Đẩy mạnh quan hệ hợp tác Việt Nam – Hồng Kông lĩnh vực pháp lý và giải quyết tranh chấp thương mại
- 27/09/2024
Ngày 24/09 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh khu vực TP. HCM (VCCI-HCM) đã phối hợp với Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông (HKETO) tại Singapore tổ chức Diễn đàn kinh doanh và Tiệc tối giao lưu với chủ đề Hồng Kông (Trung Quốc): Cửa ngõ thông luật cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận Trung Quốc và các nước khác.
Hồng Kông được công nhận là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới với vị thế cửa ngõ quan trọng cho doanh nghiệp trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam, tiếp cận thị trường Trung Quốc và các nước khác. Mối quan hệ hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Hồng Kông đã phát triển tốt đẹp trong nhiều năm. Việc tiến hành kinh doanh và giao thương đã trở nên dễ dàng hơn và có lợi hơn cho cả hai bên sau khi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hong Kong (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư ASEAN – Hong Kong (AHKIA) có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2021.
Ông Paul Lam, Cục trưởng Cục Tư Pháp, Khu Hành chính Đặc biệt Hồng Kông, Trung Quốc và Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI
Sự kiện vinh dự đón tiếp:
Về phía VCCI và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam:
– Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI
– Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI-HCM
– Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
– Cùng hơn 60 đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong các lĩnh vực: pháp lý, trọng tài, và các ngành liên quan.
Về phía Hồng Kông:
– Ông Paul Lam, Cục trưởng Cục Tư Pháp, Khu Hành chính Đặc biệt Hồng Kông, Trung Quốc
– Ông Owin Fung, Giám đốc của Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông (HKETO) tại Singapore
– Cùng hơn 15 chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý và giải quyết tranh chấp thương mại của Hồng Kông.
Toàn cảnh sự kiện
“Hồng Kông – Top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam”
Đó là chia sẻ của ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI trong phần phát biểu chào mừng tại sự kiện. Ông cho biết: Hồng Kông hiện đứng thứ 5 về thị trường xuất khẩu với quy mô thương mại song phương 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8,88 tỷ USD. FDI lũy kế từ trước đến tháng 8.2024 của Hồng Kông vào Việt Nam đạt 36,85 tỷ USD, đứng thứ 5. FDI từ Hồng Kông chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất, và dịch vụ tài chính.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hồng Kông trong các nước ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông trên toàn cầu. Trong thời gian tới, quan hệ thương mại – đầu tư giữa Việt Nam – Hồng Kông được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển đột phá sau chuyến thăm của Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông đến Việt Nam đầu tháng 08/2024 vừa qua.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh tiến trình và ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ông Thành cho biết thêm. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết thành công 16 FTA, với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ phủ khắp các châu lục, chiếm hơn 70% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia năng động và dẫn đầu khu vực trong việc tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Những FTA này không chỉ mở rộng cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế.
Cùng với việc tăng cường giao thương quốc tế, số lượng tranh chấp thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt cũng ngày càng tăng. Các tranh chấp này thường liên quan đến các vấn đề như thực hiện hợp đồng, thanh toán, sở hữu trí tuệ và các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm.
Nguyên nhân của những tranh chấp này chủ yếu đến từ việc thiếu kinh nghiệm trong tiếp cận các thị trường quốc tế, chưa nắm rõ các quy định pháp lý của các nước đối tác, cũng như sự hạn chế về kỹ năng và kiến thức trong giải quyết tranh chấp thương mại. Trước tình hình trên, các cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại quốc tế, trong đó Hồng Kông đóng vai trò là một trung tâm trọng tài hàng đầu thế giới, được đánh giá là một trong các công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, sử dụng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Hồng Kông – Trung tâm pháp lý quốc tế về các dịch vụ pháp lý, giao dịch và giải quyết tranh chấp
Ông Paul Lam, Cục trưởng Cục Tư Pháp, Khu Hành chính Đặc biệt Hồng Kông, Trung Quốc
Phát biểu tại sự kiện, ông Paul Lam, Cục trưởng Cục Tư Pháp, Khu Hành chính Đặc biệt Hồng Kông, Trung Quốc giới thiệu về Hồng Kông đầy tự hào: Hồng Kông được Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ và có sự kết nối toàn cầu lâu dài theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” độc đáo. Với sự lưu thông tự do của thông tin, vốn, hàng hóa và con người, chế độ thuế thấp và đơn giản, cùng các hoạt động kinh doanh phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, Hồng Kông đóng vai trò là trung tâm “siêu kết nối” và “siêu gia tăng giá trị”, kết nối thế giới với các cơ hội rộng lớn của Hồng Kông và thị trường Trung Quốc.
