Bàn tăng lương tối thiểu vùng năm 2018
- 28/06/2017
Trong khi đại diện bên sử dụng lao động cho rằng với tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc thì không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 hoặc nếu tăng chỉ nên dưới 5% thì đại diện người lao động cho rằng mức tăng 13,3% là hợp lý.
Ngày 27-6, tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp bàn, thương lượng phương án tiền lương tối thiểu theo vùng năm 2018. Đây là phiên họp thứ nhất trong vòng đàm phán giữa ba bên là đại diện cho người lao động, chủ sử dụng lao động và đại diện của cơ quan nhà nước.
Đây là phiên họp kín nên báo chí không được tham dự. Được biết, Bộ phận Kỹ thuật Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm tới.
Phương án thứ nhất tăng trung bình 5% so với hiện nay, từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng, tuỳ thuộc vào từng vùng. Phương án thứ hai tăng bình quân 6% từ 160.000 đồng đến 220.000 đồng. Phương án thứ ba là tăng bình quân 6,8%, tức tăng từ 180.000 đồng đến 250.000 đồng.
Cũng như những lần họp trước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức cao hơn so với phương án của Bộ phận kỹ thuật. Theo đó, mức đề nghị của Tổng liên đoàn Lao động tăng bình quân 13,3%, tức tăng từ 370.000 đồng đến 450.000 đồng tuỳ từng vùng.
Tuy nhiên, phía đại diện chủ sử dụng lao động đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất không tăng lương tối thiểu vùng 2018. Phương án 2 tăng lương tối thiểu vùng ở mức 2 đến 3%, tối đa mức 5%. Theo một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tương lai bất định của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, ảnh hưởng tới tiềm năng xuất khẩu. Do đó, nếu tăng hơn sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp.
Phía Tổng liên đoàn Lao động lai cho rằng, nền kinh tế năm 2017 đã có nhiều điểm sáng, số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn so với số doanh nghiệp phá sản, tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn so với năm 2016, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 6%…
Phiên họp hôm 27-6 chỉ là phiên kỹ thuật để các bên đưa ra các phương án. Dự kiến đầu tháng 7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp để các bên thảo luận, tranh luận xung quanh các phương án mình đề xuất.
Đầu tháng 8-2016, mức tăng lương tối thiểu bình quân cho cả 4 vùng cho năm 2017 là 7,3%, trong đó vùng 1 có mức lương tối thiểu cao nhất, đạt 3,75 triệu đồng/tháng, tăng 250.000 đồng so với mức lương tối thiểu năm 2016.
Hiện nay, các doanh nghiệp, chuyên gia và cả phía Tổng liên đoàn lao động đều chưa thống nhất với nhau về cách tính nhu cầu sống tối thiểu, là căn cứ để xác định lương tối thiểu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu thì rất đa dạng và khó có thể định lượng được và đang đề xuất cách tình lương tối thiểu dựa trên mức sống tối thiểu.
Hiện Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đang cân nhắc tới khả năng xây dựng một luật riêng về tiền lương tối thiểu, tách biệt hẳn với Bộ luật lao động hiện hành.
Lương tối thiểu 2017 đối với vùng 1 là 3,75 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,32 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,9 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 2,56 triệu đồng. Mức lương tối thiểu này tăng trung bình 7,3% so với năm 2016.
Theo Thesaigontimes.vn