Lo ngại phí BHXH Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines, Indonesia, VCCI kiến nghị giảm mức đóng xuống 20%
- 21/08/2023
Chủ tịch VCCI cho rằng, tỷ lệ đóng BHXH của cả doanh nghiệp và người dân tổng cộng là 25% cao hơn nhiều Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%,…Điều này khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.
Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 25. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).
Kiến nghị giảm mức đóng BHXH xuống 20%
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không nên tăng lên mức 27% mà thậm chí nên giảm xuống.
Ông Công so sánh, tỷ lệ đóng này hiện nay là 17% đối với doanh nghiệp, cộng cả phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác thì lên đến 32%. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều, như Indonesia chỉ 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
“Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam rất cao, khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng”, Chủ tịch VCCI nói.
Vì vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển bảo hiểm xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng của cả của doanh nghiệp và người lao động xuống còn khoảng 20%.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công. (Ảnh: VGP).
Chỉ cho rút 50% BHXH một lần
Với quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất hai phương án.
Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần; Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Đánh giá dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương,Nguyên Viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội tán thành phương án 2 của dự thảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, việc rút BHXH khi không có việc làm là chưa phù hợp với bản chất của BHXH, cần sử dụng BH thất nghiệp để bù đắp thu nhập do bị mất việc làm. Tuy nhiên, đối với trường hợp NLĐ không tham gia BHTN, thì việc cho rút một phần BHXH cũng là giải pháp hỗ trợ người lao động giảm bớt khó khăn.
Việc chỉ cho rút 50% cũng là điều kiện để người lao động tiếp tục tham gia BHXH và quan trọng hơn là bảo đảm cho họ có hưu trí khi về già.
Cũng cần lưu ý là, ngoài các tác dụng trên, phương án này còn đưa ra một gợi ý về thiết kế hệ thống BHXH linh hoạt trong tương lai: Thực tế là nhiều người lao động không muốn tham gia BHXH do thời gian đóng quá dài, không được rút ra để có thêm một khoản thu nhập nào để cho nhu cầu cá nhân/hộ gia đình trong tương lai, thiết kế BHXH nên có cho phép người lao động có thể rút ra một phần thu nhập đã đóng góp để bảo đảm một số nhu cầu cá nhân. Nhiều nước cũng thiết kế hệ thống BHXH cho phép rút một phần thu nhập.
Nguồn: VietnamBiz
Tổng hợp và biên tập: Trung tâm Thông tin, VCCI-HCM.