[vccitranslate]

Quản trị doanh nghiệp: “Điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim”

Đó là đúc kết của Doanh nhân Đặng Văn Thành khi chia sẻ về công tác quản trị và điều hành doanh nghiệp tại buổi talkshow Kinh nghiệm quản trị, điều hành doanh nghiệp, quản trị thương hiệu diễn ra vào chiều ngày 29/08 vừa qua.

Doanh nhân Đặng Văn Thành cho biết đây là lần thứ 2 ông tham gia chia sẻ trong Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành doanh nghiệp 4.0 của VCCI-HCM. Ông đánh giá cao Chương trình đào tạo này và thời gian tới ông sẽ cử các cán bộ quản lý mình tham dự.

   CEO 4.0 2023: Kinh nghiệm quản trị, điều hành DN | VCCI-HCM

Doanh nhân Đặng Văn Thành 

3 điểm mấu chốt trong công tác quản trị và điều hành doanh nghiệp

  • Không có cạnh tranh thì không bao giờ phát triển: Ông chia sẻ một nền kinh tế cần phải có cạnh tranh. Đã là doanh nhân thì cần phải có tâm thế sẵn sàng để đối mặt với sự cạnh tranh. Càng cạnh tranh thì mình sẽ càng chứng minh được sự vượt trội của mình.
  • Không có thi đua thì không bao giờ có tiến bộ: Tổ chức cũng cần có những hoạt động thi đua, có quỹ phúc lợi, khen thưởng để dùng cho việc khích lệ tập thể.
  • Không có hướng dẫn thì không bao giờ làm tốt được.

Chân dung của một doanh nhân: “Mệnh lệnh là chức trách”

Một trong những vai trò quan trọng của doanh nhân là tạo ra 5 giá trị gia tăng cốt lõi:

  • Xã hội: Đáp ứng được cung – cầu trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài, đóng góp vào việc cân bằng cán cân thương mại. Quốc gia xuất siêu nhiều, thặng dư nhiều thì quốc gia đó càng thịnh vượng, phồn vinh.
  • Khách hàng: Hàng hóa không chỉ dồi dào mà mẫu mã phải đẹp, chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
  • CBNV: Chúng ta phải biết những mong muốn chính đáng của họ: công việc ổn định, thu nhập tốt, môi trường làm việc tốt. Từ đó xây dựng chính sách chăm sóc thật cụ thể.
  • Nhà đầu tư: Chúng ta phải thể hiện sự trách nhiệm với đồng vốn, cổ tức, lãi suất, trái tức.
  • Ngân sách: Hoàn thành nghĩa vụ của một công dân, một doanh nghiệp đối với ngân sách quốc gia.

Nền kinh tế thị trường chào đón tất cả các thành phần kinh tế. Nhưng nếu chúng ta đến mà không có sự chuẩn bị thì sẽ dễ bị đào thải.

Ông chia sẻ về quy luật đào thải 10 năm:

  • 1997: Khủng hoảng tài chính Châu Á
  • 2008: Suy thoái kinh tế
  • 2019: Đại dịch Covid 19

Nếu chúng ta chuẩn bị tốt, chúng ta tập trung quản trị, điều hành và phân cấp, những cơn sóng thế này có thể làm chúng ta bị ảnh hưởng nhưng cũng có thể là cơ hội để chúng ta phát triển. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị, chúng ta sẽ bị nghiền nát.

CEO 4.0 2023: Kinh nghiệm quản trị, điều hành DN | VCCI-HCM

10 nguyên tắc trong điều hành doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro

  1. Định hướng chiến lược và hoạch định mục tiêu
  2. Tự tin, quyết đoán, nhất quán trong các quyết định
  3. Nhận biết khẩu vị & quản trị rủi ro
  4. Khả năng phát huy làm việc nhóm
  5. Phân công đúng người đúng việc
  6. Phát huy vai trò của quản lý cấp trung
  7. Trân trọng những ý kiến đóng góp
  8. Tạo môi trường làm việc tốt
  9. Tự hoàn thiện bản thân
  10. Chọn 1 môn thể thao/thể dục thích hợp

Ông chia sẻ, để làm được 9 nguyên tắc đầu tiên thì phải làm được nguyên tắc thứ 10. Với ông, “Sức khỏe – Hạnh phúc – Kiến thức không ai cho mình được”. 

Tâm, Tầm, Tài của người doanh nhân, người lãnh đạo. 

Tâm: Chúng ta lúc nào cũng phải yêu thương gia đình nhỏ của mình, yêu thương người nằm kế mình.

Tầm: Bao gồm tầm nhìn và tầm soát. Tầm nhìn: Mình nhìn thấy những gì người ta chưa thấy. Tầm soát: Thông qua công cụ, quy chế, quy trình và cơ quan kiểm soát. Đó là con mắt của mình.

Tài: Chúng ta phải có song hành phương pháp và biện pháp.

