TP. Hồ Chí Minh lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế
- 13/09/2017
Ngày 13/9, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung của 5 luật thuế. Nhiều ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc sửa đổi, bổ sung của 5 luật thuế là phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế nói trên để trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo đề cương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế (Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế Tài nguyên (TN). Theo đó, bên cạnh những nội dung quy định tăng mức thu như tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT), tăng khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường, thì dự thảo cũng đưa ra nhiều quy định miễn giảm thuế mang tính chất ưu đãi.
Tại hội thảo, đa số các ý kiến đồng tình với việc sửa đổi các sắc thuế nhằm đảm bảo tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong dài hạn; chống thất thu thuế GTGT; đáp ứng yêu cầu cải cách chính sách thuế; góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh… Song các doanh nghiệp (DN) cho rằng, sử đổi luật cần quy định rõ hơn về việc tăng thuế đối với các ngành hàng, phân chia cụ thể từng lĩnh vực; Từ ngữ trong dự thảo cần rõ ràng hơn tạo tính minh bạch cho từng loại sản phẩm, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp. Với tình hình kinh tế đất nước hiện nay, nhiều ý kiến của DN cho rằng việc tăng thuế đối với một số mặt hàng và thuế GTGT…cần áp dụng theo lộ trình dài hạn, nếu áp dụng ngay trong năm tới sẽ ảnh hưởng tới “sức khỏe” của nền kinh tế.
Toàn cảnh buổi Hội thảo lấy ý kiến DN về dự thảo sửa đổi, bổ sung của 5 luật thuế ngày 13/9 tại TP. HCM.
Một số chuyên gia phân tích, dự thảo điều chỉnh tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng chịu thuế suất GTGT thông thường và các mặt hàng có thuế suất tăng từ 10% lên 12%. Việc tăng thuế GTGT sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và DN.
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam, như dự thảo các mức thuế theo hướng tăng, cụ thể thuế GTGT tăng từ 10% lên 12%; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với DN sản xuất nước ngọt là 10%; mức thuế GTGT áp dụng cho “đường” tăng từ 5% lên 6%. Ông Vỵ cho rằng, nếu ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng theo khoảng 12%, làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức thuế suất GTGT áp dụng cho “đường” tăng. Tất cả các yếu tố này sẽ gây những hệ lụy như: tăng giá thành sản phẩm; giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm; giảm doanh thu kéo theo quy mô sản xuất, từ đó giá bán sản phẩm cao có khả năng sẽ dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tăng lên.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Thạc sĩ Trần Minh Hiệp – Giảng viên Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh nhận định, việc tăng GTGT hàng hóa từ 5-10% lên 6-12% sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người nông dân. Người tiêu dùng phải chịu thuế sau cùng từ tất cả các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Thuế GTGT tăng sẽ tăng gánh nặng cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nông dân và công nhân… vì họ phải trả thuế GTGT gián tiếp trong giá cả hàng hóa, dịch vụ mà họ sử dụng.
Cũng theo Dự thảo Luật thuế sửa đổi lần này, các DN mới thành lập, hoạt động tại địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các DN mới thành lập, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, theo dự thảo có lợi cho DN, đặc biệt là DN siêu nhỏ (là DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 17%.
Bên cạnh việc giảm thuế suất, dự thảo cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung về ưu đãi thuế đối với một số lĩnh vực, trong đó nội dung liên quan đến ưu đãi thuế, nổi bật là: Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho DNNVV để đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội ban hành.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này còn bổ sung quy định: miễn, giảm thuế cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật thành lập theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV (miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo, không ưu đãi về thuế suất).
Đối với Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cũng đề nghị sửa đổi 8 nội dung, trong đó một số nội dung liên quan đến ưu đãi thuế rất rõ nét. Đó là bổ sung quy định chính sách giảm 50% thuế TNCN cho một số đối tượng nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tăng thu thuế đối thu nhập cá nhân bất thường như trúng số Vietlott.
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế – Deloitte Việt Nam cho rằng, đối với thuế thu nhập cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công theo hướng phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Sửa đổi mức thuế suất đối với thu nhập từ trúng thưởng xổ số Vietlott với 3 bậc thuế: thu nhập tính thuế đến 5 tỷ đồng áp mức thuế 10%, từ trên 5 tỷ đến 10 tỷ là 20% và trên 10 tỷ là 30% là phù hợp với thực tế hiện nay.
Những ý kiến của DN sẽ được VCCI ghi nhận và tổng hợp trình lên cấp có thẩm quyền để đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB, Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN và Luật thuế TN.
Tổng hợp từ Baocongthuong.com.vn và Thoibaotaichinhvietnam.vn