Đâu là những điểm mới đáng chú ý của thông tư 08/2023/TT-NHNN liên quan đến khoản vay nước ngoài
- 15/08/2023
Thời gian gần đây, vay nước ngoài của tổ chức tín dụng (“tổ chức tín dụng”) và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (“doanh nghiệp”) có xu hướng gia tăng do các đơn vị này muốn tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế. Để kiểm soát mức vay nước ngoài tự vay tự trả đảm bảo hạn mức hàng năm nhằm duy trì ngưỡng nợ an toàn, Ngân hàng nhà nước vừa ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN (“Thông tư 08/2023/TT-NHNN”) quy định về điều kiện vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh thay thế thông tư số 12/2014/TT-NHNN ngày 31/3/2014 (“Thông tư 12/2014/TT-NHNN”) quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh và sửa đổi Thông tư 12/2022/TT-NHNN[1] hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (“Thông tư 12/2022/TT-NHNN”).
Thông tư 08/2023/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2023 và có một số thay đổi đáng kể so với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trước đó. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số điểm mới, đáng chú ý của Thông tư 08/2023/TT-NHNN mà các doanh nghiệp cần lưu tâm.
- Cho phép bên đi vay được tạm sử dụng phần vốn nhàn rỗi từ khoản vay để gửi tiền
Một trong những điểm mới, nổi bật tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN, là việc cho phép bên đi vay gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong trường hợp bên đi vay đã rút vốn nhưng tạm thời chưa sử dụng vào các mục đích vay nước ngoài hợp pháp.
Đối với các khoản vay nước ngoài có giá trị lớn, quy định này thực sự tạo thuận lợi cho bên đi vay, giúp bên đi vay có thể có được khoản lãi tiền gửi bù đắp vào chi phí khoản vay trong thời gian chưa sử dụng đến nguồn vốn này.
Chẳng hạn, trường hợp doanh nghiệp có khoản vay ngắn hạn với mục đích thanh toán các khoản nợ phải trả bằng tiền của mình. Đối với mục đích này, doanh nghiệp có thể vay ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của mình, không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước. Tuy nhiên, nếu sau khi doanh nghiệp đã rút vốn đối với khoản vay nước ngoài nhưng lại được gia hạn thanh toán đối với các khoản thanh toán nêu trên, thay vì để khoản vốn này trong tình trạng nhàn rỗi, doanh nghiệp có thể gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để hưởng lãi suất tiền gửi, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng, bất kể thời hạn khoản vay, doanh nghiệp chỉ có thể gửi khoản tiền này trong kỳ hạn tối đa không quá một tháng đối với mỗi khoản tiền.
- Thay đổi về trường hợp được vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam
Theo quy định tại Thông tư 12/2014/TT-NHNN, “khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô;
- Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay;
- Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp”.
Tuy nhiên, đối với Thông tư 08/2023/TT-NHNN, quy định về “các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp” đã được loại bỏ, thay vào đó là trường hợp “Bên đi vay rút vốn, trả nợ bằng đồng ngoại tệ và nghĩa vụ nợ của khoản vay được xác định bằng đồng Việt Nam”.
Đây là quy định mới, tạo sự linh hoạt cho các bên trong giao dịch vay, nghĩa vụ nợ của khoản vay về cơ bản là sự ghi nhận giá trị khoản vay, việc rút vốn hoặc trả nợ vẫn sẽ được bên đi vay thực hiện bằng ngoại tệ, trên cơ sở quy đổi theo tỷ giá ngân hàng đã được các bên thỏa thuận. Dù vậy, trên thực tế chưa chắc các bên sẽ lựa chọn việc vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo hình thức này, bởi lẽ ưu tiên của hầu hết các bên trong các giao dịch thương mại nói chung và giao dịch vay nói riêng vẫn là sự ổn định về mặt giá trị của khoản vay, do đó, khả năng bên cho vay nước ngoài chấp nhận việc ghi nhận giá trị khoản vay là đồng Việt Nam là không cao.
Ngoài ra, vì Thông tư 08/2023/TT-NHNN đã loại bỏ quy định về “các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp” đối với khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam. Do đó, quy định tương ứng khi doanh nghiệp đăng ký khoản vay nước ngoài cũng bị bãi bỏ. Theo đó, trước đây, đối với các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam mà phải thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài và bên đi vay không phải tổ chức tài chính vi mô hoặc không thuộc trường hợp bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay, bên đi vay phải được Ngân hàng Nhà nước ra văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay trong thời hạn bốn mươi lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Thời hạn này kéo dài hơn so với việc đăng ký các khoản vay nước ngoài thông thường bởi đối với khoản vay này thì thủ tục đăng ký khoản vay đồng thời là thủ tục đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận khoản vay. Do đó, hiện nay, khi thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài, thời hạn để Ngân hàng Nhà nước xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay chỉ còn mười hai hoặc mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay, tùy trường hợp bên đi vay đã khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử hay chưa.
