Các doanh nghiệp, hiệp hội phía Nam tích cực đóng góp cho Nghị định Hướng dẫn Luật Đấu Thầu
- 02/11/2023
Sáng ngày 02.11 tại TP.HCM, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu”. Đây là hội thảo tham vấn ý kiến cuối cùng trước khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp phía Nam.
Luật Đấu thầu 2023 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn
Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định, Luật Đấu thầu 2023 đã có nhiều thay đổi quan trọng so với văn bản luật năm 2013; trong đó, dành riêng một chương quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, Luật Đấu thầu 2023 có nhiều quy định cải cách, đơn giản hoá quy trình thủ tục đấu thầu, tăng tính chủ động của bên mời thầu và đẩy mạnh đấu thầu qua mạng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng các đại biểu sẽ đóng góp ý kiến tích cực về các điều khoản trong Nghị định để khi Nghị định được ban hành thì sẽ đi vào cuộc sống và giải quyết được những vướng mắc trong công tác đấu thầu.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), bà Đỗ Thúy Vân tin tưởng rằng: Những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp hôm nay rất là cần thiết để cơ quan soạn thảo xem xét, hoàn thiện Nghị định. Nghị định khi chính thức ban hành cùng với Luật Đấu thầu 2023 sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ, hiệu quả, minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho hệ thống mua sắm, đấu thầu.
Bà Đỗ Thúy Vân, Đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP)
Những điểm mới trong Dự thảo Nghị định
Ông Hoàng Cương, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu một số điểm mới của dự thảo nghị định; trong đó, nổi bật là những nội dung như: quản lý chất lượng nhà thầu, chất lượng hàng hóa dịch vụ; công khai thông tin để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong đấu thầu; những tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu để từ đó tăng trách nhiệm nhà thầu cũng như chất lượng thực hiện các dự án…
Quan trọng nhất là nội dung tối đa hóa các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được thực hiện đấu thầu một cửa, tất cả sẽ được thực hiện qua mạng từ phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả, ký hợp đồng điện tử, thanh toán hợp đồng, đánh giá uy tín, đánh giá kết quả thực hiện hay giám sát đấu thầu trên hệ thống…
Ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong lựa chọn nhà thầu, dự thảo bổ sung các quy định về ưu đãi như đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, với nhà sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên cơ sở sáng chế hoặc kết hợp một phần chuyển giao công nghệ, ưu đãi đối với đấu thầu trong nước, với những sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, năng lượng và tương đương…
Nhiều nội dung khác cũng được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến như quy trình lựa chọn nhà thầu là tư vấn cá nhân; quy định về mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; quy định về hợp đồng; quy định về xử lý vi phạm, xử lý tình huống trong đấu thầu; tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp đối với gói thầu xây lắp, hàng hóa…
11 ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị định tại hội thảo
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế TP.HCM trình bày kiến nghị với 11 điểm nội dung, thuộc 8 điều trong Dự thảo Nghị định. Một số kiến nghị nổi bật như: bỏ nội dung “Sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới đã được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng độc quyền sở hữu trí tuệ” vì đã độc quyền thì không có người dự thầu, tăng chi phí tối đa đối với chi phí lập, thẩm định hồ sơ tại điều 12.3.
Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế TP.HCM
Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, bà Trần Ngọc Ánh trình bày 10 kiến nghị liên quan đến 8 điều trong Dự thảo Nghị định. Một số kiến nghị như: Việc đánh giá chất lượng nhà thầu cung cấp thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, … cần có các tiêu chí đánh giá cụ thể, đặc thù phù hợp với thực tiễn của ngành y tế. Về thông tin uy tín của Nhà sản xuất, bà Ánh kiến nghị chỉ đánh giá uy tín của nhà thầu, chất lượng của hàng hóa, không đánh giá uy tín của nhà sản xuất.
Đã có 11 đại diện các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp phát biểu và đưa ra các kiến nghị đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Các ý kiến đóng góp trình bày đều được đại diện của Cơ quan soạn thảo – Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phản hồi ngay tại hội thảo.
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động lấy ý kiến đóng góp và xây dựng văn bản, chính sách pháp luật của VCCI, thực hiện chức năng đại diện cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, nói lên tiếng nói và làm cầu nối giữa doanh nghiệp với chính phủ, góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển sản xuất – kinh doanh.
Trung tâm Thông tin, VCCI-HCM biên tập