Đối tác công – tư tạo sức bật cho kinh tế tư nhân
- 12/03/2019
Dù rằng được đánh giá là chủ thể của nền kinh tế, nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa phát triển bứt phá do nhiều nguyên nhân. Giải bài toán này, các giải pháp vi mô, vĩ mô được đưa ra. Song để khu vực này thực sự đóng vai trò động lực quan trọng, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, hợp tác công – tư là vấn đề chúng ta nên thúc đẩy, đặc biệt trong bối cảnh một đất nước đang đổi mới và hội nhập như Việt Nam.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI
Cơ sở nào để khẳng định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, thưa ông?
Từ chỗ bị kìm hãm, không cho phát triển, đến nay, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và được xác định là một động lực của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm một lực lượng đông đảo, với khoảng 700 ngàn doanh nghiệp (con số Tổng cục Thuế đưa ra) và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh.
Thời gian qua, nền kinh tế có nhiều biến động, nhưng khu vực tư nhân vẫn trụ vững. Khu vực kinh tế này hiện đóng góp hơn 40% GDP – con số này cao hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước, và cao hơn cả doanh nghiệp FDI; đóng góp khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp; gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; khoảng 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển…
Mặt khác, kinh tế tư nhân còn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong đầu tư phát triển toàn xã hội. Kinh tế tư nhân có xu hướng vượt khu vực kinh tế nhà nước để trở thành thành phần kinh tế thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội lớn nhất. Vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực kinh tế tư nhân tăng đều đặn xấp xỉ 10%/năm.
Đây cũng chính là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho xã hội. Khu vực kinh tế này thu hút trên 51% lực lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm…
Phát triển kinh tế tư nhân góp phần giải quyết một trong những thách thức lớn của Việt Nam là tình trạng dư thừa lao động do quá trình tư nhân hóa và di cư của người lao động từ các vùng nông thôn ra thành thị.
Tuy nhiên, đã nhiều lần nói trước báo giới, ông cho rằng, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn còn nhỏ, điều này khiến nền kinh tế chưa có sức bật?
Đúng vậy. Theo Luật Doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân bao gồm 2 bộ phận là khu vực doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh. Nhưng doanh nghiệp tư nhân hiện mới chiếm khoảng 7-8% GDP, còn trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đóng góp tới 30% GDP cho cả nước; tuy nhiên, những đối tượng này lại “nằm ngoài” Luật Doanh nghiệp. Như vậy, lực lượng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam quá nhỏ.
Tôi cho rằng, cách tính của chúng ta chưa tiệm cận với thế giới. Trên thế giới, các nước đều tính khu vực tư nhân bao gồm cả đầu tư nước ngoài. Còn với Việt Nam, nếu tính cả 20% GDP từ khu vực FDI thì khu vực tư nhân Việt Nam đã lên tới 60%.
Vì vậy, theo tôi, cần tính lại khu vực tư nhân và chú ý tới chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước, bởi khu vực này mới đảm bảo phát triển bền vững, cân bằng, tự chủ cho nền kinh tế.
Đặc biệt, để có một đội ngũ doanh nghiệp tư nhân đông đảo, tôi tha thiết đề nghị, lần này sửa đổi Luật doanh nghiệp phải chính thức hoá, ghi nhận, coi ít nhất các hộ kinh doanh có đăng ký (1,6 triệu hộ) là một loại hình doanh nghiệp. Sửa đổi luật theo hướng làm cho môi trường kinh doanh minh bạch hơn, khuyến khích họ chứ đừng đè thêm gánh nặng cho khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời, kéo “sàn” của doanh nghiệp xuống hộ kinh doanh.
Chúng ta không bắt họ chuyển thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp bây giờ, mà bổ sung vào Luật doanh nghiệp một đối tượng điều chỉnh mới là “hộ kinh doanh có đăng ký” và họ được coi là doanh nghiệp. Điều này, đảm bảo sự bình đẳng của hộ kinh doanh với bộ phận 7-8% doanh nghiệp kia. Bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, về địa vị pháp lý, bình đẳng để họ được bảo vệ và phát triển tốt hơn chứ không phải thêm các “tròng” quản lý vào cổ.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế vai trò động lực của kinh tế tư nhân?
Tôi cho rằng, thủ tục hành chính là một trở ngại lớn: chế độ kế toán, chính sách thuế, thanh, kiểm tra nhiều, vì thế, hầu hết các hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp. Chúng ta đã nỗ lực cải cách, nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn xếp hạng 68 trên thế giới – mức trung bình trong các nền kinh tế được xếp hạng.
Chúng ta đặt mục tiêu nằm trong top ASEAN 4 nhưng chênh lệch thứ hạng của Việt Nam với nền kinh tế đứng thứ 4 trong ASEAN còn khoảng 20 bậc – khoảng cách chênh lệch quá lớn so với nền kinh tế có chất lượng thể chế hàng đầu.
Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn có lợi thế cạnh tranh đó là chi phí lao động, chi phí tài nguyên còn tương đối rẻ, thị trường trong nước lớn… nhưng những lợi thế này sẽ đến ngưỡng hạn chế trong tầm nhìn dài hạn, khi đó lợi thế chi phí của nền kinh tế không còn. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực đang là vấn đề. Hệ thống giáo dục chuyển động quá chậm. Muốn thu hút làn sóng đầu tư FDI có chất lượng cao đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao…
Nếu muốn đạt yêu cầu của Chính phủ, muốn đất nước công nghiệp hoá theo đúng lộ trình đề ra, tất cả đều cần có sự bứt phá về thể chế. Với chất lượng thể chế trung bình, chúng ta không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, đặc biệt thời đại kỷ nguyên số, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân liệu có bị “lung lay” khi mà nhiều đánh giá cho rằng, khu vực này còn nhiều hạn chế, thưa ông?
