Các kiến nghị của VCCI gửi Quốc hội tháng 07/2021
- 31/07/2021
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ thứ tư bùng phát từ ngày 27/4/2021 với sự xuất hiện của biến chủng virus mới lây lan trên diện rộng tại nhiều tỉnh, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp nhiều trung tâm kinh tế và trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, VCCI có một số đề xuất, kiến nghị:
* Đối với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:
– Sớm ban hành Luật sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để thể chế hoá nội dung về mức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.
– Xây dựng và ban hành Nghị quyết tổng thể về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cho giai đoạn mới 2021-2025. Hiện nay, nhiều chính sách miễn giảm các mức thuế và nhiều chính sách quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
– Tổ chức một số chương trình giám sát để kịp thời đánh giá và nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
* Đối với Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương:
– Cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.
– Cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025, nhằm cụ thể hoá các chính sách của Đảng và Quốc hội.
– Đối với các chính sách đã ban hành, cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch COVID-19. Cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này.
– Cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.
– Ưu tiên triển khai nhanh chóng việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp (không chỉ là người lao động tại các khu công nghiệp) nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, duy trì được các hoạt động sản xuất và kinh doanh.
– Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những lĩnh vực/ngành cần phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nhất.
– Cần có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch COVID-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.
– Cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế số và kích cầu nội địa; không chủ quan với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, tiếp tục tăng cường phối hợp hiệu quả trong điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, quan tâm kiểm soát bong bóng tài sản; kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tại thị trường chứng khoán và bất động sản.
– Tiếp tục ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về việc ban hành Chương trình cắt giảm đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Chính phủ cần thúc đẩy, giám sát các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện Nghị quyết này một cách thực chất, hiệu quả.
Nguồn: VCCI Hà Nội