10 Hoạt động tiêu biểu của VCCI-HCM năm 2016
- 24/01/2017
1. Hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước”
Hội nghị diễn ra ngày 29/04/2016 tại Hội trường Thống Nhất với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng sự tham dự của các Phó Thủ tướng, đại diện lãnh đạo các địa phương, hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp và 500 đại biểu đại diện các doanh nghiệp dân doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định “Đảng, Nhà nước luôn coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế.” Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Thủ tướng cũng đã chứng kiến lễ ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp giữa Chủ tịch UBND Hà Nội, TP.HCM và Chủ tịch VCCI.
Sau hội nghị, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 35/NQ-CP ban hành ngày 16/05/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
2. Lễ ký cam kết về Tạo lập Môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp với 32 tỉnh, thành phố.
Buổi lễ diễn ra vào ngày 24/08/2016 tại TP.HCM với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo UBND của 32 tỉnh, thành phố và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP. 32 tỉnh, thành tham gia ký cam kết bao gồm 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ và 14 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi ký kết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Nghị quyết 35 đã nêu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của lãnh đạo chính quyền 63 tỉnh, thành; cụ thể là phải xây dựng chương trình hành động tại địa phương, kịp thời ghi nhận những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để báo cáo và giải quyết, xử lý nghiêm những cán bộ công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp, thực hiện đối thoại ít nhất hai lần/ năm… Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý vai trò của VCCI là đơn vị giám sát và hỗ trợ các tỉnh, thành thực hiện các cam kết.
3. Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính Thuế, Hải quan năm 2016
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp do Bộ Tài Chính phối hợp với VCCI tổ chức ngày 30/11/2016 tại TP.HCM là sự kiện thường niên nhằm tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách TTHC thuế và hải quan, tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính: (1) Cập nhật các thay đổi về chính sách, TTHC mới trong lĩnh vực thuế, hải quan và (2) Đối thoại giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các doanh nghiệp. Hội nghị có sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục Thuế, Hải quan, các đơn vị trực thuộc ngành Thuế, Hải quan và trên 500 doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Hội nghị đã giải đáp 16 ý kiến với gần 30 câu hỏi liên quan đến chính sách thuế, hải quan và cải cách TTHC. Mặc dù ghi nhận nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong việc cắt giảm TTHC, các doanh nghiệp phản ánh còn nhiều quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh. Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cần cải cách mạnh mẽ TTHC thuế và hải quan, luân chuyển cán bộ… để có thái độ phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
4. Chuỗi hội nghị Phối hợp hành động Tạo thuận lợi thương mại tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương
Trong khuôn khổ Dự án Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Việt Nam (VTFA), VCCI-HCM đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) tổ chức chuỗi hội nghị “Phối hợp hành động Tạo thuận lợi thương mại” trong tháng 04/2016 tại các tỉnh, thành trên nhằm tăng cường liên kết, phối hợp đẩy mạnh công tác kiến nghị, tham vấn các cơ chế, chính sách, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và địa phương. Đại diện chính quyền các tỉnh, thành đánh giá cao sáng kiến của VCCI-HCM khi tổ chức hội nghị phối hợp hành động với sự tham dự của đầy đủ các bên liên quan bao gồm UBND, các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp địa phương.
Tiếp nối kết quả của hội nghị trên, VTFA tiếp tục phối hợp với các UBND các tỉnh tổ chức chuỗi hội nghị bàn tròn về “Hoạt động Tạo thuận lợi thương mại” sau đó vào tháng 05/2016 tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Hội nghị đã thảo luận về các thực trạng và kiến nghị cải cách hoạt động tạo thuận lợi thương mại, chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại của Hoa Kỳ, và trao đổi kế hoạch hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
5. VCCI nhận “Giải thưởng Vàng Toàn cầu 2016” về phát triển mô hình dạy nghề kiểu mới tại Việt Nam
Tại Hội nghị lần thứ 13 của Mạng lưới Đối tác Giáo dục – Doanh nghiệp Quốc tế (International Eduation Business Partnership Network- IPN) được tổ chức vào tháng 09/2016 tại Oslo, Na Uy với sự tham dự của nhiều tổ chức thành viên IPN đến từ nhiều nước trên thế giới, VCCI đã vinh dự được trao tặng “Giải thưởng Vàng Toàn cầu năm 2016” cho những thành công trong quá trình hợp tác với Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO) về phát triển mô hình dạy nghề kiểu mới tại Việt Nam.
VCCI và NHO thiết lập quan hệ hợp tác năm 2004 trong các vấn đề liên quan đến lao động, bao gồm thương lượng tập thể, đối thoại xã hội và quản lý nguồn nhân lực. Từ năm 2010, VCCI-HCM và NHO bắt đầu thí điểm chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua việc thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo giảng viên, tổ chức thực tập, và đánh giá kết quả. Điểm nổi bật của mô hình này là việc thành lập Ban tư vấn chất lượng (QAB) với sự tham gia của đại diện các trường, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội địa phương, đại diện hiệp hội ngành nghề/ doanh nghiệp và VCCI-HCM. Ban tư vấn đóng vai trò tham vấn cũng như thúc đẩy sự hợp tác và cải tiến chất lượng đào tạo nghề. Chương trình được tiến hành thí điểm cho ngành cơ khí ô tô và nhà hàng khách sạn từ năm 2010. Mô hình hiện nay đang được mở rộng đến các ngành nghề như dệt may, đồ gỗ, cơ khí- điện,…
6. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Rumani
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn doanh nghiệp Rumani do Ngài Vlad Vasiliu – Quốc vụ Khanh Bộ Kinh tế Thương mại và Môi trường kinh doanh Rumani dẫn đầu, VCCI-HCM đã phối hợp với Đại sứ quán Rumani tại Việt Nam tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Rumani” vào ngày 15/06/2016 tại TP.HCM.