- Giới hạn mức vay nước ngoài của bên đi vay
- Trường hợp bên đi vay là tổ chức tín dụng
So với Thông tư 12/2014/TT-NHNN, thông tư 08/2023/TT-NHNN đã có quy định hoàn toàn mới về giới hạn mức vay nước ngoài ngắn hạn của bên đi vay là tổ chức tín dụng. Theo đó, bên đi vay chỉ được vay ngắn hạn nước ngoài trong trường hợp đáp ứng giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay. Giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài là tỷ lệ tối đa tổng dư nợ gốc của các khoản vay ngắn hạn nước ngoài tính trên vốn tự có riêng lẻ, áp dụng với các đối tượng cụ thể như sau[2]:
- 30% đối với ngân hàng thương mại;
- 150% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng khác.
Quy định này hướng tới mục đích giảm sự gia tăng về dư nợ vay nước ngoài của các tổ chức tín dụng, tránh gây áp lực đến giới hạn nợ nước ngoài tự vay tự trả và an toàn nợ nước ngoài của Việt Nam. Mặt khác, việc quy định bên đi vay phải đáp ứng giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay cũng giúp cho bên đi vay có thể linh hoạt trong việc thực hiện các khoản vay tại các thời điểm trong năm, nghĩa là bên đi vay có thể phát sinh nhiều khoản vay và có thể vượt mức giới hạn miễn là bên đi vay vẫn đáp ứng mức giới hạn tại thời điểm cuối năm để đủ điều kiện cho các khoản vay của năm sau.
Một điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý, là chính bởi quy định mới về giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay, do đó, quy định này chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2024[3], tức là áp dụng cho các khoản vay từ năm 2024.
- Trường hợp bên đi vay là doanh nghiệp
Trong khi mức giới hạn vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư hoặc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của bên đi vay tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN được quy định tương tự như Thông tư 12/2014/TT-NHNN thì Thông tư 08/2023/TT-NHNN đã bổ sung quy định về trường hợp doanh nghiệp vay nước ngoài để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay.
Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, bên đi vay có thể vay nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay mà không làm tăng chi phí vay. Tuy nhiên, ngoài quy định này, Thông tư 12/2014/TT-NHNN không còn bất cứ quy định nào khác đối với các khoản vay nước ngoài nhằm cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay, bao gồm cả giới hạn mức vay.
Tuy nhiên, Thông tư 08/2023/TT-NHNN đã có những quy định khá chi tiết về khoản vay này. Cụ thể, đối với khoản vay để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của mình, doanh nghiệp có quyền vay ngắn hạn hoặc trung, dài hạn[4]. Đồng thời, số tiền vay nước ngoài phục vụ mục đích cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài tối đa không vượt quá tổng giá trị dư nợ gốc, số tiền lãi, phí chưa thanh toán của khoản nợ nước ngoài hiện hữu và phí của khoản vay mới được xác định tại thời điểm cơ cấu[5].
Ngoài ra, đối với các khoản vay trung, dài hạn được doanh nghiệp sử dụng để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của mình, doanh nghiệp cần lưu ý phải thực hiện việc trả nợ khoản vay nước ngoài hiện hữu trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày rút vốn khoản vay mới để sau thời hạn nêu trên, doanh nghiệp bảo đảm các giới hạn vay vốn trong các trường hợp vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư hoặc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của doanh nghiệp[6].
- Quy định rõ ràng về trường hợp doanh nghiệp vay ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền
Thông tư 12/2014/TT-NHNN không có quy định rõ ràng về việc liệu rằng doanh nghiệp có thể sử dụng khoản vay ngắn hạn nước ngoài để thanh toán các khoản nợ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của doanh nghiệp hay không mà chỉ quy định chung là để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài. Tuy nhiên, Thông tư 08/2023/TT-NHNN đã quy định chi tiết hơn, ngoài việc doanh nghiệp có thể vay ngắn hạn nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài, doanh nghiệp còn có thể sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay[7]. Các khoản nợ ngắn hạn phải trả ở đây là các khoản nợ phát sinh trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự án khác của doanh nghiệp. Như vậy, quy định mới này sẽ giúp các doanh nghiệp xác định rõ ràng hơn liệu rằng mình có thể vay ngắn hạn nước ngoài để thanh toán các khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình hay không.
Có thể thấy, Thông tư 08/2023/TT-NHNN đã có những thay đổi, điều chỉnh nhất định so với Thông tư 12/2014/TT-NHNN, đồng thời, những thay đổi này cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các văn bản pháp luật khác, cụ thể là Thông tư 12/2022/TT-NHNN đối với hoạt động đăng ký khoản vay nước ngoài. Vay nước ngoài, với những đặc thù của mình, là một hoạt động bị kiểm tra, quản lý chặt chẽ bởi cơ quan Nhà nước, do đó, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cần lưu ý và cập nhật kịp thời các quy định mới tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN để bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật.
[1] Thông tư 12/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
[2] Điều 15 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.
[3] Khoản 2 Điều 21 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.
[4] Điểm a Khoản 1 Điều 17, Điểm c Khoản 2 Điều 17 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.
[5] Điểm a Khoản 3 Điều 18 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.
[6] Điểm b Khoản 3 Điều 18 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.
[7] Điểm a Khoản 1 Điều 17 Thông tư 08/2023/TT-NHNN.
Bài viết được thực hiện với sự cộng tác giữa VCCI-HCM và Công Ty Luật TNHH HM&P .