Cơ hội kết nối từ Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ
- 23/03/2022
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP HCM đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ nhằm tạo cơ hội kinh doanh tại khu vực đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên mọi mặt, từ kinh tế, y tế, an sinh xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Bên cạnh đó, các thách thức truyền thống và phi truyền thống đã và đang gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu gây sức ép lên an ninh kinh tế, an ninh lương thực của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Do đó, vấn đề đặt ra giữa các quốc gia, doanh nghiệp là phải nhanh chóng hình thành các chuỗi cung ứng mới song song với việc đa dạng hóa thị trường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, cơ hội kinh doanh tại TP HCM là hết sức dồi dào, Thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 20% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, cao nhất trong các địa phương của Việt Nam. Thành phố là Trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước, đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế, thương mại quan trọng của Việt Nam. Thành phố là thị trường lớn với hơn 10 triệu dân và là trung tâm của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với hơn 20 triệu người.
“Hơn thế nữa, Thành phố có thể trở thành bệ phóng để các doanh nghiệp OIF tại các khu vực Đông Nam Á tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp của khu vực và thế giới, tận dụng lợi thế của các Hiệp định Tự do thương mại mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định CPTTP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực…”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM, chủ đề năm 2022 của TP HCM là thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư đồng hành cùng doanh nghiệp. Thành phố đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5% trong năm 2022. Để thực hiện được mục tiêu đó, Thành phố có chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi số và xây dựng Thành phố thông minh, Trung tâm tài chính nhằm tạo động lực phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân.
“Chúng tôi mong rằng OIF với vai trò là người kiến tạo sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp 2 bên kết nối với nhau chặt chẽ. Về phần mình, chính quyền Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả các doanh nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội và phát triển tại TP HCM”, ông Dương Anh Đức chia sẻ.
Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) được thành lập vào năm 1970, hiện có tổng cộng 54 thành viên, 7 thành viên liên kết và 27 quan sát viên trải khắp 5 châu lục, với tổng dân số khoảng 900 triệu người trong đó có khoảng 300 triệu người nói tiếng Pháp (bao gồm 600 nghìn người nói tiếng Pháp tại Việt Nam), chiếm 20% trao đổi thương mại và 16% GDP toàn cầu, tạo nên một khu vực kinh tế có triển vọng phát triển mạnh mẽ và nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên. VCCI mong muốn phối hợp AVSE Global xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, kể từ khi trở thành thành viên chính thức của OIF, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, đóng vai trò quan trọng của OIF tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy quan hệ Cộng đồng Pháp ngữ và ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tổ chức ở Hà Nội năm 1997, Việt Nam đã khởi xướng và cùng các nước Pháp ngữ nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ.
“Việt Nam và các quốc gia thuộc OIF có những điều kiện bổ sung phù hợp lẫn nhau để cùng phát triển. Việt Nam có vai trò quan trọng và các điều kiện thích hợp giúp thúc đẩy tăng cường liên kết nội khối cũng như hình thành chuỗi cung ứng sản xuất – tiêu thụ khép kín, trải dài từ châu Phi tới châu Âu, Bắc Mỹ”, ông Phòng nhấn mạnh.
Về quan hệ thương mại, theo Phó Chủ tịch VCCI, Việt Nam hiện có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF. Trong giai đoạn năm 2017 – 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên OIF luôn có sự tăng trưởng ổn định và ghi nhận mức cao nhất là 26,7 tỷ USD vào năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt 19 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,7 tỷ USD. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đã giảm 9,5%, đạt mức 24,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2021vừa qua, tăng trưởng kim ngạch thương mại đã bắt đầu phục hồi trở lại.
Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm với các nước bạn bè Châu Phi thuộc Cộng đồng Pháp ngữ. Các nước châu Phi nói tiếng Pháp là khu vực thị trường rộng lớn với 32 quốc gia, tổng dân số hơn 570 triệu người và được dự báo là một trong những trung tâm phát triển kinh tế mới của thế giới. Do đó, cơ hội kinh doanh tại khu vực đối với doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn.
“Trong giai đoạn 2015-2019, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và 32 nước Pháp ngữ tại châu Phi đã tăng từ 2,7 tỷ USD vào năm 2015 lên 4,5 tỷ USD vào năm 2019, chiếm tỷ trọng 88% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với châu Phi, với mức tăng trưởng trung bình cả giai đoạn đạt 13,6%/năm. Ở chiều ngược lại, đối với các nước Pháp ngữ tại châu Phi, tổng kim ngạch trao đổi thương mại với Việt Nam chiếm khoảng 1,1% trao đổi ngoại thương của khối này với thế giới. Trong đó, 10 đối tác chủ yếu của Việt Nam bao gồm: Côte d’Ivoire, Ghana, Ai Cập, Cộng hòa Congo, Cameroon, Maroc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Togo, Mozambique và Benin”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang các quốc gia này bao gồm: gạo, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy… Trong đó đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng dần trong những năm gần đây và đạt 589,4 triệu USD trong năm 2019, chiếm 14,9% thị phần gạo nhập khẩu của các nước Pháp ngữ tại châu Phi và chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới. Về phần mình, các nước Pháp ngữ tại châu Phi là những thị trường cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như: điều thô, bông, đồng, gỗ và sản phẩm gỗ. Nhìn chung, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên về cơ bản mang tính chất bổ sung lẫn nhau
“Về đầu tư, tính đến hết năm 2020, có 16/54 quốc gia thành viên OIF đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 1.450 dự án với tổng vốn đầu tư gần 16 tỷ USD. Ngược lại, một số tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng đã đầu tư tại châu Phi trong các lĩnh vực như: khai thác dầu khí, viễn thông, thủy điện, chế biến gỗ… và đã thu được những kết quả tích cực”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết thêm.
Ở góc độ doanh nghiệp, trong phiên thảo luận về chủ đề năng lượng tái tạo, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Bamboo Capital cho biết: “Việt Nam và khối cộng đồng Pháp ngữ có mối quan hệ lâu dài. Từ những năm kinh tế Việt Nam mới mở cửa, cộng đồng Pháp ngữ đã có nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau. Gần đây, chúng tôi nhìn thấy có sự chuyển dịch trong các hoạt mối quan hệ của cộng đồng Pháp ngữ, tập trung vào xúc tiến thương mại nhiều hơn các hoạt động truyền thống là xúc tiến các hoạt động văn hóa. Các doanh nghiệp từ Pháp và cộng đồng Pháp ngữ đến Việt Nam rất nhiều. Trong 3 năm qua, Bamboo Capital đã tiếp đón rất nhiều doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng và mong đợi Hội thảo xúc tiến thương mại hôm nay có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đầu tư, tạo ra môi trường tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc với các doanh nghiệp Pháp và cộng đồng Pháp ngữ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19”.
Nguồn : Diễn đàn Doanh nghiệp