[vccitranslate]

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và đào tạo nghề cho ngành công nghiệp nuôi biển

“Học đi đôi với hành”, đào tạo nghề phải gắn với doanh nghiệp thông qua quan hệ đối tác, linh hoạt, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới nhất cho học viên, định kỳ bổ sung, sát hạch các kỹ năng làm việc cần thiết cho nguồn lực nuôi biển công nghiệp; áp dụng các thực hành quản lý tốt thông qua công tác quy hoạch, theo dõi, giám sát và kiểm soát chặt chẽ: câu chuyện thành công của ngành nuôi biển công nghiệp Na Uy.

Ngày 30/11 – 01/12/2018, tại khách sạn Novotel Saigon, TP. Hồ Chí Minh, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp với Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp nuôi biển” trong phạm vi Chương trình Nâng cao chất lượng đào tạo nghề – Ngành nuôi trồng thuỷ sản. Tham gia hội thảo có đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Cà Mau, Kiên Giang, doanh nghiệp nuôi trồng hải sản, Viện nghiên cứu Hải dương học Nha Trang, Viện nghiên cứu Hải sản phân viện phía nam, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 2, Trường dạy nghề và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ NTTS, các học viên tham gia khoá Giảng viên nguồn về nuôi biển công nghiệp, công ty Pharmaq Vietnam, công ty Steinsvik. Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) được mời tham gia chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến phát triển nuôi biển công nghiệp nhằm thúc đẩy việc kết nối các bên tham gia liên quan, xây dựng quan hệ đối tác, và hỗ trợ kỹ thuật.

Bà Hege Jorstad Sekkennes đã có bài giới thiệu tổng quan về NTTS của Na Uy với trọng tâm về lịch sử phát triển, thành quả của ngành, các ứng dụng khoa học công nghệ, yêu cầu về quản lý (giấy phép, theo dõi, giám sát, báo cáo tình hình nuôi trồng, dịch bệnh và môi trường…). Với trình độ khoa học công nghệ cao, áp dụng các hệ thống tự động hoá, ưu đãi về môi trường biển, hiện sản lượng nuôi cá hồi của Nauy đạt khoảng 1,2-1,4 triệu tấn/năm, đem lại doanh thu từ xuất khẩu của ngành hàng này khoảng 10 tỷ USD/năm. Việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản hầu như không còn đáng kể trong khi vắc xin đã được dùng như một giải pháp hữu hiệu, an toàn, và giúp cho sản phẩm nuôi có thể tránh được bất kỳ trở ngại nào về rào cản kỹ thuật của thị trường.

Hege Jorstad Sekkennes chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về nuôi trồng thuỷ sản, đào tạo nghề nghiệp về nuôi biển của Na Uy tại Hội thảo.

Liên quan đến việc giáo dục dạy nghề, bà chia sẻ mô hình đào tạo rất hiệu quả, gắn kết giữa trường đào tạo nghề với doanh nghiệp. Cụ thể, trong năm đầu tiên là năm mà học viên được tập trung vào các môn khoa học, giới thiệu cơ bản, sang năm thứ hai và ba, học viên được tham gia thực tập, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vai trò như những người giảng viên tại chỗ, người hướng dẫn cho học viên để đảm bảo họ có những kỹ năng cần thiết và có thể hoàn toàn đáp ứng yêu cầu công việc của doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp. Phương pháp giảng dạy mới, linh hoạt, khuyến khích học viên có tính chủ động cao trong việc trau rồi kiến thức, tìm hiểu, gắn với thực tiễn thay vì chỉ chú trọng vào việc cung cấp cho họ lý thuyết, đã giúp cho Na Uy có đội ngũ lao động có kỹ năng tốt, chủ động bổ sung cho các ngành công nghiệp liên quan.

Đại diện cho NHO, ông Kurt Nilsen đã chia sẻ thêm về hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Na Uy. Ông cho biết các giáo trình, nội dung giảng dậy của các trường dạy nghề được xây dựng với sự tham gia của Liên đoàn lao động, Bộ giáo dục và khối doanh nghiệp. Sự tham gia cuả ba bên này nhằm đảm bảo đưa ra nội dung đào tạo cập nhật, đáp ứng được yêu cầu đầu ra cho doanh nghiệp, khả năng năng lực của học viên. Việc đào tạo phải được thực hiện trên nguyên tắc linh hoạt, luôn luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng mới nhất để trang bị cho học viên những kỹ năng làm việc thực sự. Quan hệ đối tác giữa trường đào tạo nghề và doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng đào tạo và đầu ra của trường. Chiến lược giáo dục nghề nghiệp tại Na Uy là khuyến khích các trường học và doanh nghiệp ký thỏa thuận hợp tác trên cơ sở hợp tác lâu dài và ràng buộc lẫn nhau, nêu rõ và xác định mục tiêu cho cả 2 bên. Hiệu quả mang lại từ việc Nhà trường và Doanh nghiệp tham gia thỏa thuận như: Những vấn đề quan trọng của công việc được đưa vào chương trình học, học sinh có kiến thức tốt hơn về công việc cần làm tại các Doanh nghiệp, nâng cao năng lực tại doanh nghiệp. Bà Hege Jorstad Sekkennes cho biết thêm, những kỹ năng cơ bản của một kỹ thuật viên nuôi biển như lái cano, vận hành xe nâng hay các thiết bị khác đều nằm trong chương trình đào tạo và đã được quy định trong luật, các kỹ năng này sẽ phải được đào tạo lại cho công nhân, kỹ thuật viên sau mỗi 5 năm.