Hồng Kông cũng được biết đến là trung tâm pháp lý quốc tế về các dịch vụ pháp lý, giao dịch và giải quyết tranh chấp. Các chuyên gia pháp lý và giải quyết tranh chấp của Hồng Kông sở hữu nhiều kỹ năng đa dạng và góc nhìn toàn cầu. Nhiều chuyên gia pháp lý của Hồng Kông có thể hành nghề tại nhiều khu vực pháp lý. Hồng Kông có hơn 14.000 luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng, cùng với hơn 1.400 luật sư nước ngoài đã đăng ký và có nhiều kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Tăng cường hợp tác Việt Nam – Hồng Kông lĩnh vực pháp lý và giải quyết tranh chấp thương mại
“Sự phát triển của Vùng Vịnh Lớn Quảng Đông – Hồng Kông – Macao (“Vùng Vịnh Lớn”) rất hứa hẹn đối với Hồng Kông và các quốc gia đối tác của Hồng Kông. Vùng Vịnh Lớn là một thị trường rộng lớn và là nơi sinh sống của hơn 86 triệu người và tổng GDP khoảng 2 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2023”, Cục Trưởng Cục Tư Pháp Paul Lam chia sẻ thêm.
Ông cho biết thêm: “Hồng Kông đang mở rộng hợp tác với các đối tác Vành đai và Con đường trong nhiều lĩnh vực. Với Việt Nam, hai nền kinh tế đã xây dựng mối quan hệ hợp tác vững chắc trên nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất, chế biến, bất động sản, tài chính, logistics. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng lớn cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam “ngôi sao đang lên” và Hồng Kông “trung tâm siêu kết nối”.”
Hồng Kông – Cửa ngõ Thông Luật cho các Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận Trung Quốc và các nước
Hồng Kông nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc gia để khẳng định mình là trung tâm dịch vụ pháp lý và giải quyết tranh chấp quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như là trung tâm giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bên cạnh dịch vụ pháp lý, Hồng Kông còn cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) quốc tế uy tín, đặc biệt là trọng tài và hòa giải.
Hồng Kông từ lâu đã được công nhận là địa điểm ưu tiên cho trọng tài quốc tế, và được xếp hạng là địa điểm phổ biến thứ ba cho trọng tài trong cuộc Khảo sát Trọng tài Quốc tế năm 2021 do Đại học Queen Mary London thực hiện. Các phán quyết trọng tài tại Hồng Kông thường được tòa án địa phương công nhận và có thể thi hành tại hơn 170 quốc gia tham gia Công ước New York, với một hồ sơ theo dõi tốt về chất lượng và khả năng thi hành.
Từ trái qua: 1. Bà Queenie Lau, SC – Cố vấn cấp cao, Temple Chambers, 2. Ông Nick Chan, BBS, MH, JP – Giám đốc, Trung tâm Trọng tài Khu vực Hồng Kông của AALCO Đại biểu Quốc hội Trung Quốc từ Hồng Kông, 3. Ông Roden Tong – Chủ tịch, Hiệp hội Luật sư Hồng Kông, 4. Ông Derek Chan, SC – Phó Chủ tịch, Đoàn Luật sư Hồng Kông, 5. Ông Yi-Shun Teoh – Đối tác, Reynolds Porter Chamberlain
Trong phiên thảo luận đầu tiên, các chuyên gia pháp lý và giải quyết tranh chấp của Hồng Kông đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích liên quan đến: Hệ thống pháp luật của Hồng Kông, Các dịch vụ pháp lý của Hồng Kông, Các Dịch vụ hòa giải và trọng tài quốc tế của Hồng Kông; đồng thời trao đổi các cơ hội hợp tác từ Sáng kiến Vành đai và Con đường & Sự phát triển của Vùng vịnh Lớn.
Hồng Kông là khu vực duy nhất trong Trung Quốc áp dụng hệ thống luật Thông luật (Common Law). Hồng Kông đã xây dựng hệ thống án lệ thương mại vững chắc, được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Luật Cơ Bản của Hồng Kông đảm bảo duy trì hệ thống thông luật và củng cố nguyên tắc thượng tôn pháp luật, điều này làm cho Hong Kong phù hợp với khung pháp lý của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Hạ tầng pháp lý của Hồng Kông rất mạnh mẽ, được xây dựng trên nền tảng của một hệ thống tư pháp độc lập và trưởng thành. Trong nhiều năm qua, các tòa án Hong Kong đã phát triển một hệ thống án lệ thương mại phong phú, được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế công nhận và tôn trọng.