“Lãnh đạo còn có thể gọi là một nghề cao cấp, được nhiều người ao ước và ngưỡng mộ, một địa vị trong xã hội rất được trân trọng, vì vậy chúng ta cần phải dành thời gian biểu của mình để trau dồi thêm kiến thức, chuyên môn, rèn luyện thêm những kỹ năng mà mình cảm thấy chưa yên tâm – đặc biệt là kỹ năng KHÁI QUÁT. Phải nghiêm khắc với chính mình về mặt kỷ cương và ĐẠO ĐỨC. Và sẽ thật sự hạnh phúc khi chúng ta đưa được NGHỆ THUẬT vào công tác lãnh đạo của mình.”

CEO 4.0 2023: Kinh nghiệm quản trị, điều hành DN | VCCI-HCM

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành và Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm trao hoa và quà lưu niệm cho Doanh nhân Đặng Văn Thành và phu nhân Huỳnh Bích Ngọc

Nền tảng của thành công

“Bất cứ thời đại nào, lĩnh vực nào, nền tảng của thành công là KIỂM SOÁT ĐƯỢC CHI PHÍ CUNG CÁCH PHỤC VỤ”. Đây là hai yếu tố then chốt của nền kinh tế thị trường. Nếu chúng ta kiểm soát được chi phí thì chúng ta kiểm soát được giá thành. Chúng ta kiểm soát được giá thành thì chúng ta tăng được năng lực cạnh tranh. Chúng ta tăng được năng lực cạnh tranh thì chúng ta có thị phần. Chúng ta có thị phần thì chúng ta có hiệu quả. 

Đường đua mới – Kỷ nguyên số, kinh tế số

Chiến tranh Thương mại Mỹ – Trung và Đại dịch Covid 19 đưa nền kinh tế thế giới bước vào chu kỳ tái cấu trúc quy mô lớn, cách thức giao tiếp và làm việc của nhân loại thay đổi toàn bộ, phong trào chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ để gia tăng năng lực cạnh tranh, thương mại điện tử phát triển khủng khiếp.

Chúng ta phải tỉnh táo: đầu tư vào công nghệ thật sự đem lại hiệu quả. Chúng ta cần thích nghi và liên tục cải tiến. Chúng ta giám sát thông qua số hóa, tự động hóa khoa học mọi quy trình.

CEO 4.0 2023: Kinh nghiệm quản trị, điều hành DN | VCCI-HCM

Lãnh đạo VCCI, VCCI-HCM, diễn giả và đại diện lớp VCCI CEO 2023

Quản trị thương hiệu

Thương hiệu là khái niệm phi vật thể, nhưng vật thể lại cấu thành nên thương hiệu. Vậy cơ sở nào cấu thành thương hiệu quốc gia? Đầu tiên nhất là thương hiệu cá nhân. Đó là uy tín. Để xây dựng uy tín của một cá nhân, 70% là kinh tế (tiền lực), 30% là tác phong, đạo đức. Mất uy tín là mất tất cả. Thứ hai là thương hiệu sản phẩm. Thứ ba là thương hiệu doanh nghiệp. Đây là 3 yếu tố cấu thành thương hiệu quốc gia.

Giá trị của thương hiệu được xác định thông qua TÍN NHIỆM CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG và TRỊ GIÁ CỦA CỔ PHIẾU. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá rất cao so với giá trị của sản phẩm/ dịch vụ. Nhà đầu tư chấp nhận một thị giá rất cao so với mệnh giá của cổ phiếu. 

Lan tỏa, nhắc nhớ khách hàng về sản phẩm/ thương hiệu thông qua các hình thức quảng cáo, PR.

Nguyên tắc 3 7 10

Chúng ta phải xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ của mình theo nguyên tắc 3 7 10 (Ba bảy một không). Nghe 3 nhưng hiểu 7, và triển khai hiệu quả tới 10.

CEO 4.0 2023: Kinh nghiệm quản trị, điều hành DN | VCCI-HCM

Trong phần hỏi đáp, doanh nhân Đặng Văn Thành đã nhận được hơn 20 câu hỏi của các học viên về diễn biến kinh tế sắp tới, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, tầm nhìn, dự báo, làm thế nào để trở thành nhà cung cấp cho TTC, cách quản trị đội ngũ, cách nuôi dạy con và xây dựng thế hệ tiếp nối, v.v… 

___________

Doanh nhân Đặng Văn Thành là Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch CLB Thương Hiệu Việt, thành viên Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nhà sáng lập Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank và là người đưa Sacombank lên các cột mốc thành công trong hơn 2 thập kỷ điều hành Sacombank của mình.

Talkshow với CEO thành công là một trong những hoạt động của Chương trình đào tạo Giám đốc điều hành doanh nghiệp #CEO 4.0 (VCCI CEO) nhằm tạo điều kiện cho các học viên được lắng nghe, học hỏi và đón nhận những giá trị, những bài học và kinh nghiệm quý giá từ người đi trước.

Trung tâm Thông tin, VCCI-HCM biên tập

  • Sự kiện
  • Đào tạo