhiều lần, nhưng chưa có hướng dẫn đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa giống hệt, cùng hợp đồng mua bản nhưng nhập khẩu làm nhiều lần khác nhau.
Do vậy, để phù hợp với thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, tại Điều 22 Thông tư số 33/2023 / TT-BTC đã bổ sung quy định cho phép áp dụng trừ lùi chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với các trường hợp chuyển quyền sở hữu hàng hóa trong kho ngoại quan trước khi nhập khẩu vào nội địa hay các trường hợp mua bán cùng hợp đồng tổng và nhập khẩu nhiều lần vào Việt Nam.
Nguồn: Bộ Tài chính – Tổng hợp: Trung tâm Thông tin, VCCI-HCM