AmCham kiến nghị sửa đổi quy định về thương mại
- 23/08/2017
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã đưa ra kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về thương mại và phân phối, trong đó có quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) đối với doanh nghiệp bán lẻ.
Theo thông cáo báo chí của AmCham gửi đi hôm 23-8, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đang đối mặt với quy trình xem xét không nhất quán, chủ yếu liên quan đến việc thực thi Nghị định 23/2007/NĐ-CP. Nghị định này quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cụ thể, Bộ Công Thương không chấp nhận kết quả rà soát ENT của Hội đồng ENT. Mặc dù Hội đồng ENT đã đưa ra ý kiến đồng ý cho phép doanh nghiệp FDI được mở thêm điểm bán lẻ, nhưng bộ vẫn yêu cầu doanh nghiệp bổ sung tài liệu.
Theo AmCham, điều này không phù hợp với Nghị định 23/2007 vốn chấp nhận ý kiến khẳng định của Hội đồng ENT về nhu cầu kinh tế. Doanh nghiệp FDI được yêu cầu thực hiện thủ tục ENT khi muốn lập thêm cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi.
Do đó, hiệp hội này cho rằng nghị định thay thế Nghị định 23 phải quy định rõ thủ tục, thời hạn, nghĩa vụ của từng cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra ENT nhằm giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Amcham Việt Nam cũng kiến nghị về một số quy định khác, như liên quan đến giấy phép đầu tư, thủ tục đăng ký khuyến mãi,… Trong đó, về khuyến mãi, theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp muốn thực hiện khuyến mãi phải phụ thuộc vào nhiều hạn chế, như giới hạn giá trị 50% sản phẩm, hạn chế thời gian, thủ tục thông báo và đăng ký gây phiền hà.
“Thực tế, chi phí để tuân thủ các thủ thục thông báo và đăng ký này có thể quá cao đối với doanh nghiệp”, hiệp hội này cho biết, và kiến nghị dự thảo nghị định thay thế Nghị định 37/2006 về khuyến mãi nên loại bỏ những hạn chế và thủ tục bất hợp lý, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Hay, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, cổ đông, nhà đầu tư phải góp vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo AmCham Việt Nam, do hầu hết các ngân hàng có thủ tục KYC (thủ tục nhằm chống các hoạt động phi pháp, rửa tiền,… – NV) khá nghiêm ngặt, nên nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu về thời hạn 90 ngày để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và góp vốn.
Trong khi đó, với trường hợp này, Luật Doanh nghiệp không đưa ra giải pháp, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không đưa ra bất kỳ giải pháp nào. Do đó, AmCham cho rằng cần có một nghị định của Chính phủ để đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Hiện AmCham Việt Nam có gần 500 công ty hội viên và hơn 1.000 đại diện hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực sản xuất, vận tải, hậu cần, du lịch và các dịch vụ chuyên nghiệp.
Theo Thesaigontimes.vn