Doanh nghiệp khó tiếp cận được gói tín dụng 16.000 tỉ đồng
- 18/06/2020
Dù đã được triển khai hơn một tháng nhưng chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được các điều kiện để nhận hỗ trợ từ gói tín dụng 16.000 tỉ đồng – gói hỗ trợ vay với lãi suất 0% tại ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc.
Thông tin trên được đề cập trong buổi họp báo công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM.
Theo đó, gói tín dụng nói trên hỗ trợ doanh nghiệp trả lương để giữ chân người lao động có trình độ, có tay nghề… nhằm đảm bảo nguồn lực để phục hồi hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh.
“Tuy nhiên, các điều kiện để được tiếp cận khoản vay này không dễ nên tới thời điểm hiện tại chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được,” ông Nguyễn Quốc Hùng – vụ trưởng Vụ Tín dụng các nền kinh tế phát biểu tại hội nghị.
Những điều kiện để doanh nghiệp được phê duyệt gói vay bao gồm số lượng lao động phải ngừng việc; doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động; doanh nghiệp gặp khó khăn trong nguồn tài chính, và quan trọng nhất là không có nợ xấu tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào tính tới tháng 12.2019.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng dành ra 16.000 tỉ đồng để thực hiện gói hỗ trợ, nhưng việc triển khai gói này và rà soát điều kiện đối với đối tượng được vay thuộc bộ Lao động – Thương binh – Xã hội.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã cùng với các bộ, ngành liên quan trao đổi và đề xuất sửa đổi những quy định liên quan tới điều kiện được cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng nói trên.
Ngân hàng Nhà nước cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu vay vốn mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp không cao, dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp.
Dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế như nông nghiệp, xuất khẩu hay các ngành công nghiệp phụ trợ đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu của người dân cũng chỉ tăng trưởng ở mức một con số, ông Hùng cho biết.
Để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã có hai lần giảm lãi suất điều hành trong 5 tháng đầu năm nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp, theo đó đưa mặt bằng lãi suất giảm so với đầu năm.
Tính đến hết ngày 8.6, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 250.000 khách hàng với dư nợ hơn 170.000 tỉ đồng. Hơn 225.000 khách hàng được cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-2,5% so với trước dịch. Khoảng 400.000 khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ hơn 1 triệu tỉ đồng.
Dù tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 15% con số mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm (14%), Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phát đi thông điệp gì về động thái hạ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi chuyển động của thị trường, đặc biệt là điều hành linh hoạt thông qua nghiệp vụ thị trường mở để điều tiết thanh khoản và sẵn sàng hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng.
Đại diện cơ quan đầu ngành ngân hàng cho biết sẽ theo sát diễn biến của dịch bệnh nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng của những tổ chức tín dụng, tập trung mục tiêu hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh hậu dịch bệnh.
Nguồn: Forbes Vietnam