[vccitranslate]

FDI 2017: Nhật vượt Hàn và đột biến Trung Quốc!

Khép lại năm 2017, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết vào Việt Nam đạt 35,88 tỉ đô la Mỹ với số vốn giải ngân 17,5 tỉ đô la, có mức tăng tương ứng là 44,4% và 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bức tranh FDI 2017 đáng lưu ý là câu chuyện của các nhà đầu tư Nhật, Hàn và Trung Quốc.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với kết quả trên, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đáng chú ý, nguồn vốn này cam kết vào Việt Nam tăng đều cả về đầu tư mới, mở rộng đầu tư cũng như góp vốn mua cổ phần.

Cụ thể tính từ đầu năm 2017 đến ngày 20-12 rồi, cả nước có hơn 2.590 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,27 tỉ đô la (tăng 42,3%); có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỉ đô la (tăng 49,2%); và có hơn 5.000 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỉ đô la (tăng 45,1%).

Anh đào “qua mặt” kim chi

Đáng chú ý, dù trong năm qua có đến 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, nhưng theo cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, đóng góp nhiều nhất vẫn xoay quanh các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Doanh nghiệp của hai quốc gia này rót đến gần 60% tổng nguồn vốn ngoại vào Việt Nam. Cụ thể Nhật Bản dẫn đầu với 9,11 tỉ đô la (chiếm 25,4%), và Hàn Quốc đứng thứ hai với 8,49 tỉ đô la (chiếm 23,7%). Đây cũng là lần “vượt mặt” ngoạn mục về vốn cam kết của nhà đầu tư xứ hoa anh đào sau nhiều năm doanh nghiệp xứ kim chi liên tục dẫn đầu về vốn cam kết vào Việt Nam. Tuy nhiên, sự “vượt mặt” này của nhà đầu tư Nhật được giới quan sát nhìn nhận chỉ mang tính tức thời, bởi trong năm qua nguồn vốn đầu tư của Nhật tăng đột biến vào Việt Nam chủ yếu thông qua hai dự án nhiệt điện BOT ở Thanh Hóa và Khánh Hòa được cấp phép, đóng góp đến 5,37 tỉ đô la tổng vốn đầu tư của nước này.

Trên thực tế, đầu tư của xứ mặt trời mọc không ngừng gia tăng vào Việt Nam khi doanh nghiệp nước này luôn đánh giá Việt Nam là một trong những cứ điểm quan trọng để rót vốn và dịch chuyển đầu tư. Mặc dù các nhà đầu tư Nhật Bản đã dịch chuyển mạnh vào ngành tài chính, ngân hàng, bán lẻ, dịch vụ, ăn uống, công nghiệp hỗ trợ trong những năm gần đây nhưng do số vốn của mỗi dự án đầu tư không nhiều bằng lĩnh vực sản xuất, lắp ráp của các tập đoàn lớn đã vào Việt Nam trước đây nên thống kê cho thấy tổng vốn cam kết không cao.

Trong khi đó những năm gần đây Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, bất động sản với các dự án lớn của Samsung, LG, Doosan, CJ, Lotte,… đã kéo theo hàng loạt công ty Hàn Quốc nhỏ và vừa khác làm vệ tinh đến Việt Nam đầu tư.

Sự cam kết và gia tăng đầu tư vào Việt Nam của hai quốc gia Đông Á này trong những năm qua đã tạo nên một cuộc “rượt đuổi” thứ hạng nhất nhì về nguồn vốn cam kết. Bên cạnh đó, Singapore cũng duy trì ổn định nằm trong tốp cao của những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam với vị trí thứ ba. Đảo quốc sư tử này đã cam kết đầu tư 5,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 14,8%. Như vậy, chỉ riêng ba quốc gia Nhật, Hàn và Singapore đã chiếm hơn 70% tổng nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.

Về lĩnh vực đầu tư, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo năm qua đột ngột rơi xuống còn 44,2% tổng vốn cam kết (đạt 15,87 tỉ đô la) so với mức bình quân là trên dưới 70% của những năm trước đó, do bị chia sẻ của ba dự án năng lượng lên đến 8,3 tỉ đô la. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá khả năng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ tăng trở lại bởi các dự án đầu tư năng lượng không nhiều và cần có thời gian dài để thẩm định trước khi cấp phép. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong năm qua tiếp tục duy trì ở thứ hạng cao đạt 3,05 tỉ đô la, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký. Giới phân tích nhận định khả năng nguồn vốn vào lĩnh vực bất động sản sẽ còn tăng bởi thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng và suất lợi nhuận cao hơn các thị trường khác…

