Cẩm nang Thực hiện Bộ Luật Lao động 2019 tại doanh nghiệp
- 10/09/2021
Bộ Luật Lao động 2019 (BLLĐ 2019) được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Bộ luật này được kế thừa BLLĐ 2012 và tiếp thu sửa đổi nhiều nội dung được đánh giá là tiến bộ, tiệm cận với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã phê chuẩn trong thời gian gần đây.
Các nội dung sửa đổi của BLLĐ 2019 nhằm: (i) Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển; giải quyết căn bản các vướng mắc và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh; (ii) Bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ và NSDLĐ; đảm bảo hài hòa lợi ích của NLĐ và NSDLĐ phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay để xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ; (iii) Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; (iv) Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
- Download: [Tiếng Việt] Cẩm nang Thực hiện BLLĐ 2019 tại doanh nghiệp
- Download: [Tiếng Anh] Cẩm nang Thực hiện BLLĐ 2019 tại doanh nghiệp / Guidebook for Implementation of The Labor Code 2019 at enterprises
Từ góc nhìn của một tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Văn phòng Giới sử dụng lao động – Chi nhánh Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh đã phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật lao động với sự hỗ trợ của Văn phòng Giới sử dụng Lao động thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Bangkok (ACTEMPT), Văn Phòng ILO tại Hà Nội biên soạn cuốn cẩm nang Thực hiện Bộ Luật Lao động 2019 tại Doanh nghiệp. Với mục tiêu cung cấp cho người sử dụng lao động những thay đổi quan trọng của BLLĐ 2019 so với BLLĐ 2012, tăng tính tuân thủ các quy định pháp luật trong quan hệ lao động từ đó có những điều chỉnh cần thiết trong quản lý lao động tại doanh nghiệp.
Cẩm nang này tập trung vào các thay đổi quan trọng liên quan đến: HĐLĐ; hình thức của HĐLĐ; hành vi NSDLĐ không được làm khi giao kết, thực hiện HĐLĐ; thời gian thử việc; chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ; tạm hoãn thực hiện HĐLĐ; quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động; quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; thương lượng tập thể; nguyên tắc trả lương; thưởng; làm thêm giờ; nghỉ lễ, tết; sử dụng người lao động cao tuổi; tuổi nghỉ hưu; lao động nữ. Các nội dung của cẩm nang được thể hiện qua 8 chương với những phân tích ngắn gọn, so sánh quy định pháp luật trước và sau sửa đổi đồng thời đưa ra các khuyến nghị trong quá trình thực hiện tại doanh nghiệp dành cho người sử dụng lao động. Hy vọng cẩm nang sẽ trở thành tài liệu hữu ích cho người sử dụng lao động góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, tuân thủ pháp luật và tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp.
Đây là một cẩm nang mở, khi hoàn thành ấn bản đầu tiên sẽ có nhiều điều luật và quy định mới chưa kịp cập nhật. Mọi đóng góp về chuyên môn xin vui lòng liên hệ Văn phòng Giới Sử dụng Lao động, VCCI-HCM: Điện thoại: 0283 9325169; Email: bea@vcci-hcm.org.vn