Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã tuyên bố áp thuế nhập khẩu mới đối với nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm có thể chịu mức thuế cao nhất lên đến 46%. Dù còn đang trong quá trình đàm phán, động thái này đã gây lo ngại lớn cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam – vốn đang trên đà phục hồi sau giai đoạn suy giảm 2022–2023. Sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng cho thấy rõ những điểm yếu trong chiến lược thương mại, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đa dạng hóa thị trường và tăng khả năng ứng phó với biến động toàn cầu.
Cú sốc với thị trường “chủ lực”
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 đạt hơn 405 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với gần 120 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch. Nhưng mức độ phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường đang khiến xuất khẩu Việt Nam trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Không ít doanh nghiệp – đặc biệt trong nhóm vừa và nhỏ – rơi vào tình trạng bị động trước các biến động chính sách do thiếu thông tin cập nhật, thiếu cảnh báo sớm và thiếu cơ chế bảo vệ khi đối tác thay đổi điều kiện thương mại đột ngột.
Dệt may, thủy sản: Thành công có đi kèm rủi ro?
Hai ngành xuất khẩu chủ lực – dệt may và thủy sản – tiếp tục giữ vai trò xương sống trong cơ cấu thương mại:
• Dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng 11% so với 2023.
• Thủy sản xuất khẩu 9,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chính hai ngành này cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi thị trường xuất khẩu gặp biến động. Trước khi có biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp đã đối mặt với tình trạng chậm thanh toán, bị trì hoãn giao hàng, ép giá, đặc biệt khi không có thông tin đầy đủ về người mua.
Theo một báo cáo gần đây từ Atradius, một trong những nhà cung cấp bảo hiểm tín dụng thương mại hàng đầu thế giới, tình trạng nợ xấu trong giao dịch B2B tại Bắc Mỹ đang gia tăng đáng kể, với tỷ lệ trung bình chiếm khoảng 6% tổng doanh số bán hàng theo tín dụng.
Tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn trong thu hồi công nợ mà còn buộc phải trì hoãn thanh toán cho chính nhà cung cấp nhằm duy trì dòng tiền ngắn hạn. Có tới 35% doanh nghiệp trong khu vực – chủ yếu tại Mỹ – đã lựa chọn giải pháp này. Tuy nhiên, Atradius cảnh báo rằng việc chậm thanh toán có thể gây ra hiệu ứng domino trong chuỗi cung ứng, làm gia tăng nguy cơ đứt gãy tài chính và khiến thị trường đối mặt với những thách thức nghiêm trọng hơn về thanh khoản.
Thực tế là quá nhiều doanh nghiệp Việt “mất bò mới lo làm chuồng”. Khi có sẵn thị trường có nhu cầu thì cứ ồ ạt xuất khẩu và ít khi nghĩ về rủi ro. Trong tình hình bất ổn hiện nay, rủi ro trong xuất khẩu đặc biệt là rủi ro thanh toán tăng cao.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp “ngừng” xuất khẩu mà phải có những công cụ quản lý rủi ro hiệu quả để vẫn đảm bảo tăng trưởng, cạnh tranh và an toàn. Bảo hiểm tín dụng thương mại (hay còn gọi là bảo hiểm các khoản phải thu bán hàng) sẽ giúp doanh nghiệp Việt hiểu biết về người nhập khẩu hơn và được bảo vệ khi không may khách hàng của mình không thanh toán.
Từ “xuất khẩu bằng niềm tin” sang chủ động quản trị rủi ro thanh toán
Hiện nay, đa số doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn dựa vào mối quan hệ cá nhân, niềm tin và hợp đồng “mềm” trong xuất khẩu (Đơn đặt hàng online). Không ít trường hợp, chỉ khi rơi vào kiện tụng hoặc bị “xù” tiền mới bắt đầu tìm hiểu về quyền và nghĩa vụ thương mại quốc tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp toàn cầu đã có hệ sinh thái bảo vệ toàn diện: từ phân tích rủi ro quốc gia, chấm điểm tín dụng đối tác đến cơ chế thu hồi công nợ tại nước ngoài và chuyển giao rủi ro không thu hồi được tiền hàng cho nhà bảo hiểm.
Tại Việt Nam, bảo hiểm tín dụng thương mại vẫn là khái niệm còn mới và chưa phổ biến. Chỉ một số ít doanh nghiệp chủ động tiếp cận, trong khi đây có thể là biện pháp bảo vệ quan trọng nhất giúp bảo toàn dòng tiền và uy tín doanh nghiệp khi mở rộng xuất khẩu.
Chiến lược mới cho giai đoạn đầy biến động
Câu hỏi đặt ra lúc này không chỉ là “làm sao vượt qua cú sốc thuế 46% từ Mỹ?”, mà là: Làm sao để tránh phụ thuộc, ứng biến linh hoạt và chủ động kiểm soát rủi ro trước khi nó xảy ra?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để xây dựng một chiến lược xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp Việt cần:
1. Giảm phụ thuộc vào các thị trường “khó đoán” như Mỹ bằng cách mở rộng sang Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, châu Phi, Trung Quốc – nơi có tiềm năng tăng trưởng và ít rào cản hơn.
2. Tham gia vào hệ thống cảnh báo rủi ro quốc tế, qua các tổ chức tín dụng thương mại, các hiệp hội ngành hoặc đối tác tài chính để luôn được cập nhật các thông tin.
3. Tăng năng lực pháp lý, đàm phán và minh bạch hóa tài chính để đủ điều kiện bảo hiểm và đối phó với điều tra thương mại.
4. Xây dựng hệ thống đánh giá đối tác trước giao dịch – một thói quen còn yếu ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam từ doanh nghiệp nhỏ, vừa đến doanh nghiệp lớn là không có một hệ thống đánh giá khách hàng (Client Due Diligence) một cách đo lường được, đặc biệt là khả năng thanh toán.
Kết luận: Không còn là “thị trường vàng” nếu thiếu chiến lược quản trị rủi ro bao gồm rủi ro thanh toán
Mỹ là thị trường quan trọng, nhưng cũng là nơi rủi ro pháp lý và thương mại cao nhất. Sự kiện áp thuế 46% chỉ là một bước ngoặt, không phải điểm kết. Thị trường xuất khẩu toàn cầu đang thay đổi, rủi ro doanh nghiệp nhập khẩu bị hạn chế dòng tiền, khó khăn trong kinh doanh hoặc thậm chí là mất khả năng thanh toán cũng từ đó có thể cao hơn và chỉ những doanh nghiệp biết lượng sức, biết đề phòng và biết tự bảo vệ mình mới trụ vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới.
Nguồn:
1. https://atradius.sg/knowledge-and-research/reports/b2b-payment-practices-trends-north-america-(usmca)-2024
2. Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa – 2024
3. https://trungtamwto.vn/tin-tuc/28137-xuat-khau-det-may-nam-2024-dat-44-ty-usd-tiep-tuc-huong-den-muc-tieu-cao-hon-trong-nam-moi