Tổng kết Chương trình 100 ngày nói không với tai nạn lao động – Dự án SCORE
- 25/02/2020
Lễ tổng kết chiến dịch đã được tổ chức ngày 17/01/2020 tại TP HCM. Chiến dịch “100 ngày nói không với tai nạn lao động” do Chương trình Phát triển Doanh nghiệp Bền vững (SCORE) – đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP HCM phối hợp tổ chức. Các đối tác hỗ trợ chiến dịch bao gồm Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) và Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM (CSID).
Năm 2019 đánh dấu năm thứ hai của giai đoạn 3 triển khai dự án SCORE, năm 2019 cũng là năm có nhiều sự cải tiến trong việc triển khai dự án nhằm đưa các nội dung đào tạo SCORE vào trong các chương trình đào tạo của VCCI HCM và các đối tác địa phương của dự án như HAWA, BIFA, FPA, CSID. Trong quá trình thực hiện, VCCI HCM đã thể hiện sự chủ động của mình trong việc triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng năng lực cho các đối tác địa phương để cung ứng được dịch vụ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Doanh nghiệp.
Cũng trong năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập tổ chức lao động quốc tế (ILO), VCCI HCM phối hợp cùng ILO và các đối tác địa phương của dự án triển khai Chương trình “100 ngày nói không với tai nạn lao động” từ ngày 27/09/2019 đến ngày 15/01/2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của Doanh nghiệp và người lao động vào việc đảm bảo An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc. Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 60 Doanh nghiệp, Hiệp hội, tổ chức đối tác cùng cam kết kí tên thực hiện 100 ngày nói không với tai nạn lao động. Đây là một hoạt động của chiến dịch nhằm khẳng định mối liên hệ giữa an toàn lao động và năng suất lao động tại các doanh nghiệp ngành gỗ và các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Trong thời gian triển khai chương trình 100 ngày nói không với tai nạn lao động, đã có nhiều hoạt động được xây dựng nhằm hỗ trợ cộng đồng Doanh nghiệp như: Đào tạo kỹ năng quản lý an toàn lao động; khảo sát, đánh giá và tư vấn cải tiến an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại nhà máy; chia sẻ kinh nghiệm thiết kế, xây dựng, vận hành và kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy tại nhà xưởng, các cuộc thi chia sẻ hình ảnh tốt về an toàn lao động tại nhà máy.
Các Doanh nghiệp tham gia vào chương trình 100 ngày nói không với tai nạn lao động cũng tích cực hưởng ứng chương trình bằng việc tổ chức phát động chương trình 100 ngày nói không với tại nạn lao động tại chính Doanh nghiệp của mình. Hình ảnh về các lễ phát động tại Doanh nghiệp và các hình ảnh tốt về an toàn liên tục được cập nhật về cho VCCI HCM. Các Doanh nghiệp tham gia cũng tích cực thực hiện đào tạo, chia sẻ và tuyên truyền về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc. Các Doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ đánh giá và tư vấn tại nhà máy cũng đã chủ động liên hệ với VCCI HCM để nhận được hỗ trợ từ chương trình. Trong quá trình thực hiện chương trình, nhiều hình ảnh cải tiến tốt về an toàn cũng đã được chia sẻ.
Chương trình cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Hơn 1.600 người đã theo dõi chiến dịch trên phương tiện truyền thông xã hội để tìm hiểu về tầm quan trọng của an toàn tại nơi sản xuất đối với người sử dụng lao động và người lao động, cũng như các biện pháp giúp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. 160 cán bộ phụ trách an toàn nhà máy đã tham gia các hoạt động tập huấn, hội thảo chuyên đề và tư vấn giúp xác định, ngăn ngừa các mối nguy hiểm tại nơi làm việc và thiết lập hệ thống phòng cháy chữa cháy hiệu quả. 9 doanh nghiệp đã bổ sung và cập nhật chính sách về sức khỏe và an toàn lao động.
Tại buổi lễ tổng kết, Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, (VCCI-HCM), chia sẻ: Sau 100 ngày triển khai chương trình, với sự quyết tâm của các Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp, các đơn vị tham gia đều cố gắng đảm bảo an toàn tại nơi làm việc và không để xảy ra tai nạn lao động. Tôi tin rằng những kết quả trên đây trong khuôn khổ 100 ngày nói không với tai nạn lao động chỉ là những viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Và với sự cam kết, quyết tâm đồng lòng của các Doanh nghiệp, tôi chắc rằng chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa những ngày làm việc an toàn và không có tai nạn lao động trong tương lai, tiến đến mục tiêu không còn xảy ra tai nạn lao động tại nơi làm việc.
“Chiến dịch 100 ngày nói không với tai nạn lao động là một chương trình rất ý nghĩa đối với người lao động và doanh nghiệp. Hoạt động này đã giúp doanh nghiệp của chúng tôi tiếp tục đưa an toàn lao động làm ưu tiên hàng đầu,” ông Hồ Tiến Trình, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Nguyên Phúc, một doanh nghiệp đã đạt mục tiêu 100 ngày không có tai nạn lao động chia sẻ.
ILO bắt đầu triển khai chương trình SCORE tại Việt Nam từ năm 2011 và đến nay đã hỗ trợ được 230 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 94.000 người lao động. “Chương trình SCORE tự hào vì đã góp phần thúc đẩy an toàn lao động tại các nhà máy Việt Nam. Mức độ phát triển tại Việt Nam đã cho phép chúng ta có thể phòng tránh được mọi tai nạn lao động. Tôi rất vui mừng khi biết rằng rất nhiều doanh nghiệp tham gia chiến dịch đã đạt được mục tiêu,” ông Stephan Ulrich, Quản lý khu vực của Chương trình SCORE thuộc ILO phát biểu. “Cân nhắc với tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay và các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ thị trường quốc tế, việc đầu tư vào an toàn vệ sinh lao động là hoàn toàn cần thiết. Điều này sẽ giúp nâng cao sức khỏe và năng suất lao động, giảm tỷ lệ lao động nghỉ việc và giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường ngày một toàn cầu hóa.”