Hồng Kông có hơn 260 hiệp ước đa phương, ký hơn 250 hiệp định song phương trong một số lĩnh vực riêng biệt như thương mại tự do, thuế, thúc đẩy và bảo vệ đầu tư. Hồng Kông là thành viên của khoảng 50 tổ chức quốc tế, nổi bật như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Luật Trọng tài của Hồng Kông (Chương 609), chủ yếu dựa trên Luật Mẫu của UNCITRAL, liên tục được xem xét để đảm bảo tính cạnh tranh và phù hợp với thực tiễn trọng tài quốc tế mới nhất. Các sửa đổi gần đây, được thực hiện vào năm 2019 và 2022, đã giới thiệu các chế độ tài trợ của bên thứ ba và cơ cấu phí liên quan đến kết quả, đảm bảo rằng có các lựa chọn tài chính đa dạng cho việc thực hiện trọng tài tại Hồng Kông.
Hồng Kông – Nơi cung cấp một dịch vụ pháp lý và giải quyết tranh chấp thương mại toàn diện
Từ trái qua: 1. Ông Li Xiong Feng – Phó Tổng thư ký, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Nam Trung Quốc Hồng Kông; 2. Tiến sĩ Thomas So – Chủ tịch, eBRAM; 3. Ông TK Iu – Nhà sáng lập/Giám đốc, Viện Giải quyết xung đột Châu Á; 4. Ông Robin Egerton – Luật sư, Parkside Chambers; 5. Ông Sebastian Hughes – Luật sư, Prince’s Chambers
Trong phiên thảo luận thứ 2, các chuyên gia pháp lý và giải quyết tranh chấp của Hồng Kông đã có những chia sẻ sâu sắc hơn về những điểm nổi bật của Dịch vụ pháp lý và giải quyết tranh chấp của Hồng Kông. Hồng Kông cung cấp một dịch vụ pháp lý toàn diện, đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Các dịch vụ này bao gồm từ việc thiết lập hiện diện kinh doanh tại Hồng Kông, soạn thảo hợp đồng mua bán, cho đến điều hướng các giao dịch thương mại quốc tế phức tạp như liên doanh, sáp nhập và mua lại (M&A), và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Dịch vụ pháp lý của Hồng Kông thể hiện sự pha trộn phong phú của văn hóa Đông Tây, kết hợp nhuần nhuyễn hai hệ thống pháp luật lớn nhất trên thế giới là hệ thống Thông Luật (common Law) của Hồng Kong và hệ thống Dân luật (Civil Law) của Trung Quốc đã làm cho pháp luật Hong Kong đặc biệt và thú vị bậc nhất thế giới.
Với vai trò là tổ chức xúc tiến các mối quan hệ hợp tác thương mại – đầu tư, VCCI trong thời gian tới sẽ tiếp tục là cầu nối hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành pháp lý và giải quyết tranh chấp thương mại, kết nối, xây dựng quan hệ hợp tác với các chuyên gia đại diện các cơ quan, tổ chức tư pháp, trọng tài, giải quyết tranh chấp của đoàn Hồng Kông, từ đó có thêm một kênh hỗ trợ quan trọng khi phải đối diện với các vụ tranh chấp thương mại khó khăn. Theo đó, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hồng Kông sẽ ngày càng phát triển và nâng tầm đối tác chiến lược, bền vững.
Doanh nghiệp Việt Nam đặt câu hỏi cho các chuyên gia Hồng Kông
Hình ảnh tiệc tối giao lưu giữa đoàn Hồng Kông và Việt Nam
Ông Paul Lam, Cục trưởng Cục Tư Pháp, Khu Hành chính Đặc biệt Hồng Kông, Trung Quốc phát biểu trước tiệc
Sau phần diễn đàn, Cục trưởng Cục Tư pháp và đoàn chuyên gia Hồng Kông đã có buổi tiệc tối ấm cúng, giao lưu, kết nối cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Phát biểu trước tiệc, ông Paul Lam một lần nữa nhấn mạnh: Hồng Kông coi trọng mối quan hệ bền chặt với Việt Nam và các cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Cùng nhau, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng tình bạn mới và khám phá những dự án hợp tác.
Từ trái qua: Đại diện Đoàn Luật sư TP.HCM – Phó Chủ nhiệm, Luật sư Trương Trọng Nghĩa; Đại diện Cục Tư Pháp Hồng Kông – Ông Paul Lam và Đại diện VCC – Phó Chủ tịch Võ Tân Thành cùng nâng ly khai tiệc
Video recap Diễn đàn kinh doanh và Tiệc tối giao lưu với chủ đề Hồng Kông (Trung Quốc): Cửa ngõ thông luật cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận Trung Quốc và các nước khác:
Vân Anh
Phòng Hội viên, Đào tạo và Truyền thông