Định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông
- 07/03/2017
Ngày 04/03/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh tại TP.HCM phối hợp với Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II, Sở LĐ-TBXH và 10 trường THPT trong tỉnh Đồng Nai tổ chức Ngày hội Hướng nghiệp năm 2017.
Năm 2017 là năm thứ hai nhà trường tổ chức Ngày hội hướng nghiệp và hiệu quả đạt được khá rõ nét, với trên 1.000 viên, học viên tại trường tham gia. Ngày hội là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trước ngưỡng cửa tương lai.
Chọn nghề phù hợp
Làm thế nào để chọn nghề phù hợp với bản thân? Làm gì để có việc làm ổn định? Vấn đề thu nhập sau khi học nghề? Muốn tiếp tục học liên thông lên bậc cao hơn thì cần điều kiện gì? Đó là những câu hỏi được nhiều học sinh đặt ra tại ngày hội. Em Nguyễn Đăng Khoa, Trường THPT Trị An (huyện Vĩnh Cửu) nêu: “Em đang học lớp 11, em quan tâm vấn đề làm thế nào chọn lựa được một nghề phù hợp, khi tốt nghiệp có việc làm ngay để ổn định trong khi sức học của em chỉ thuộc trung bình khá?”. Đây cũng là câu hỏi của nhiều học sinh ở các trường THPT Sông Ray (Cẩm Mỹ), Thống Nhất A (Trảng Bom). Em Lê Thị Thu Thảo, lớp 11, THPT Sông Ray hỏi: “Với địa bàn nông thôn như trường em thì vấn đề học sinh quan tâm là sau khi học nghề có được giải quyết việc làm ngay không? Trong quá trình học, việc liên thông lên đại học sẽ thế nào và mức học phí để học hoàn tất một nghề?”
Ông Piter Wult, Cố vấn trưởng của chương trình hỗ trợ nghề nghiệp của Đức tại Việt Nam (GIZ) trao đổi với học sinh
Cố vấn trưởng của chương trình hỗ trợ nghề nghiệp của Đức tại Việt Nam (GIZ), ông Piter Wult cho hay: “Là một trong những người trực tiếp hỗ trợ công tác dạy nghề theo tiêu chuẩn Đức tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama II, tôi hoàn toàn hài lòng với kết quả đào tạo nghề của trường những năm qua. Hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ngay với thu nhập cao, nhiều bạn còn đi làm việc tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Những kết quả này là tiền đề để cuối năm 2016 Phòng Thương mại Poxdam (Đức) cấp thư xác nhận 4 nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn Đức cho trường”.
Cần định hướng nghề sớm
Ông Nguyễn Lê Nhật Thanh, đại diện VCCI-HCM chia sẻ, cuối năm 2016, VCCI tổ chức cuộc khảo sát với chủ đề “Chất lượng nguồn nhân lực và nhu cầu tuyển dụng tại doanh nghiệp” đối với 4 nghề: dệt may, đồ gỗ, du lịch và cơ khí – điện. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết nhân lực sau khi được đào tạo đều thiếu căn bản về tay nghề và kỹ năng nên người lao động chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Cùng với đó là thái độ học hỏi, động lực làm việc còn hạn chế và thiếu năng lực chuyên môn, thiếu thực hành nên hiệu quả và năng suất lao động Việt Nam thường không cao. Hiện vẫn còn nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng khó kiếm việc làm hơn học viên các trường nghề. Do vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phải được thực hiện sớm, thậm chí ngay từ khi các em mới bước vào bậc THCS.
Tham quan và thử nghiệm hàn trên mô hình công nghệ mới
Ông Thanh cho biết thêm, trong một khảo sát năm 2011 của VCCI cho thấy, có 34% doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng của nhân viên hiện đang làm việc tại doanh nghiệp. Đến năm 2016 tình trạng này vẫn chưa được cải thiện nhiều, nhất là với nhóm lao động trực tiếp tham gia sản xuất hoặc các ngành phục vụ. Riêng đối với 4 ngành khảo sát cuối 2016 thì doanh nghiệp không hài lòng là 44% đối với ngành dệt may, 48% đối với đồ gỗ, 32% đối với cơ khí – điện và trên 77% đối với ngành du lịch. Điều này cho thấy, thiếu định hướng nghề nghiệp, thiếu đào tạo bài bản về tay nghề, kỹ năng đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Qua khảo sát cuối năm 2016 Tổ chức Lao động quốc tế ILO nhận định, giai đoạn 2015 – 2025 tay nghề trung bình của lao động Việt Nam phải tăng 28% mới đáp ứng được sự phát triển của doanh nghiệp và quá trình hội nhập. Một yêu cầu khác là sự cân bằng nguồn nhân lực giữa các ngành, tránh tình trạng quá dư ở ngành này lại quá thiếu ở ngành khác. Do đó, cần tập trung định hướng nghề nghiệp rất sớm cho học sinh.