Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng trong môi trường sản xuất tại Doanh nghiệp trong chuỗi tôm và lúa
- 10/08/2022
ĐỀ CƯƠNG GIAO VIỆC
Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo kỹ năng trong môi trường sản xuất tại Doanh nghiệp trong chuỗi tôm và lúa – Đảm bảo môi trường làm việc bình đẳng, bền vững cho người lao động tại Doanh nghiệp
I. Giới thiệu chung:
Trong nhiều năm qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới. Hàng năm ngành tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Việt Nam đã trở thành quốc gia cung cấp tôm đứng thứ hai trên thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tống giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Từ khi bắt đầu phát triển vào đầu những năm 1990, ngành tôm Việt Nam đã phát triển cả về quy mô và quản lý kỹ thuật, cũng như năng lực về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Đối với ngành gạo, ngành gạo luôn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hằng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn lúa gạo, tiếp tục đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.
Trong tháng 01-02/2023, VCCI HCM đã thực hiện hoạt động khảo sát và đánh giá tình hình của Doanh nghiệp trong chuỗi tôm và lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp xây dựng chiến lược cải thiện điều kiện làm việc, tạo ra môi trường làm việc bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo cho cấp quản lý, người lao động. VCCI HCM tìm kiếm các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo kĩ năng tại các nhà máy, cải tiến nhà máy, phối hợp khảo sát nhu cầu đào tạo doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng triển khai hoạt động đào tạo trực tiếp tại nhà máy.
II. Mục tiêu:
– Xây dựng kế hoạch làm việc cùng DN để thống nhất các nội dung đào tạo nhằm nâng cao năng lực của cấp quản lý và người lao động.
– Thông qua hoạt động đào tạo, tư vấn kỹ thuật tại nhà máy cho cấp quản lý, và người lao động tạo ra một môi trường làm việc bền vững, bình đẳng hơn cho nữ giới, năng lực của doanh nghiệp được nâng cao.
III. Yêu cầu công việc:
Chuyên gia đào tạo sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
– Thực hiện việc khảo sát nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp;
– Phối hợp cùng VCCI HCM, doanh nghiệp trong xây dựng kế hoạch, chương trình và nội dung đào tạo;
– Thực hiện đào tạo tại doanh nghiệp theo kế hoạch sau khi thống nhất với doanh nghiệp.
IV. Thời gian thực hiện:
Từ tháng 09/2022 – 07/2023
V. Yêu cầu chuyên gia:
– Có từ 5 năm kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất của các nhà máy;
– Kinh nghiệm giảng dạy liên quan đến các nội dung về kĩ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề trong môi trường sản xuất; kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn liên quan đến cải tiến nhà máy;
– Thành thạo tiếng Anh, Việt;
– Sử dụng thành thạo các phần mềm Office.
– Sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ giảng dạy
– Có thể chủ động tiến hành hoạt động đào tạo và tư vấn tại doanh nghiệp
VI. Kinh phí:
– Kinh phí thực hiện khảo sát, đào tạo và tư vấn được áp dụng theo định mức ngày công của dự án
VII. Nộp đề xuất:
– Chuyên gia quan tâm đến việc thực hiện hoạt động đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp như nội dung nêu trên, vui lòng gửi đề xuất qua email đến địa chỉ: thanh.nguyen@vcci-hcm.org.vn trước ngày 30/08/2022
– Hồ sơ bao gồm:
+ Lý lịch trích ngang (CV) của chuyên gia
+ Đề xuất chi phí chuyên gia
LƯU Ý: Chúng tôi chỉ thông báo đến những chuyên gia được lựa chọn