Đột biến nguồn vốn Trung Quốc

Đáng lưu ý trong năm qua là sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn vốn đầu tư cam kết từ thị trường Trung Quốc.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy nguồn vốn cam kết của nước láng giềng này đứng vị trí thứ tư. Cụ thể trong năm 2017, quốc gia này cam kết gần 2,17 tỉ đô la thông qua 284 dự án đầu tư mới (vốn 1,4 tỉ đô la); 83 dự án tăng vốn (271 triệu đô la) và 817 lượt góp vốn, mua cổ phần (hơn 487 triệu đô la). Trong nhiều năm qua, Trung Quốc rất hiếm khi nằm trong tốp năm nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo cơ quan xúc tiến đầu tư, nếu tính về đầu tư mới thì Trung Quốc còn vượt cả Singapore đến gần 100 dự án được cấp phép. Đáng chú ý Trung Quốc còn vượt đến 360 lượt góp vốn, mua cổ phần so với nhà đầu tư Nhật Bản ở hình thức này trong năm 2017.

Tại buổi giới thiệu thu hút đầu tư vốn Trung Quốc vào Việt Nam diễn ra ở TP. HCM vào tháng 12 rồi, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP. HCM, ông Chen De Hai, cũng cho biết từ năm 2016 đến nay đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, có các dự án lớn từ vài trăm triệu đô đến hơn 2 tỉ đô la Mỹ, như dự án đầu tư về nhiệt điện, điện gió, hàng dệt và may mặc, lốp, pin…

Việc vốn Trung Quốc tăng mạnh và nhanh vào Việt Nam trong thời gian qua đã làm dấy lên không ít ý kiến quan ngại, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện chiến lược “Made in China 2025” nhằm thay thế công nghiệp giá rẻ, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường bằng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Do đó những công nghệ thải loại của Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển sang các nước khác mà theo giới phân tích Việt Nam có thể nằm trong số đó. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi hay da giày vốn nằm trong lộ trình điều chỉnh chính sách ngành của Trung Quốc. Các ngành thâm dụng lao động, có tác động tiêu cực đến môi trường và các ngành dễ mất sức cạnh tranh khi chi phí lao động tăng cao đều được khuyến khích đầu tư ra bên ngoài. Trên thực tế Trung Quốc đang có những chính sách cắt giảm, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than; sản xuất đồ gỗ nội thất, sắt thép…

Hoạt động đầu tư sang Việt Nam của các công ty Trung Quốc có thể nhằm tận dụng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ hay châu Âu vì Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với khu vực này. Ví dụ ở lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, sản phẩm gỗ của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá rất cao khi xuất khẩu sang Mỹ mà theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM, họ sang Việt Nam để tránh bị áp thuế này cũng như nhằm được hưởng lợi từ việc miễn thuế khi EVFTA có hiệu lực.

Mới đây, Ngân hàng Bank of China chi nhánh TP. HCM và Công ty TNHH Thông tin Chứng khoán Shenzhen, thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Shenzhen (Shen Zhen Stock Exchange) đã ký một thỏa thuận về hợp tác nhằm xúc tiến thu hút đầu tư vốn Trung Quốc vào Việt Nam. Trước làn sóng đầu tư này thiết nghĩ cơ quan chức năng và các địa phương cần phải cân nhắc kỹ khi xét duyệt dự án, giám sát cẩn thận việc chuyển giao công nghệ đối với những dự án đã ký để không phải trở thành bãi rác tiếp nhận công nghệ thải loại của nước này.

Và cơ hội vàng

Việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017 được cho là “cơ hội vàng” để Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có thu hút đầu tư.

Theo các chuyên gia, sự kiện này sẽ mở ra triển vọng mới về sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vì APEC 2006 cũng từng được đánh giá đã mang lại “cơ hội vàng” trong việc thu hút vốn FDI, trong đó có nhiều dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, qua 30 năm thu hút FDI với tổng vốn đạt gần 319 tỉ đô la, giới phân tích cho rằng Việt Nam cần giảm thu hút các dự án thâm dụng lao động, không nên dựa vào nhân công giá rẻ và ưu đãi để thu hút đầu tư… Việt Nam cần vốn nhưng quan trọng hơn, là cần công nghệ cao, hiện đại để tái cơ cấu nền kinh tế phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn nước ngoài của thế giới và trong khu vực, Việt Nam cần đổi mới tư duy để khai thác hiệu quả nguồn vốn này.

Theo Thesaigontimes.vn

  • Sự kiện
  • Đào tạo