Công bố Báo cáo Đánh giá mức độ hài lòng của DN và thời gian thực hiện TTHC qua Cơ chế một cửa quốc gia
- 29/06/2020
Tổng cục Hải quan vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI) công bố báo cáo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia (NSW).
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thời gian qua, VCCI đã tổng hợp phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp (DN) đối với 12 thủ tục mang tính điển hình nhất, có tần suất thực hiện nhiều nhất mà các DN thực hiện trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia (MCQG).
Kết quả khảo sát DN cho thấy đa số các chức năng cơ bản trên Cổng MCQG hiện hoạt động tốt. Tỷ lệ DN đánh giá “dễ” và “tương đối dễ” thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản/đăng nhập”, “xem/in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%. Cũng có tới 93% và 89% DN đánh giá “dễ” và “tương đối dễ” thực hiện đối với các tính năng “quản lý hồ sơ” và “xem và in giấy phép/chứng nhận”.
Dù vậy, vẫn có một tỷ lệ đáng kể DN (chiếm tỷ lệ 35%) gặp khó khăn khi sử dụng tính năng “giải đáp vướng mắc” khi sử dụng hệ thống. Trong khi 27% DN được khảo sát bày tỏ chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của Cổng do còn gặp lỗi kết nối. Khoảng 20% DN phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên Cổng còn chậm.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, về cơ bản, việc triển khai Cơ chế MCQG đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho DN, tuy nhiên sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các bộ ngành.
Theo đó, có 10/12 thủ tục hành chính (TTHC) ghi nhận thời gian DN phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được so với phương thức truyền thống dao động trong khoảng từ 1-3 ngày; số ngày giải quyết thủ tục nhìn chung đều nằm trong khoảng thời hạn theo quy định của các văn bản pháp luật.
Tám TTHC được ghi nhận chi phí giảm đáng kể so với phương thức cũ. Tuy nhiên, có tỷ lệ đáng kể DN không nhận thấy thay đổi tích cực trong việc thực hiện thủ tục của một số bộ so với phương thức cũ.
Nhiều DN kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, bởi thực tế cho thấy DN sử dụng thanh toán điện tử trong giao dịch kinh doanh ngày một phổ biến (86% DN) nhưng hiện tại họ vẫn dùng tiền mặt khá nhiều trong các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, 86,48% DN cho biết họ “chắc chắn sẽ tham gia ngay” hoặc “có thể sẽ tham gia ngay” nếu Cổng MCQG triển khai thanh toán điện tử.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, báo cáo kết quả khảo sát đã phân tích các ưu, nhược điểm của NSW, nêu ra các tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục của từng bộ, ngành liên quan, từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng DN cũng như trong thời gian tới.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN, trong thời gian tới, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất khẩu.
Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng và ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy NSW, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018–2020 để trình Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai NSW theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg, Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg và theo đề nghị của các bộ, ngành.
Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục triển khai Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 về thực hiện thủ tục hành chính theo NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xây dựng Nghị định quy định thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin theo NSW; xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung; chuẩn bị xây dựng Kế hoạch triển khai NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2021–2025.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) nhấn mạnh thủ tục một cửa quốc gia liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị nên cần phải đồng bộ các thủ tục của các cơ quan để hỗ trợ DN.
Theo đó, thời gian tới, cần đẩy nhanh việc triển khai các TTHC mới trên cơ chế MCQG theo kế hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh việc minh bạch thông tin về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng MCQG, nâng cao chất lượng các giải đáp thắc mắc.
Tại hội nghị, DN kiến nghị, để hỗ trợ DN tốt hơn, cần thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ và rà soát quy trình thống nhất giữa các bộ, ngành để DN không phải chuẩn bị lặp lại các giấy tờ đã nộp trước đó. Các bộ, ngành nghiên cứu mở “kho dữ liệu” dùng chung của các cơ quan Nhà nước để các cơ quan liên quan có thể sử dụng khi giải quyết TTHC.
Đặc biệt, cần áp dụng triệt để hồ sơ văn bản điện tử, loại bỏ hiện tượng vừa làm thủ tục trên Cổng MCQG, vừa nộp hồ sơ giấy tại cơ quan quản lý chuyên ngành. Hội thảo được tổ chức tại 2 nơi Hà Nội và TP.HCM.
Nguồn: Tapchitaichinh, Chinhphu.vn