Biến đổi khí hậu – Doanh nghiệp cần thích nghi và chủ động ứng phó

Sáng ngày 26/03/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) đã phối hợp với BSR tổ chức hội thảo “TĂNG TRƯỞNG XANH ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU & PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP”. Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm và tham dự của hơn 90 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Hưng – Phó Giám đốc VCCI-HCM phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thế Hưng – Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nhiều mặt đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhận thức rõ những tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, VCCI đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin, chia sẻ các giải pháp,… Nổi bật vào tháng 9/2020, với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á tại Việt Nam, VCCI đã công bố Báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” tại Hà Nội. Đây có thể xem là điều tra doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về chủ đề rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Đại diện Tổ chức BSR phát biểu trực tuyến

Trong phần phát biểu của mình, Ông Phạm Ngọc Thạch – Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI đã chia sẻ báo cáo “THÍCH ỨNG ĐỂ THÀNH CÔNG: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM”. Theo đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi thời tiết cực đoan. Theo Ngân hàng thế giới, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên tới khoảng 1,5% GDP mỗi năm tại Việt Nam và có thế còn tiếp tục gia tăng trong tương lai.

Biến đổi khí hậu đang có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với các hoạt động lao động kinh doanh của doanh nghiệp như làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất động, giám doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiết hải cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực, thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Hiện nay, các doanh nghiệp ở vùng Duyên hải miền Trung đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng còn lại. Nông nghiệp, làm nghiệp và thủy sản là ngành bị ảnh hưởng nhất. Những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động chịu tác động nhiều hơn các nhóm còn lại.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang triển khai các hoạt động ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Phố biển nhất là gia cố, sửa chữa nhà xưởng, khu làm việc hiện tại, điều chỉnh giờ làm việc, đào tạo cán bộ, nhân viên về từng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Đã có một số lượng đáng kể doanh nghiệp cho biết đã thay đổi phương thức kinh doanh do thách thức từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, xây dựng lại nhà xưởng, nâng cấp công nghệ sản xuất và yêu cầu đối tác kinh doanh cùng có kế hoạch ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai.

Ông Phạm Ngọc Thạch – Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI

Đa số doanh nghiệp tương đối lạc quan về cơ hội trong bối cảnh rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu: cơ hội cho việc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới, phát triển thị trường cho sản phẩm đang có, cơ hội xây dựng thương hiệu (như sản phẩm thân thiện với môi trường) cho doanh nghiệp.

Các động cơ quan trọng để các doanh nghiệp gia tăng đầu tư để thân thiện hơn với môi trường bao gồm chất lượng lao động tại địa phương, môi trường kinh doanh, sự tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách về vấn đề trên. Để thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng đầu tư thân thiện hơn với môi trường, rõ ràng chính quyền có vai trò rất quan trọng. Đó là cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp để họ an tâm đầu tư. Đồng thời với đó là cần chú trọng nâng cao chất lượng lao động tại các địa phương, mà cụ thể hơn là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Đồng thời với đó, là việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tận dụng các cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia ngày một sâu rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường đang ngày một ngặt nghèo hơn.

Tại buổi hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Truyền – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ giải pháp về vấn đề biến đổi khí hậu đó là “tăng trưởng xanh”. Tăng trưởng xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng,là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới,là thay đổi mô hình tăng trưởng, là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn 2050. Theo đó, mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là Tăng trưởng xanh; Tiến tới nền kinh tế các-bon thấp; Làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; Giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.

ThS. Nguyễn Thị Truyền – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường

Để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cần thực hiện những giải pháp sau:

  1. Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại.
  2. Thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải.
  3.  Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
  4. Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.
  5. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên.
  6. Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững chủ yếu gồm: Hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi và các công trình xây dựng đô thị.
  7. Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn.
  8. Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.

Trong phần chia sẻ của doanh nghiệp điển hình về những thành tựu hướng đến phát triển bền vững, đại diện công ty TNHH may mặc Bowker đã đưa ra những con số ấn tượng về việc tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng carbon phát thải ra môi trường. Một số giải pháp tiêu biểu công ty đang áp dụng như 98% bóng đèn huỳnh quang (28W) chuyển sang LED (18W), 96% máy may chuyển sang bán tự động, lắp hệ thống hút hơi nóng ra ngoài từ máy cắt Gerber, sử dụng điện mặt trời.

Đại diện công ty TNHH may mặc Bowker

Là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI-HCM trong những năm qua đã phối hợp cùng các tổ chức và các dự án khác nhau triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, hướng đến phát triển bền vững, tiêu biểu là Dự án SCORE (hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững) và Dự án Oxfam (chuỗi hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL). Ông Nguyễn Lê Nhật Thanh, Phó trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động, Điều phối viên của 2 dự án trên cho biết đến nay các dự án đã tư vấn và hỗ trợ cho hơn 250 doanh nghiệp trong việc cải tiến nhà máy, tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm hàng tỷ đồng. Ông Thanh nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là điều tất yếu sẽ xảy ra, điều doanh nghiệp cần làm là thích nghi và chủ động ứng phó.

Ông Nguyễn Lê Nhật Thanh – Phó trưởng Văn phòng Giới sử dụng lao động

  • Sự kiện
  • Đào tạo

Bà Bùi Thị Ninh

Phó Giám đốc VCCI-HCM

093 815 0708

buithininh@vcci-hcm.org.vn