Đề nghị sửa đổi 30 luật, 51 nghị định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, hoạt động
- 03/07/2020
Thủ tục gia nhập thị trường của doanh nghiệp còn nhiều chồng chéo, bất cập là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của DN: Vướng mắc và kiến nghị”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, thời gian qua, VCCI đã kiến nghị 25 điểm chồng chéo, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành đến các cấp, ngành. Nhiều bộ, ngành đã vào cuộc cùng tham gia rà soát, Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm và đã xây dựng tổ công tác chuyên biệt để xử lý vấn đề này. Kết quả, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN liên quan tới điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, sửa đổi, hủy bỏ.
Ông Vũ Tiến Lộc mong muốn, đợt tổng rà soát 11 lĩnh vực dự kiến được triển khai tới đây sẽ đưa ra được những kiến nghị tới Chính phủ và Quốc hội để có được những sửa đổi thích hợp nhằm xử lý những bất cập, bất hợp lý và tạo nên làn sóng thứ 3 về cải cách.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, VCCI đã lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, UBND địa phương và tiếp nhận 774 ý kiến phản ánh, kiến nghị.
Qua việc rà soát 411 văn bản quy phạm pháp luật về các điều kiện kinh doanh, VCCI đã đưa ra 106 kiến nghị. Trong đề nghị sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư… trong đó tập trung vào 2 nhóm quy định về gia nhập thị trường và tổ chức quản lý, hoạt động doanh nghiệp.
Theo Trưởng ban pháp chế VCCI, vẫn còn có 243 ngành nghề trong danh mục kinh doanh có điều kiện, trong đó nhiều ý kiến cho rằng có thể bỏ thêm khoảng 20 ngành nghề nữa vì điều kiện kinh doanh đã ban hành không có tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng; là những ngành nghề có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh…
Báo cáo của VCCI cũng cho rằng, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được bãi bỏ, cần điều chỉnh cho phù hợp vì nhiều nhóm ngành nghề đưa vào nhóm kinh doanh có điều kiện là cần thiết, nhưng Nhà nước lại đang can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của DN. Nhiều thủ tục gia nhập thị trường của DN còn rắc rối, chồng chéo, cần tiếp tục đơn giản thủ tục thực hiện.
Cần quy định về thời hạn lấy ý kiến, tham vấn
Luật sư Lê Nết, Công ty luật LNT & Partners phản ánh, Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP không quy định thời gian trả lời văn bản lấy ý kiến đối với ngành nghề, dịch vụ chưa cam kết là bao lâu. Trên thực tế các Sở Kế hoạch và Đầu tư thường phải mất rất nhiều thời để nhận lại phản hồi của các Bộ, ngành, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động đầu tư. Do đó, cần ban hành quy định về thời hạn trả lời công văn lấy ý kiến về nội dung dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, việc hợp pháp hóa lãnh sự các loại giấy tờ trong hồ sơ xin cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bao gồm: Giấy Chứng nhận thành lập của tổ chức tại nước ngoài, hộ chiếu của người nước ngoài, báo cáo tài chính, xác nhận nghĩa vụ thuế của tổ chức tại nước ngoài… làm mất nhiều thời gian của nhà đầu tư, kéo dài quá trình đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.
Vì vậy, theo luật sư Lê Nết, Việt Nam cần ký kết thêm các điều ước quốc tế với các nước khác, trong đó quy định việc miễn hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ do các bên ban hành hoặc chứng nhận.
Nguồn: https://pbgdpl.hanoi.gov.vn