[vccitranslate]

Doanh nghiệp mở đường “thoát hiểm”: Tận dụng sức mua tại “sân nhà”

Lạm phát tăng cao, đơn hàng xuất khẩu tiếp đà giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải liên tục cân nhắc, có động thái điều chỉnh sản xuất, khai thác và tận dụng triệt để thị trường trong nước…

Ảnh mình họa

Theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán ACB (ACBS), chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) toàn cầu và nhiều khu vực như Asean, Eurozone, Mỹ, Úc đã giảm trong những tháng gần đây do lo ngại suy thoái và áp lực lạm phát. ACBS nhấn mạnh, điều quan trọng trong thời gian tới là phải theo dõi chặt chẽ lĩnh vực sản xuất vì tình hình kinh tế xấu đi ở một số thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam có thể dẫn đến số lượng đơn đặt hàng giảm khi mùa mua sắm cuối năm đã đến rất gần.

DỰ BÁO KHÓ KHĂN CÒN KÉO DÀI SANG NĂM 2023
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Da giày Liên Phát (Dĩ An, Bình Dương), cho biết quý 4 mọi năm là mùa cao điểm mua sắm, tiêu dùng nhưng năm nay đơn hàng của công ty đang sụt giảm mạnh. “Doanh nghiệp thiệt hại quá nhiều, chúng tôi đang lo mất Tết. Đáng lo hơn, tình trạng này của doanh nghiệp xuất khẩu da giày có thể kéo dài sang tháng 3/2023”, bà Liên nói.

Đối phó với tình hình khó khăn hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã cho công nhân nghỉ Tết sớm, có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Tùy mức độ ảnh hưởng khác nhau mà quy mô cắt giảm nhân sự hoặc cắt giảm công suất của mỗi công ty khác nhau.

Tình hình tại các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng không khá hơn. Ông Bùi Như Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt, cho biết đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm 30 – 40% so với thời kỳ trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và giảm chủ yếu ở thị trường Mỹ, EU. Tuy vậy, công ty vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để giữ chân người lao động. Ông Việt dự báo sức cầu của các thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam chưa thể cải thiện trong các tháng cuối năm và tình hình khó khăn sẽ kéo dài đến hết quý 1/2023.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, thông báo công ty vừa mới phục hồi được vài tháng thì lại rơi vào khó khăn, doanh số bán hàng của công ty hiện đã giảm 80%, các doanh nghiệp dệt may khác giảm trung bình từ 40 – 50%. Đến quý 4, rất ít doanh nghiệp nhận được đơn hàng cho năm 2023, trong khi những năm trước, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng cho quý 1, quý 2 năm sau. Nếu trước đây vào thời điểm này, Việt Thắng Jeans đã ký hợp đồng sản xuất đơn hàng theo quý, thì nay chỉ còn theo tháng. Dự báo khó khăn này có thể kéo dài sang năm 2023.

Tùy mức độ ảnh hưởng khác nhau mà quy mô cắt giảm nhân sự hoặc cắt giảm công suất của mỗi công ty khác nhau.

Đại diện một công ty cao su – nhựa tại TP.HCM cũng cho biết, mỗi tháng công ty này xuất khẩu 4 container sản phẩm cao su kỹ thuật sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Sản phẩm này được doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản sử dụng cho linh kiện máy lạnh, máy giặt và đồ điện gia dụng xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, do hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ khó khăn nên đơn hàng của đối tác đối với công ty cũng giảm gần một nửa so với trước. Đơn hàng xuất khẩu giảm, đơn hàng cung ứng nội địa cũng còn khoảng 80%.

Tại Hội nghị Kết nối giao thương quốc tế 2022 vừa diễn ra, các chuyên gia thông tin, một số các doanh nghiệp lớn trong nhiều ngành, trong đó có các doanh nghiệp FDI ngành dệt may, da giày, đang phải cắt giảm lao động nhưng vẫn nỗ lực giữ phúc lợi cho công nhân. Dự báo quý 1/2023 vẫn còn khó khăn nhưng đa số doanh nghiệp vẫn kỳ vọng những bất ổn trên thế giới cải thiện, kinh tế sớm phục hồi, tình hình đơn hàng sớm hồi phục…

Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam

  • Sự kiện
  • Đào tạo