Chưa bao giờ chúng ta đứng trước vận hội mạnh mẽ như bây giờ. Mô hình phát triển sắp tới của Việt Nam sẽ là mô hình nền kinh tế sáng tạo, bao trùm và bền vững; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ sẽ là động lực.
Xương sống của mọi nền kinh tế vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa dù ở Mỹ, Nhật hay EU cũng vậy. Và doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp của nhân dân. Phát triển được kinh tế tư nhân là phát huy được không chỉ nguồn lực về tiền bạc mà là nguồn lực trí tuệ của toàn dân. Trí tuệ của nhân dân là vô tận. Đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số, tài nguyên chủ yếu là trí tuệ. Trí tuệ thuộc về sở hữu của từng người chứ không phải sở hữu công.
Trước đây, thương mại thế giới bị thống trị bởi các tập đoàn đa quốc gia. Còn giờ đây, với công nghệ số, thương mại điện tử, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí siêu nhỏ có thể tham gia vào thị trường thế giới, có thể tiếp cận kho kiến thức mênh mông của nhân loại. Như vậy, khi đó sức mạnh của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ càng được nhân lên.
Với sự tiếp sức của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và thương mại điện tử, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là khu vực có sự cạnh tranh lớn nhất, sáng tạo lớn nhất vì nó huy động được toàn bộ nguồn lực cho xã hội và cho phát triển. Khi hình thành chuỗi giá trị, các nhà cung ứng trong chuỗi chính là các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nói “người khổng lồ ẩn danh” chính là nói tới khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức mạnh vô cùng lớn, năng lực cạnh tranh cao, sự bền bỉ mạnh. Khu vực doanh nghiệp này có thể len lỏi, luồn lách và thích ứng với môi trường kinh doanh.
Mô hình hợp tác công – tư được coi là xu thế tất yếu, bên cạnh việc góp phần thúc đẩy đầu tư công minh bạch và hiệu quả hơn, nhưng lần đầu tiên ông nhấn mạnh, mô hình này tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân?
Hầu hết các lĩnh vực tư nhân có thể làm và nên để cho tư nhân làm miễn là Nhà nước có chính sách rõ ràng. Một loạt các dịch vụ công có thể chuyển giao cho tư nhân như các dịch vụ hành chính, cấp chứng nhận hành nghề… Đó là công thức để cho tư nhân tham gia vào các dịch vụ công, hàng hoá công.
Song theo tôi, ở mức cao hơn là đối tác công – tư. Đây đang là một kênh huy động nguồn lực không chỉ tài chính mà trí tuệ toàn dân tham gia vào công cuộc phát triển.
Trước đây, chúng ta dùng doanh nghiệp nhà nước, vốn ODA thúc đẩy các dự án, công trình quan trọng nhưng nguồn lực của Nhà nước có hạn, ODA khó tiếp cận mà cũng không hề rẻ nên chỉ có thể huy động nguồn vốn đầu tư từ nhân dân cùng Nhà nước làm.
Nhiều dự án công – tư đã triển khai rất hiệu quả ở Hà Nội, Quảng Ninh, tư nhân làm trụ sở cho cơ quan công quyền, trụ sở Tỉnh ủy cho Nhà nước thuê. Tôi cho rằng, cái gì tư nhân làm được nên để tư nhân làm. Tức là cần sự thay đổi nhận thức về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Trên thế giới công thức này đã rất thành công, nó không chỉ thành công trong phát triển cơ sở hạ tầng mà còn trong các ngành công nghiệp. Nhà nước rút khỏi kinh doanh là một chuyện, song Nhà nước hợp tác với tư nhân để xây dựng một số ngành công nghiệp quan trọng cũng là một giải pháp.
Chúng ta có thể nhìn thấy thực tế kinh nghiệm ở ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ trước kia. Khi ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ do tư nhân làm đứng trước nguy cơ sụp đổ bởi sự đe doạ từ thành tựu của ngành bán dẫn Nhật Bản.
Ngay lập tức, Chính phủ Mỹ đã dàn xếp cuộc “hôn nhân” giữa Bộ Quốc phòng Mỹ với các nhà doanh nghiệp làm bán dẫn. Chỉ sau một thời gian, nước Mỹ đã nâng cao được năng lực cạnh tranh và chiến thắng ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật.
Tôi cho rằng, đó là sự hợp sức giữa Nhà nước và tư nhân. Cho nên, bên cạnh quá trình tư nhân hoá để Nhà nước rút khỏi kinh doanh thì vẫn có quá trình Nhà nước cam kết cùng với khu vực tư nhân để xây dựng và phát triển một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Và với chúng ta, đối tác công – tư được mở rộng bao gồm Chính phủ Việt Nam – Chính phủ nước ngoài – doanh nghiệp tư nhân Việt Nam – doanh nghiệp nước ngoài, tức là 4 bên chứ không phải chỉ 2 bên. Để thành công đòi hỏi cần có mô hình đúng. Mô hình phải bắt đầu từ khuôn khổ pháp luật minh bạch, công khai, đảm bảo công bằng, lợi ích của các bên.
Theo Vũ Khuê/VnEconomy.