Tham dự diễn đàn, bên cạnh sự hiện diện của Ngài Vlad Vasiliu, còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành Rumani và các doanh nghiệp Rumani hoạt động trong các lĩnh vực: nước khoáng, điện, hệ thống truyền tải điện, điện tử, truyền thông, dầu khí, hóa dầu, xây dựng dân dụng và công nghiệp, cùng sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt trên 150 triệu USD, chạm mức 175,6 triệu USD. Dù vậy, theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, thương mại giữa hai nước vẫn chưa thực sự phát triển xứng tầm với tiềm năng quan hệ giữa hai bên. Việt Nam và Rumani vừa là thị truyền thống của nhau, vừa có tiềm năng hợp tác trên nhiều mặt vì có khả năng bổ sung cho nhau.
7. Hội thảo “Hồng Kông: Đối tác giao thương quốc tế”
Nhân chuyến thăm của đoàn cấp cao Cục Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC) đến TP.HCM, VCCI-HCM phối hợp cùng HKTDC và Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIETRADE) tổ chức hội thảo vào ngày 24/06/2016 tại TP.HCM. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ (VPCP), UBND TP.HCM, 250 doanh nghiệp Việt Nam và 60 đại diện từ HKTDC bao gồm Giám đốc Điều hành, các Giám đốc Vùng/ Chi nhánh và các chuyên gia tư vấn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm VPCP cho biết hiện nay Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển, trong đó có cả doanh nghiệp tư nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đánh giá cao chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Việt Nam, bà Margaret Fong, Cục trưởng HKTDC cho hay hiện có nhiều doanh nghiệp Hồng Kông mong muốn đến VN tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư… “Điều thuận lợi nhất là Hiệp định thương mại tự do Hồng Kông – ASEAN dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm nay sẽ góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai bên”.
Tại buổi tiếp bà Margaret Fong vào chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Hồng Kông hiện đứng thứ 5 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại TP với 332 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt trên 2,9 tỷ USD. Đối với lĩnh vực TP.HCM quan tâm kêu gọi đầu tư như hạ tầng giao thông, cải tạo đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Margaret Fong cho biết đây là những lĩnh vực Hồng Kông có thế mạnh và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm với TP.HCM.
8. Hội nghị “Một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp – Giao ban hiệp hội và doanh nghiệp khu vực phía Nam”
Hội nghị diễn ra vào ngày 29/06/2016 tại TP.HCM với sự tham dự của lãnh đạo VCCI, UBND TP.HCM và 200 đại biểu đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp. Tại Hội nghị, chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, để đạt được chỉ tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp và là một trong ba nước có môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực ASEAN, Chính phủ đang nỗ lực cải cách thể chế theo hướng hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; phát triển nền kinh tế thị trường với các chuẩn mực quốc tế . Ông cũng kêu gọi: “Tôi mong các hiệp hội, doanh nghiệp chúng ta tham gia vào quá trình cải cách thể chế mà Chính phủ đang thực hiện để cùng tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng”.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Lãnh đạo TP tiếp tục sẽ là người bạn đồng hành kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp. Cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, an toàn, thông thoáng. Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của TP”. Trong phiên đối thoại, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng đã chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị về cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, các giải pháp nâng cao vai trò năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp.
9. Hội thảo “Hiến kế xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV”
Hội thảo do VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 20/01/2016 nhằm thảo luận về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, qua đó xác định nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và thu thập các ý tưởng ban đầu về việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV. Tham dự hội thảo có đại diện VCCI, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các luật sự, chuyên gia kinh tế, cùng hơn 100 đại biểu đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV.
Đây là một đạo luật quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và Thế giới, các DNNVV trong nước rất cần phát triển về “chất”, cần một hành lang pháp lý cho riêng mình. Theo đó, sự quản lý, hỗ trợ và tạo điều kiện của Nhà nước rất cần thiết, giúp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV Việt Nam.
10. Dự án “Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Kỹ thuật Công nghệ và Cơ khí”
Bắt đầu triển khai từ giữa năm 2016, dự án do VCCI-HCM phối hợp với Liên minh các Doanh nghiệp Kỹ thuật, Công nghệ và Cơ khí và Trường Cao đẳng Nghề Hoa Sen thành lập Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Kỹ thuật, Công nghệ và Cơ khí, với sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) nhằm hỗ trợ các cá nhân và tổ chức khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và cơ khí. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sự phát triển cả về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành trên tại TP.HCM.
Dự án đã triển khai các hoạt động như hội thảo “Giới thiệu dự án và các chương trình hỗ trợ DNNVV và startup”; 5 khóa đào tạo nâng cao năng lực cho các ứng viên về các chủ đề: Lập kế hoạch kinh doanh, Nâng cao kỹ năng làm việc và khởi nghiệp (phối hợp với Dự án Global Youthspak Carrier Readiness của Microsoft), Online Marketing, Kỹ năng lãnh đạo. Đặc biệt, dự án đã triển khai chương trình hỗ trợ các ứng viên thực tập làm việc trong 3-6 tháng tại các doanh nghiệp trong Liên minh các Doanh nghiệp Kỹ thuật, Công nghệ và Cơ khí, giúp các ứng viên tiếp cận với thực tế khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và cơ khí.