Ông Kurt Nilsen chia sẻ về đào tạo nghề nuôi biển của Na Uy tại Hội thảo.

 Chia sẻ những ứng dụng mới liên quan đến vấn đề quản lý sức khoẻ của cá nuôi, ông Terje Tingo, đại diện công ty Pharmaq của Na Uy cho biết, hiện công ty đã có sản phẩm vắc xin cho một số bệnh của cá Tra/Ba sa ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn cầu, công ty đã có sản phẩm vắc xin cho một số loài cá song, cá chẽm, tuy nhiên, hiện công ty chưa sẵn có vắc xin cho cá biển nuôi ở Việt Nam. Đây sẽ là định hướng của Công ty trong thời gian tới và mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp nuôi biển ở Việt Nam, các viện, trường đại học để nghiên cứu, sử dụng vắc xin phù hợp cho cá biển nuôi.

Ông Terje Tingo đại diện doanh nghiệp sản xuất vắc xin Pharmaq Vietnam, giới thiệu về công ty và việc sử dụng vắc xin cho cá Tra/Basa tại Việt Nam.

Đại diện Công ty Steinsvik chia sẻ thông tin về hoạt động, quan tâm của doanh nghiệp liên quan đến nuôi biển tại Việt Nam.

Đại diện cho Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng, ông Nguyễn Bá Thông đã tập trung hướng cho các đại biểu trao đổi, thảo luận với chuyên gia Na Uy về hợp tác đào tạo nghề, các cơ hội để có thể trao đổi sinh viên, giảng viên trong các trường đào tạo nghề của Việt Nam sang Na Uy học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Xây dựng giáo trình, phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn, có tính thực tiễn, ứng dụng hơn nhằm trang bị cho học viên cả kiến thức, cơ sở khoa học và kỹ năng làm việc tại các trại nuôi cá biển công nghiệp.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, trao đổi ý kiến tại Hội thảo.

Bùi Thị Ninh phát biểu, chia sẻ thông tin về Chương trình nâng cao năng lực cho ngành nuôi biển.

Mặc dù là Hội thảo có quy mô nhỏ, nhờ sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức một cách khoa học của ban tổ chức – VCCI-HCM, các đại biểu đánh giá cao nội dung thông tin chia sẻ, thảo luận, tập trung các chủ để cụ thể, chi tiết và sự trao đổi, phản hồi thông tin rõ ràng từ hai phía giúp cho đại biểu có thể cập nhật, học tập và hiểu rõ được các vấn đề cần thiết liên quan đến công nghệ nuôi biển công nghiệp, định hướng đào tạo nghề cho một ngành kinh tế mới đối với Việt Nam – nuôi biển công nghiệp xa bờ. Hội thảo đã cung cấp những thông tin bổ ích không chỉ giúp cho các nhà quản lý ngành, doanh nghiệp có định hướng, đặc biệt, hỗ trợ cho Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, trường dạy nghề có thể chủ động xây dựng chiến lược nâng cao năng lực, quan điểm và điều chỉnh hướng đi phù hợp trong đào tạo nghề nghiệp nhằm có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp trong tương lai không xa ở Việt Nam.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Thay mặt Ban tổ chức, bà Bùi Thị Ninh – đại diện cho VCCI-HCM đã làm rõ mục tiêu cũng như kết quả mong đợi của hội thảo, đặc biệt là lộ trình xây dựng chương trình hợp tác trong đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp giữa Việt Nam và Na Uy. Định hướng của Chương trình Nâng cao chất lượng đào tạo nghề – Ngành nuôi trồng thuỷ sản, vai trò tham gia của các doanh nghiệp trong việc xây dựng, tổ chức triển khai các khoá đào tạo nghề, chủ động nguồn nhân lực cho doanh nghiệp thông qua quan hệ đối tác. Đồng thời, để cảm ơn sự nhiệt tình của các chuyên gia, đại diện cho VCCI-HCM đã chân thành cảm ơn các diễn giả giành thời gian tham dự, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin quý báu với các đại biểu. Hội thảo đã được tổ chức thành công, với nhiều kinh nghiệm, bài học, thông tin hữu ích được chia sẻ, trao đổi và thảo luận. Kết quả của hội thảo này sẽ là một trong những tiền đề có tính tích cực cho việc xây dựng, củng cố các mối quan hệ đối tác giữa các bên trong thời gian tới về việc nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của ngành nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam.

  • Sự kiện
  • Đào tạo